Thành phố Hồ Chí Minh: 45 năm phát triển và khát vọng vươn lên tầm cao mới

16:34 30/04/2020

Cách đây 45 năm, đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng cắm trên nóc Dinh Độc Lập đã chính thức báo hiệu Sài Gòn, miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh: 45 năm phát triển và khát vọng vươn lên tầm cao mới
Hàng loạt các công trình cao ốc, nhà ở cao tầng hiện đại thể hiện sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Chặng đường 45 năm sau ngày giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác đã không ngừng vươn lên, nỗ lực “cùng cả nước, vì cả nước”, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” đúng như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với truyền thống sáng tạo, năng động, bản lĩnh, chủ động vốn có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí nhiều tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” để giữ vững tay lái, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, đưa thành phố phát triển xứng đáng với vai trò đầu tầu kinh tế của cả nước.

Những năm đầu sau giải phóng, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã "xoay xở" với nhiều cách làm mang tính "xé rào", "bung ra" để “chạy ăn từng bữa” cho trên 3,5 triệu dân; rồi vừa tìm cách để khôi phục sản xuất, tháo gỡ những rào cản của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp.

Bước vào giai đoạn Đổi mới, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo nhân dân nỗ lực đưa kinh tế thành phố từng bước vượt qua cơn khủng khoảng và bắt đầu tăng trưởng. Thành phố đã tạo ra những bước đột phá quan trọng trong cơ chế, chính sách kinh tế, góp phần hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách đổi mới kinh tế đất nước.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nằm tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, đã phát triển thành một khu kinh tế kỹ thuật, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, huy động các nguồn lực khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN
Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nằm tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, đã phát triển thành một khu kinh tế kỹ thuật, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, huy động các nguồn lực khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Đến hết năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 1.347.369 tỷ đồng, tăng 8,32%. Tỷ trọng quy mô kinh tế thành phố so với quy mô kinh tế cả nước (5,55 triệu tỷ đồng) là 23,97%, cao hơn năm 2017 và năm 2016 (23,4%), cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của thành phố trong năm 2019 đạt 8,3 tỷ USD, nâng tổng số vốn đầu tư nước ngoài của thành phố lên hơn 47 tỷ USD với gần 9.200 dự án còn hiệu lực hoạt động.

Có thể nói, Thành phố luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa, chiếm 23% GDP và đóng góp lớn nhất thu ngân sách cả nước, chiếm 27%.

Cùng với đó, qua 45 năm xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành hàng trăm công trình phục vụ dân sinh lớn nhỏ, nhiều công trình mang tính biểu tượng đã hình thành, khẳng định tầm vóc của thành phố như công trình hầm vượt sông Sài Gòn, Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm; tòa nhà Landmark 81, tòa tháp Bitexco đến các Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Tây Bắc, Hiệp Phước... đã tạo nên diện mạo mới, hiện đại cho thành phố. 

Trong công tác chăm lo cho sức dân, Thành phố đã có nhiều phát kiến, sau đó được nhân rộng ra cả nước như phong trào đền ơn đáp nghĩa; xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa. Thành phố cũng như đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững với tỉ lệ hộ nghèo đến năm 2019 chỉ còn 0,19%; hộ cận nghèo chỉ còn 1,15% tổng hộ dân thành phố. Cùng với đó là rất nhiều hoạt động, phong trào thiết thực hướng đến chăm lo các đối tượng chính sách, khó khăn..., góp phần tạo nên thương hiệu "Thành phố nghĩa tình cho nơi đây.

Là một trong những khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, sau 30 năm hình thành và phát triển, Khu Chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh) tạo dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Ảnh: Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Là một trong những khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, sau 30 năm hình thành và phát triển, Khu Chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh) tạo dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Ảnh: Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Đảng bộ thành phố ngày đầu giải phóng chỉ có trên 4.100 đảng viên, đến nay đã có trên 234.000 đảng viên với chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh luôn kiên định lập trường, bản lĩnh chính trị, thực hiện xây dựng, chính đốn mình để ngang tầm nhiệm vụ. Công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh được tăng cường, đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt tăng cường mối quan hệ mật thiết, nỗ lực chăm lo tốt hơn đời sống, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, từ một con kênh ô nhiễm bậc nhất TP Hồ Chí Minh đã được thành phố đầu tư cải tạo đến nay đã “hồi sinh” thay da đổi thịt, làm thay đổi diện mạo mặt thành phố, mang lại lợi ích trực tiếp cho trên 1,2 triệu người sống xung quanh lưu vực kênh được hưởng lợi thông qua cải tạo điều kiện vệ sinh, môi trường, giảm nguy cơ ngập lụt và góp phần chỉnh trang đô thị. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, từ một con kênh ô nhiễm bậc nhất TP Hồ Chí Minh đã được thành phố đầu tư cải tạo đến nay đã “hồi sinh” thay da đổi thịt, làm thay đổi diện mạo mặt thành phố, mang lại lợi ích trực tiếp cho trên 1,2 triệu người sống xung quanh lưu vực kênh được hưởng lợi thông qua cải tạo điều kiện vệ sinh, môi trường, giảm nguy cơ ngập lụt và góp phần chỉnh trang đô thị. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Bước vào năm 2020, năm cuối nhiệm kỳ 2015 -2020, cũng là năm đánh dấu cột mốc 45 năm giải Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với bối cảnh “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã cùng với cả nước bước vào cuộc chiến với đại dịch COVID-19, "kẻ thù vô hình" virus SARS-CoV-2 với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Và dường như, trong những lúc nguy nan đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố với truyền thống sẵn có đã tạo nên sức mạnh đoàn kết “chung sức, chung lòng”, góp phần cùng cả nước bước đầu giành chiến thắng quan trọng, ngăn chặn được nguy cơ lây lan dịch bệnh. Sự chủ động, sáng tạo, đoàn kết chung lòng và niềm tin của người dân đã được thể hiện một cách trọn vẹn, chân thực nhất. Hình ảnh những phần cơm từ thiện, những cây ATM “gạo, thực phẩm” mọc lên khắp nơi đến sự đóng góp có ý nghĩa của các em nhỏ, các Bà mẹ Viêt Nam anh hùng, doanh nghiệp ủng hộ kinh phí chống dịch. Rất nhanh chóng, kịp thời, gói kinh phí hơn 2.750 tỷ đồng phục vụ cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã được thành phố triển khai. Cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, chung sức đẩy lùi dịch bệnh. 

Trước những lực cản mới phát sinh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh  tiếp tục kiên trì, chủ động phát huy các nguồn lực hoàn thành kế hoạch 5 năm (2016-2020), Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố; tập trung triển khai trong điều kiện bình thường mới, nghiêm túc quyết liệt phòng dịch COVID-19 để kiểm soát lây nhiễm, không để xảy ra dịch là tiền đề kiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thế Anh/TTXVN
Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai xây dựng 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm với 44 chương trình, đề án thành phần thuộc các lĩnh vực như đổi mới mạnh mẽ về quản lý; đột phá phát triển hạ tầng; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, các sản phẩm chủ lực; phát triển nguồn nhân lực và các giá trị văn hóa.

Năm 2020 là năm Đảng bộ thành phố tập trung thúc đẩy các dự án trọng điểm, trong đó dự kiến hoàn thành, khởi công 71 dự án với tổng mức đầu tư trên 62.000 tỷ đồng, cùng với đó là việc chuẩn bị 65 dự án cho các năm tiếp theo với tổng mức đầu tư hơn 254.000 tỷ đồng. Song song đó, thành phố tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành Thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; hoàn thành quy hoạch và triển khai Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông Thành phố; xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh... Qua đó xây dựng hạ tầng đồng bộ cho sự bứt phá của thành phố trong tương lai.

Với thành quả của 45 năm qua, cũng như những định hướng phát triển mang tính chiến lược cho 5-10 năm tới, Đảng bộ, chính quyền thành phố cũng xác định chủ đề Đại hội XI là: Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong suốt lịch sử hình thành, phát triển của mình, từ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định rồi Thành phố Hồ Chí Minh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thành phố vẫn luôn hướng về phía trước, tràn đầy khát vọng vươn lên tầm cao mới và trên hết mãi là "Thành đồng Tổ quốc", luôn “đi trước, về sau”, xứng đáng là Thành phố mang tên Bác, Thành phố anh hùng và có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Báo Tin Tức/TTXVN

Tin cùng chuyên mục