Tập trung rà soát hàng loạt tài sản liên quan đến các vụ án lớn phục vụ thi hành án

16:10 19/02/2020

(HMC) UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có công văn chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đăng ký tài sản trên địa bàn thành phố kiểm tra và cung cấp thông tin các cá nhân và đơn vị liên quan đến 21 vụ án, trong đó có các vụ án trọng điểm. Các thông tin thu thập trên sẽ được chuyển tải về Bộ Tư Pháp nhằm phục vụ công tác thi hành án.

Tập trung rà soát hàng loạt tài sản liên quan đến các vụ án lớn phục vụ thi hành án
Ảnh: Việc rà soát nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. (Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ Việt Nam đồng xảy ra tại VietinBank - Ảnh: Vnxpress).

Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Thành phố và UBND các quận, huyện kiểm tra và cung cấp thông tin các tài sản có liên quan trong đề nghị của Bộ Tư Pháp.

Ngoài ra Thành phố cũng đề nghị Bộ Tư Pháp đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cung cấp thông tin về đăng ký ô tô, xe máy cũng như thông tin về các tài sản khác có liên quan tới các vụ án trên.

Theo phụ lục danh mục tài sản của các tổ chức, cá nhân phải thi hành án của Bộ Tư Pháp cung cấp có liên quan tới 21 vụ án. Trong đó, liên quan đến TP. Hồ Chí Minh có các vụ án như vụ Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn, vụ Phạm Công Danh, Trần Phương Bình, vụ Phan Sào Nam, vụ Đinh La Thăng, vụ Giang Kim Đạt, vụ Huỳnh Thị Huyền Như…

Trước đó, ngày 12/2/2020, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh/thành trực thuộc trung ương kiểm tra và cung cấp thông tin về tài sản hiện đang thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân phải thi hành án nhưng chưa bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ, kê biên. Đồng thời tạm dừng thực hiện các giao dịch đối với các tài sản trên.

Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự đã tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Riêng đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, thực tế cho thấy tỷ lệ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát còn thấp. Nguyên nhân là do tài sản của người phải thi hành án có thể được đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở nhiều địa phương (như ô tô, xe máy được đăng ký tại cơ quan công an, quyền sử dụng đất được đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường…). Nhưng các tài sản trên chưa được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ trong quá trình tố tụng và thi hành án.

Đình Nguyên

 

Tin cùng chuyên mục