Hơn 4.000 trẻ em tại một số tỉnh, thành phố đang là điểm nóng của dịch bệnh phải đi cách ly tập trung, rời xa vòng tay của cha mẹ và người thân yêu. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng nhiều em đã phải khăn gói đi cách ly. Hình ảnh các em nhỏ lọt thỏm trong bộ áo bảo hộ thùng thình giữa thời tiết oi bức hay hình ảnh các em lẻ loi ở các khu cách ly với khuôn mặt ngây thơ, lo lắng khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Không chỉ những em nhỏ mắc COVID-19 và phải đi cách ly mà hầu hết toàn bộ trẻ em trong tháng Sáu này sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Những ngày Hè năm nay sẽ rất khác biệt với các em. Do đó, tháng hành động vì trẻ em năm 2021 được phát động với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh.”
Một mùa Hè với tâm thế rất khác
Trong đợt dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại từ ngày 27/4, số lượng trẻ em mắc COVID-19 và phải cách ly tăng cao hơn so với các đợt dịch trước do dịch lây nhiễm nhanh và phức tạp trong cộng đồng, đặc biệt là các trường học. Đối với người trưởng thành, khi phải cách ly tập trung xa gia đình đã là một khó khăn trong tâm lý và tình cảm, do vậy mà vấn đề này càng cần phải được quan tâm hơn đối với trẻ em khi cách ly xa gia đình.
Theo khuyến nghị của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) Việt Nam, sự chuẩn bị về mặt tâm lý và chăm sóc trẻ đúng cách trong môi trường cách ly tập trung là yếu tố quan trọng hàng đầu để góp phần đẩy lùi nguy cơ hình thành các vấn đề tâm lý ở trẻ.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Thu Hương, chuyên gia tâm lý cho biết đối với trẻ em, chỉ cần xa bố mẹ dù chỉ một ngày thôi thì các em cũng có vấn đề như nhiều ngày, do đó sự chuẩn bị tâm lý là điều phải được quan tâm đúng mức.
“Cha mẹ cần giải thích cho trẻ lý do phải tham gia cách ly và trang bị cho trẻ kỹ năng để chung sống và thích nghi trong một môi trường mới, cùng trẻ xây dựng các tình huống, các kịch bản có thể xảy ra để hỗ trợ trẻ các hành vi ứng phó. Mặt khác, các lực lượng chức năng cũng cần động viên trẻ rằng cha mẹ có thể không ở bên trực tiếp nhưng vẫn gián tiếp qua điện thoại hỗ trợ khi con cần để trẻ không cảm thấy đơn độc,” bà Trần Thu Hương nói.
Bên cạnh đó, trẻ cần được hiểu nhân viên của cơ sở cách ly đang thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để giữ cho trẻ khỏe mạnh, an toàn và luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ khi nào trẻ cần.
Theo các chuyên gia, nhân viên cơ sở cách ly cần đánh giá các nhu cầu đặc biệt và xác định các trường hợp trẻ em có dấu hiệu bị căng thẳng nghiêm trọng do chấn thương tâm lý hoặc mất mát; kiên nhẫn thấu hiểu trẻ; chú ý thực hiện các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của các nhóm trẻ đặc biệt, như trẻ khuyết tật... để tạo ra một môi trường sống tích cực, an tâm xung quanh trẻ.
Ông Trần Ban Hùng, chuyên gia bảo vệ trẻ em cho rằng trang bị kỹ năng chăm sóc là chưa đủ mà các cán bộ làm công tác chăm sóc cần có sự đồng cảm trong công tác chăm sóc. "Trẻ em còn nhỏ sẽ chưa thể hiểu hết sự nguy hiểm của dịch bệnh, có thể có biểu hiện kêu khóc rất khó chịu nhưng chúng ta cần đồng cảm, không nóng giận mà đánh mất sự bình tĩnh," ông Hùng nhấn mạnh.
Vì vậy, theo vị chuyên gia này, người chăm sóc cần tạo điều kiện thoải mái nhất cho trẻ trong điều kiện có thể. "Sự đồng cảm có thể là những hành vi rất nhỏ nhưng sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực trong tâm lý của trẻ lúc này,” ông Trần Ban Hùng nói.
"Cơ hội vàng" để lắng nghe trẻ em
Đại dịch COVID-19 đã khiến việc chăm sóc trẻ em trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Những đứa trẻ không còn những ngày Hè tự do chạy nhảy, vui chơi, còn phụ hynh cũng đau đầu trong tìm cách chăm sóc, dạy dỗ trẻ tốt nhất trong những ngày giãn cách phòng chống dịch. Các chuyên gia cho rằng thời điểm này cần khuyến khích các thói quen lành mạnh, duy trì các hoạt động thường xuyên của trẻ trong phạm vi có thể.
Ông Trần Ban Hùng chỉ ra rằng bản chất lứa tuổi của trẻ con luôn hiếu động, muốn chạy ra ngoài chơi với bạn bè... nhưng khi dịch ập đến các con phải học trong nhà, làm mọi việc trong nhà, thậm chí không được ra ngoài vận động, điều này dây khó khăn cho các con trong thích nghi khiến các con cuồng tay, cuồng chân và ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Do đó, phụ huynh phải đảm bảo được vận động của con cái bằng cách tìm các hoạt động thể thao trong nhà, không chỉ giúp trẻ vận động mà còn là cơ hội chơi với con, tạo mối quan hệ thân thiết hơn giữa cha mẹ và con cái.
Theo ông Trần Ban Hùng, một số lớp kỹ năng sống đã dạy học online, trên zoom.. phụ huynh cũng có thể cho con cái tham gia các lớp học này. Ngoài ra, để giải quyết việc giao tiếp với bạn bè nên khuyến khích con lập nhóm nói chuyện online để các con hỏi thăm, nhắc nhở nhau cùng nhau tân thủ nguyên tắc 5K... điều này sẽ tạo cho con thích nghi với môi trường mới.
Những ngày này cũng là thời gian mà các bậc phụ huynh phải dành nhiều thời gian để chăm sóc con cái hơn. Đây chính là “cơ hội vàng” để xây dựng lại mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, để lắng nghe con nhiều hơn, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với con.
“Thách thức luôn song hành cùng cơ hội, đây là cơ hội để cha mẹ gần gũi với con cái hơn, dạy cho con nhưng kỹ năng mới, tạo điều kiện cho trẻ độc lập hơn, mạnh mẽ hơn và thích nghi với cuộc sống. Phụ huynh có thề chưa quen với việc làm bạn với con nhưng nên dành thời gian học cùng con, quan sát con, tìm cách nói chuyện với con. Khi cha mẹ mở lòng với trẻ thì trẻ sẽ cảm nhận được điều đó,” ông Trần Ban Hùng nói.
Một học sinh thích thú khi được gọi điện thoại có hình từ khu cách ly với bà nội. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Cõ lẽ, đã đến lúc các bậc phụ huynh không còn coi việc chăm sóc con cái trong đại dịch chỉ là việc ngắn hạn. Các bậc phụ huynh cần đương đầu với vấn đề này, dành thời gian tìm hiểu, chuẩn chị sẵn các phương pháp chăm sóc, dạy dỗ con cái mỗi khi dịch bệnh bùng phát.
Tất cả vì một môi trường an toàn cho trẻ
Một trong những vấn đề quan trọng để đối phó thành công với đại dịch chính là việc cần chọn lọc thông tin chính thống, hướng dẫn phụ huynh và trẻ em tiếp cận những thông tin mang thái độ tích cực khi ứng phó với dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục Trẻ em và các địa phương tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 theo hướng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, mạng viễn thông các kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tới gia đình, cộng đồng xã hội và trẻ em.
Đặc biệt, Cục Trẻ em đã yêu cầu các địa phương tăng cường những biện pháp phòng, chống COVID-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ trong đại dịch. Cục Trẻ em và các địa phương đang liên tục cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung.
“Từ danh sách này, chúng tôi sẽ có cơ sở để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em bằng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh hoặc ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác. Không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời,” bà Nga nhấn mạnh.
Trẻ em thực hiện quy định đeo khẩu trang nơi công cộng. (Ảnh minh hoạ: Thanh Tùng /TTXVN)
Tháng trẻ em năm nay sẽ tập trung vào các hoạt động với các chủ đề: Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa bàn giãn cách, trong khu cách ly COVID-19; nghỉ Hè vui và an toàn cho mọi trẻ em; “Con là ai trong gia đình” - chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em và bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, cha mẹ về bảo vệ, chăm sóc và thực hiện quyền tham gia của trẻ em...
Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, việc bảo vệ trẻ em là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu và quan tâm tuyệt đối của toàn xã hội. Với những hành động kịp thời và thiết thực, toàn xã hội đang cùng một lòng quyết tâm vượt qua đại địch để có một môi trường an toàn cho trẻ em phát triển tự do./.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 6% trường hợp F1 phải cách ly là trẻ em. Đến nay đã có trên 4.000 trường hợp F0 và F1 là trẻ em. Con số này có thể sẽ nhiều hơn nếu số lượng cách ly tại khu công nghiệp, khu chế xuất tăng.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0-16 tuổi phải điều trị, cách ly y tế theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Mức hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em F0, F1 là 80.000 đồng/ngày/cháu, thời gian hỗ trợ trong 21 ngày, áp dụng từ 27/4 đến 31/12/2021.