Tết Tây, hàng hóa rục rịch chờ bán... tết ta

11:56 27/12/2020

Thị trường TP.HCM đã rục rịch bán hàng tết ta (Tết âm lịch), dù vài ngày nữa chỉ mới đến tết Tây (Tết dương lịch). “Dù có dịch “cô vy” gì đi nữa, cũng phải bán cho người ta ăn chơi 3 ngày tết”, người bán nói.

Tết Tây, hàng hóa rục rịch chờ bán... tết ta

“Mua sỉ, lẻ gì cũng bán, miễn có người mua”

8 giờ sáng thứ bảy (26.12), chúng tôi có mặt tại chợ Bình Tây (Q.6), chuyên bán sỉ các loại mứt bánh kẹo, đồ khô lớn nhất khu vực phía nam. Các tỉnh vùng ĐBSCL, miền Đông Nam bộ... đều lên đây lấy hàng về bán. Mọi năm vào thời điểm này, chợ sỉ bán các loại thực phẩm, mứt bánh kẹo tết đã rộn ràng.

Thật ra mọi năm tết Tây xong mới bán mạnh hàng cho tết ta. Năm nay vì dịch Covid-19, hàng hóa về ít, nên nhiều người vẫn nặng tâm lý là chợ ế. Tui lại nghĩ mình bán hàng cho người trong nước dùng tết, sức mua có thể giảm nhưng không thể không ăn

Bà Tâm, chủ sạp B.Tâm (chợ An Đông)

Kẻ mua người bán từ các tỉnh đổ về chợ Bình Tây, An Đông mua, đóng hàng, chở hàng đông như trẩy hội. Tại chợ Bình Tây luôn ưu tiên bán sỉ, hỏi mua lẻ thường bị từ chối thẳng thừng. Thế nhưng sáng 26.12, tại quầy đối diện cổng chính chợ đi vào, chúng tôi hỏi mua nửa ký mứt dừa non, trộn lẫn 2 loại mứt dừa non nguyên chất và dừa non vị trà xanh vào bịch nửa ký giá 110.000 đồng, người bán vẫn vui vẻ đeo bao tay, lấy mứt bỏ vào túi và đóng gói khá chu đáo. Chị Liễu, chủ sạp hàng nói: “Mua sỉ lẻ gì cũng bán hết, miễn có người mua. Mọi năm giờ này mỗi ngày đã bán được cả tạ mứt, nay cả ngày bán được 3 kg là vui lắm rồi. Người mua chưa chuẩn bị tinh thần để ăn tết nhưng người bán như chị bắt buộc phải chuẩn bị hàng dồi dào để bán tết. Cả năm trông chờ chỉ có mùa tết”.

Chợ truyền thống chỉ mong bán được hàng cho Tết Nguyên đán.   ẢNH: NGUYÊN NGA
Chợ truyền thống chỉ mong bán được hàng cho Tết Nguyên đán.   ẢNH: NGUYÊN NGA

Cách đó 2 quầy, hạt dưa đỏ giá 200.000 đồng/kg, hỏi mua nửa ký, người bán không ngần ngại lấy túi đóng gói và tiếp tục giới thiệu một số loại hạt khác. Thậm chí, người bán sẵn sàng bỏ cho khách mua về ăn thử mỗi loại 1 lạng, “nếu thấy ngon quay lại mua sau cũng được”. Tại quầy đồ khô, bà Sáu T., có 20 năm gắn bó với chợ Bình Tây, nói tết hay ngày thường thì hàng hóa vẫn ngập chợ, nhưng người mua chẳng có bao nhiêu. “Cả năm nay không có khách du lịch, mình mua bán cứ như kiểu thời bao cấp, tự cung tự cấp vậy đó. Các cơ sở sản xuất trong nước làm, bỏ hàng cho chợ, chợ bán lại cho người trong nước đưa về nấu bán nhà hàng, quán ăn. Rồi nhà hàng, quán ăn cũng bán cho người mình. Thay vì bán chục ký nấm tuyết, nay bán đúng 2 kg, mất 8 kg vì không có khách du lịch…”, bà Sáu T. diễn giải. Các tuyến đường hai bên hông và đằng sau chợ Bình Tây thường tháng 12 đông nghẹt những xe đẩy hàng từ chợ ra để gửi về các tỉnh, sáng 26.12 các tuyến đường này thoáng đãng hẳn ra.

Siêu thị chuẩn bị hàng hóa dồi dào để bán tết.   ẢNH: KHẢ HÒA
Siêu thị chuẩn bị hàng hóa dồi dào để bán tết.   ẢNH: KHẢ HÒA

Trước đây, dịp gần tết Tây thường có khách du lịch, hàng hóa bán phong phú hơn. Bà T.N cho hay, 2 tháng nay, khách mua đóng hàng gửi đi cũng “lai rai”, nhưng lượng hàng đóng gửi đi nước ngoài chỉ bằng 30% so với năm ngoái. Cả hai chợ truyền thống hầu như không có tinh thần bán hàng cho dịp năm mới 2021 này.Tại chợ An Đông (Q.5), tình cảnh lại càng đìu hiu hơn. Một dãy quầy sạp bên phải chợ đóng cửa và theo một số sạp bên ngoài thì các chủ sạp này đã không bán từ 3 tháng nay. Bà T.N, chủ 3 quầy sạp bán đồ khô thuộc dãy A dưới tầng hầm chợ này, cho biết chợ Bến Thành (Q.1) và An Đông bán đồ khô, bánh kẹo mứt quanh năm nhờ khách du lịch là chính. Nay không khách du lịch, mở hàng cũng không ai mua nên nhiều tiểu thương đăng ký tạm ngưng bán để khỏi đóng thuế. “Chợ này nay không quan tâm tết Tây đâu vì không có khách du lịch, tết Tây mong bán hàng cũng… vô nghĩa”, bà T.N nói.

Tinh thần là bán hàng cho tết ta

Bà Tâm, chủ sạp B.Tâm (chợ An Đông), cho biết mọi chuẩn bị bây giờ chỉ để dành cho bán Tết Nguyên đán. Các loại hạt về từ Trung Quốc hầu như rất ít, vì cước vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam đang tăng gấp 3 lần so với bình thường khi chưa dịch. Bà Tâm nói: “Hạt hướng dương mọi năm về lượng gấp 4 - 5 lần so với bây giờ, mà nay giá cao hơn năm ngoái khoảng 20.000 đồng/kg. Năm nay, nhiều cơ sở bánh mứt trong nước có các sản phẩm mới, ngon, hy vọng sẽ hút hàng”.

Giới thiệu các mặt hàng mứt bánh mới, bà Tâm chỉ lên kệ: “Cóc non muối ớt, thơm sấy ớt, ổi sấy dẻo, chanh lát sấy cay, nui gà lá chanh cay, hạt điều tỏi ớt... Giá từ 250.000 - 350.000 đồng/kg. Toàn các nhà xưởng chế biến và ăn thử thấy ngon, mấy hôm nay chủ yếu bán được các mặt hàng mới này”.

Tại các quầy bán đồ khô, khô sò điệp hộp có giá từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng cũng được nhiều khách hỏi mua. Người bán giới thiệu “hàng tồn xuất khẩu” vì ngày thường không thể có giá đó. Bà Tâm vẫn lạc quan cho rằng, hết tết Tây, chợ bán hàng cho tết ta mới khởi động nhộn nhịp hơn. Bây giờ cứ phải chuẩn bị để chờ hết tuần này mà “bung lụa”. “Thật ra mọi năm tết Tây xong mới bán mạnh hàng cho tết ta. Năm nay vì dịch Covid-19, hàng hóa về ít, nên nhiều người vẫn nặng tâm lý là chợ ế. Tui lại nghĩ mình bán hàng cho người trong nước dùng tết, sức mua có thể giảm nhưng không thể không ăn”, bà Tâm lạc quan nói.

Hàng dự trữ bán tết tăng cao nhất 17%

Tuy nhiên, các hệ thống siêu thị lại chuẩn bị bán Tết Nguyên đán khá chu đáo. Siêu thị Saigon Co.op cho biết đã chuẩn bị nguồn hàng để kịp thời cho ra mắt những sản phẩm mới phục vụ tết như các loại hạt, mứt, bánh kẹo, nước giải khát liên tục trong 2 tháng trước tết. Đại diện Central Retail tại Việt Nam - đơn vị chủ sở hữu chuỗi siêu thị GO! và Big C dự báo, nhu cầu mua hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng khoảng 50% trong dịp tết nên đơn vị này đã làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn cung ứng thịt heo tăng khoảng 20%, thịt gia cầm tăng 25% so với tết 2020 để chủ động giá bán. Có ít nhất 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh được doanh nghiệp (DN) này cam kết không tăng giá bán dịp tết. Công ty Vissan dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 1.380 tấn thịt heo các loại bán tháng trước tết, riêng tháng tết là 1.435 tấn. Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam tung ra thị trường 236 tấn trong các tháng thường và tháng tết dự kiến là 600 tấn thịt các loại. Các DN này cũng cam kết giữ giá bình ổn, thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%.

Một lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM thông tin, ngành công thương thành phố đã kết nối với nhiều địa phương khác để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, nhất là những đơn vị nằm trong chuỗi cung hàng hóa cho thành phố. Sở đang làm việc với các DN, đa số đã có những cam kết giữ giá bình ổn trong tháng tết.

Saigon Co.op đang chủ động lên phương án dự trữ lượng thịt heo, thịt gia cầm, thủy hải sản để chủ động bình ổn giá, ổn định thị trường từ nay đến tết. Cụ thể, nhiều nhóm hàng sẽ được sản xuất, chuẩn bị với số lượng lớn, như thịt gia súc gần 5.600 tấn, thịt gia cầm gần 7.500 tấn, thực phẩm chế biến hơn 1.000 tấn và gạo gần 4.000 tấn… Hàng hóa được cung cấp bởi các DN sản xuất lớn trong nước và dự kiến tháng tết sẽ tăng 30% so với tháng bình thường.

Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, nguồn hàng dự trữ bán Tết Tân Sửu 2021 của TP.HCM sẽ tăng từ 4,4 - 17,3% so với kế hoạch được giao và tăng từ 12 - 21,2% so với kế hoạch thực hiện dịp Tết Canh Tý 2020. Sở Công thương TP xác nhận việc bảo đảm nguồn hàng và giá cả ổn định trong dịp tết này, đặc biệt sẽ không để tình trạng thiếu hay khan hàng đối với một số mặt hàng. Dự kiến, các DN TP.HCM đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ bán hàng Tết Tân Sửu với trị giá lên đến 19.680 tỉ đồng, tăng hơn 652 tỉ đồng so với nguồn vốn của kế hoạch tết năm ngoái. Trong đó, giá trị nguồn cung bình ổn thị trường đạt trên 7.130 tỉ đồng.

Nguyên Nga/Báo Thanh Niên

Tin cùng chuyên mục