UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ban - ngành TP, Chủ tịch UBND các quận - huyện triển khai thực hiện các chương trình giải quyết việc làm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 05 năm tại địa phương; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là những ngành, nghề, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao độn địa phương; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và lao động nông thộn để tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ.
Đồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong quản lý công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; xem đây là một kênh quan trọng trong tạo việc làm cho người lao động. Vì vậy, tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện các biện pháp hạn chế tình trạng người lao động bỏ trốn ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật của nước sở tại…
Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND Thành phố yêu cầu phối hợp với các sở - ngành liên quan và UBND các quận, huyện để thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; thông tin các chương trình đi làm việc ở nước ngoài để người lao động tìm hiểu và đăng ký tham gia; thông tin rộng rãi danh sách các doanh nghiệp có chức năng hoạt động trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng của Thành phố.
UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở Thông tin truyền thông chỉ đạo Trung tâm Báo chí hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình tuyên truyền các chính sách, pháp luật về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; đưa tin kịp thời, khách quan về tình hình lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; biểu dương các điển hình tốt, phê phán các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội TP tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan.
Trong thời gian qua, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động của TP, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường quan hệ kinh tế đối ngoại…
Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động này vẫn còn những hạn chế dẫn đến tình trạng người lao động vi phạm hợp đồng phải về nước không đúng thời hạn, hoặc ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước sở tại; hiện tượng lợi dụng danh nghĩa hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để lừa đảo, lôi kéo, tổ chức bất hợp pháp… vẫn còn xảy ra, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chủ yếu thực hiện theo 03 hình thức: (1) Thông qua Chương trình cấp phépp làm việc cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, Chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, Chương trình tuyển chọn ứng viên đi học tập, làm việc tại Nhật Bản và Cộng hòa Liên Bang Đức trong ngành điều dưỡng và chăm sóc người già; (2) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng cá nhân; (3) Thông qua các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài Trên địa bàn Thành phố có 86 doanh nghiệp có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.