Thăm nơi Bác đã từng sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh trước khi ra đi tìm đường cứu nước

15:48 16/05/2020

Căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm (phường 14, quận 5, TP. Hồ Chí Minh) là một trong hai di tích lịch sử quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh gắn với Người, khi Người sinh sống và hoạt động tại TP trước khi xuống Cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi lại về thăm căn nhà - nơi Nguyễn Tất Thành đã ở khoảng 9 tháng, trước khi xuống tàu ở Cảng Nhà Rồng để ra đi tìm đường cứu nước.

Căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia và là 1 trong 2 địa điểm Bác Hồ đã từng ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia và là 1 trong 2 địa điểm Bác Hồ đã từng ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, nhân viên Trung tâm Văn hóa Quận 5 - người được giao trông nom và là hướng dẫn viên cho khách tham quan di tích, cho biết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở tại căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm (tên thời Pháp là Quai Testard - khu Chợ Lớn) từ 9/1910 tới 4/6/1911. Đây là cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán - một tổ chức kinh doanh do sĩ phu Bình Thuận thành lập năm 1906. Những người trong tổ chức này cũng đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành trong quá trình từ Phan Thiết vào Sài Gòn, hỗ trợ tài chính cho Người trước khi lên tàu sang Pháp.

Ngày ấy, phân cuộc Liên Thành thương quán có ba căn nhà mang số 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn. Đến năm 1915, tên đường Quai Testard được đổi thành đường Tổng đốc Phương, sau giải phóng thì đổi thành tên đường Châu Văn Liêm. Các căn nhà của phân cuộc Liên Thành thương quán cũng được đánh số lại là 1-3-5. Trong ba căn nhà khi đó, chỉ có một căn được giữ lại để biến thành di tích lưu niệm về Bác Hồ, đó là căn nhà số 5. Căn nhà này cũng được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1988.

Toàn cảnh đường Tống đốc Phương (nay là đường Châu Văn Liêm) nhìn từ Bưu điện Chợ Lớn, khu vực khoanh tròn là vị trí căn nhà số 5.
Toàn cảnh đường Tống đốc Phương (nay là đường Châu Văn Liêm) nhìn từ Bưu điện Chợ Lớn, khu vực khoanh tròn là vị trí căn nhà số 5.
Bàn thờ Bác tại tầng 1 của căn nhà số 5 Châu Văn Liêm.
Bàn thờ Bác tại tầng 1 của căn nhà số 5 Châu Văn Liêm.

Liên Thành thương quán cũng là chủ sở hữu và sáng lập ra trường Dục Thanh - Phan Thiết, nơi Nguyễn Tất Thành đã dạy học ở đây. Năm 1910, Nguyễn Tất Thành (lúc này là thầy giáo) từ trường Dục Thanh – Phan Thiết vào Sài Gòn. Được sự giúp đỡ của ông Trương Gia Mô, ông Hồ Tá Bang và ông Trần Lệ Chất, Người được bố trí sống tại nhà ông Lê Văn Đạt – một người con bên mẹ của ông Trương Gia Mô.

Ông Trương Gia Mô là bạn đồng liêu của ông Nguyễn Sinh Huy (thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh), là Hàn lâm đãi chiếu tại Bộ công ở Huế cùng thời với ông Nguyễn Sinh Huy. Bằng uy tín và sự khôn khéo, các ông đã vận động viên Công sứ Pháp đồng ý cấp giấy thông hành cho Nguyễn Tất Thành với tên mới là Văn Ba. Sau hai ngày, Người được đưa đến ở tại cơ sở Liên Thành phân cuộc.

Khu vực bên phải tại tầng 1 là không gian trưng bày thông tin về các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911, hình ảnh Sài Gòn những năm 1910 - 1911, hình con tàu Đô đốc Latouche Treville…
Khu vực bên phải tại tầng 1 là không gian trưng bày thông tin về các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911, hình ảnh Sài Gòn những năm 1910 - 1911, hình con tàu Đô đốc Latouche Treville…
Khu vực bên trái trưng bày những hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, các lãnh tụ của các phong trào yêu nước.
Khu vực bên trái trưng bày những hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, các lãnh tụ của các phong trào yêu nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, trong thời gian ở tại nhà số 5 Châu Văn Liêm, Người vừa dạy học vừa đi làm ở Trường Thọ Máy (Escole des Mécaniciens), vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn.

Đây là thời gian rất quan trọng để Người có bước chuẩn bị trực tiếp về vật chất, tinh thần, phương tiện và có quyết định cuối cùng cho việc ra đi tìm đường cứu nước. Đến ngày 4/6/1911, Người lấy tên Văn Ba, rời phân cuộc Liên Thành thương quán và ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral Latouche Treville, Người rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm con đường giành độc lập tự do cho dân tộc.

Khu vực tầng 2 của căn nhà số 5 là không gian trưng bày các tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức của Người...
Khu vực tầng 2 của căn nhà số 5 là không gian trưng bày các tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức của Người...

Có mặt tại căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, anh Huỳnh Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ Trung tâm Văn hóa Quận 5, cho biết: Di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quận 5 luôn mở cửa để đón du khách tham quan hàng ngày. Di tích này là căn nhà phố khoảng 35m2, rộng 4m, dài 8,8m, có một tầng lầu, nền lót gạch bông, mái lợp ngói âm dương. Tất cả không gian trong nhà đều được sử dụng để trưng bày các hình ảnh, hoạt động của Bác Hồ.

Những đồ dùng cá nhân của Bác thường dùng cũng được trưng bày tại ngôi nhà số 5 Châu Văn Liêm.
Những đồ dùng cá nhân của Bác thường dùng cũng được trưng bày tại ngôi nhà số 5 Châu Văn Liêm.

“Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm có những bước chuyển đổi rất thăng trầm. Sau khi Bác ra đi, căn nhà được chuyển thành nhà ở của dân, sau đó Quận 5 đã thu nhận và chuyển thành di tích lịch sử. Trước đây, căn nhà này khá cũ kỹ, đến năm 2019, được sự quan tâm của UBND Quận 5, căn nhà được trùng tu dưới sự cấp phép của Bộ Văn hóa, Sở Văn hóa và thể thao TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, di tích này được tích hợp công nghệ trong việc hỗ trợ giới thiệu về di tích cũng như lịch sử của Bác", anh Huỳnh Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Mỗi năm có hàng trăm đoàn đến tham quan và dâng hương, hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích lịch sử này. Ảnh: Trung tâm Văn hóa Quận 5 cung cấp
Mỗi năm có hàng trăm đoàn đến tham quan và dâng hương, hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích lịch sử này. Ảnh: Trung tâm Văn hóa Quận 5 cung cấp

Theo đó, ở tầng 1 là khu vực có bàn thờ Bác ở giữa nhà, hai bên vách tường là khu vực trưng bày những hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, lãnh tụ của các phong trào yêu nước, các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911, hình ảnh Sài Gòn những năm 1910 - 1911, hình con tàu Đô đốc Latouche Treville…

Sau khi tham quan tầng 1, du khách đi lên tầng 2 qua chiếc cầu thang gỗ. Đây là nơi trưng bày các tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hoạt động tiếp nối truyền thống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy hướng dẫn cho du khách tham quan nhân dịp Kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật của Bác (19/5/1890 - 19/5/2020).
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy hướng dẫn cho du khách tham quan nhân dịp Kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật của Bác (19/5/1890 - 19/5/2020).

“Hiện nay, biết bao thế hệ người Việt Nam đang cố gắng, ra sức học tập, làm theo tấm gương của Bác và di tích ngôi nhà số 5 đường Châu Văn Liêm mãi là niềm tự hào của TP Hồ Chí Minh nói riêng và của cả nước nói chung. Các bạn trẻ khi đến đây cũng luôn cảm thấy ấm cúng, trang trọng, trang nghiêm khi được tận mắt tham quan tìm hiểu về nơi nghỉ ngơi, hoạt động của Bác Hồ kính yêu khi xưa tại TP Hồ Chí Minh”, anh Huỳnh Hoàng Anh Tuấn nói.

Anh Huỳnh Hoàng Anh Tuấn giới thiệu phần mềm ứng dụng được sử dụng tại di tích số 5 Châu Văn Liêm.
Anh Huỳnh Hoàng Anh Tuấn giới thiệu phần mềm ứng dụng được sử dụng tại di tích số 5 Châu Văn Liêm.
Các em học sinh đến tham quan di tích để tìm hiểu thêm về Bác Hồ kính yêu. Ảnh: Trung tâm Văn hóa Quận 5 cung cấp
Các em học sinh đến tham quan di tích để tìm hiểu thêm về Bác Hồ kính yêu. Ảnh: Trung tâm Văn hóa Quận 5 cung cấp

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Tin cùng chuyên mục