Kích cầu nền kinh tế
Trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm như hiện nay đang đặt ra vấn đề phải có biện pháp mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa…
Theo tờ Tin Tức của TTXVN, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương diễn ra vào đầu 7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch COVID-19, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP trong nước quý 2/2020 tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, công nghiệp tiếp tục phục hồi.
Có thể thấy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trong 6 tháng đã qua. Tuy nhiên, thách thức lớn cho nền kinh tế trong nước vẫn trước mắt, vì vậy Thủ tướng yêu cầu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, không để đổ gãy nền kinh tế.
Dù GDP nước ta 6 tháng đầu năm mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng so với khu vực và thế giới thì Việt Nam lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%. “Đời sống nhân dân vẫn được giữ vững, đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài có sự tăng trưởng trở lại, nhất là thị trường chứng khoán khởi sắc”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.
Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo các chuyên gia kinh tế, điểm đáng chú ý là GDP quý II/2020 ước tính chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020 bởi đây là giai đoạn Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Mặc dù kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó giá dầu thô biến động mạnh, liên tục trong ngày hôm qua (ngày 1/7) 4 lần tăng giá dầu; giá thịt lợn còn cao; rủi ro tỷ giá thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Các cấp, các ngành cần nhận diện, xác định rõ rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành hiệu quả, kịp thời.
Các cấp, các ngành, các địa phương chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị; phát triển nhà ở xã hội, bất động sản, tạo điều kiện cho người dân làm nhà ở.
Bắt đầu từ niềm tin
Nhiều giải pháp khôi phục nền kinh tế được đặt ra cho những tháng cuối năm, nhưng có lẽ giải pháp đầu tiên được nhắc đến đó là tạo dựng niềm tin trên thị trường. Đó là niềm tin của người dân (những người tiêu dùng trực tiếp), niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Niềm tin đó không chỉ từ mỗi câu chuyện làm ăn của các cá nhân, cá thể doanh nghiệp với nhau mà lớn nhất vẫn là niềm tin vào các quyết sách tác động trực tiếp tới nền kinh tế xuất phát từ Chính phủ Việt Nam.
Đó cũng là lý do mà tại một hội nghị về kinh tế gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng: “Trong khó khăn của thế giới cũng như trong nước, một lần nữa chúng ta cần khẳng định rõ phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để nâng cao uy tín chỉ đạo, điều hành, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho ổn định và phát triển kinh tế, xã hội”.
Theo tờ Tuổi Trẻ số ra ngày 10/7/2020: “Dù Chính phủ đã đưa ra các gói chính sách tài khóa lẫn tiền tệ, an sinh xã hội có quy mô hơn 240.000 tỉ đồng nhằm giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất, chi cho người nghèo trong thời gian qua rất kịp thời, đúng lúc, nhưng ảnh hưởng ghê gớm của dịch COVID-19 vẫn tác động trực diện đến đời sống hằng ngày của người dân, doanh nghiệp.
Vì vậy, việc nhận diện rõ rủi ro và tìm kiếm các biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả hơn để có thể kiểm soát lạm phát dưới 4%, dốc lực tối đa để "kéo" cho được mục tiêu tăng trưởng ở mức gần 4% trong năm nay như Chính phủ đặt ra là vô cùng cần thiết.
Và việc cần có thêm một gói hỗ trợ mới, "cấp cứu" tiếp cho cả nền kinh tế với các chính sách thực hiện linh hoạt, đi vào thực chất hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở những lĩnh vực trọng yếu đang bị suy giảm nghiêm trọng cũng phải được tính đến.
Tuy nhiên, thách thức không nhỏ mà gói hỗ trợ mới này phải đối diện, đó là phải giải quyết hài hòa nhiều tình huống xung đột có thể xảy ra trong cơ chế điều hành tới đây.
Sẽ rất khó để vừa không được lơ là nhiệm vụ kiểm soát giá, các bộ ngành, địa phương vừa phải có giải pháp để thúc đẩy phát triển, kích thích tăng trưởng.
Hay để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ít nhất 10% thì không được thắt chặt tiền tệ, nhưng vẫn phải kiềm chế để lạm phát không vượt quá 4%”.
Theo TTXVN, càng khó khăn, càng cần tập trung rà soát các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã đề nghị các bộ, ngành địa phương đề xuất kiến nghị cụ thể, trong đó nêu rõ cần sửa đổi quy định pháp luật nào, cắt giảm thủ tục hành chính nào, cần cơ chế khuyến khích nào mới để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay. Đó là một thái độ phục vụ nhân dân, thái độ phục vụ trong phát triển doanh nghiệp các loại hình kinh tế, tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể, làng nghề, một chương trình hậu kiểm động viên bà con làm nghề tốt hơn.
Các yếu tố như đầu tư, xuất khẩu và tiêu phải dùng phải được vực dậy để kéo tăng trưởng kinh tế cho những tháng cuối năm 2020.
Về điều hành công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ, kích cầu… Tinh thần là không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tích cực tiến công nhanh và bền vững để phát triển.
Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh khó khăn, việc duy trì chính sách tài khoá và tiền tệ chặt chẽ, thận trọng phải có bước đi đúng, phù hợp, trong khi nhiều nước giảm lãi suất xuống còn 0% hoặc âm, bơm một lượng tiền lớn vào thị trường.
Vì vậy, cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, vấn đề đặt ra là cần giải pháp, chính sách cụ thể gì, mức độ thế nào cho phù hợp. “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các bộ trưởng phải chỉ đạo tốt hơn, nhất là các địa phương cần hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp. Các tập đoàn lớn của nhà nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã… đều cần môi trường tốt để phát triển thông qua chính sách động viên của chính quyền và chính sách tài khoá, tiền tệ khác của nhà nước”, Thủ tướng chỉ đạo.