Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết việc làm cho gần 200.000 lượt người

10:47 12/09/2020

Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 31 phiên sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm theo hình thức trực tuyến, trực tiếp, qua đó tư vấn việc làm cho hơn 250.900 lượt người.

Sinh viên, học sinh và người lao động tham gia chương trình 'Tiếp sức người lao động và sàn giao dịch việc làm.' (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Sinh viên, học sinh và người lao động tham gia chương trình 'Tiếp sức người lao động và sàn giao dịch việc làm.' (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 200.000 lượt người (đạt hơn 66% kế hoạch năm) và 90.800 việc làm mới được tạo ra (đạt 67,3% kế hoạch).

Thành phố cũng đã tổ chức 31 phiên sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm theo hình thức trực tuyến, trực tiếp, qua đó tư vấn việc làm cho hơn 250.900 lượt người; giới thiệu việc làm cho gần 55.300 lượt người và đã có 22.567 người nhận được việc làm mới.

Khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy nhu cầu lao động thời gian qua tập trung ở các ngành nghề sản xuất, kinh doanh như bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy; công nghiệp chế biến chế tạo; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; thông tin và truyền thông…

Nhu cầu nhân lực theo các ngành công nghiệp trọng yếu gồm: cơ khí, điện tử, chế biến lương thực-thực phẩm, hóa chất-nhựa và cao su.

Nhu cầu nhân lực theo các ngành kinh tế, dịch vụ gồm y tế; giáo dục và đào tạo; dịch vụ tư vấn, khoa học công nghiệp; kinh doanh tài sản, bất động sản; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; du lịch; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; thương mại chiếm hơn 60% tổng nhu cầu nhân lực.

Ở chiều ngược lại, nhu cầu tìm việc đối với lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ 95,08%; trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 66,88%, cao đẳng 19,93%, trung cấp 6,34%, sơ cấp 4,92%.

Nhu cầu tìm kiếm việc làm tập trung nhiều các nhóm nghề như: kinh doanh, thương mại, dịch vụ phục vụ, dệt may-da giày, chế biến lương thực thực phẩm...

Tại Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên thành phố (Yes center), từ đầu năm đến nay trung tâm đã giới thiệu, tư vấn việc làm theo nhu cầu cho hơn 12.000 lượt người lao động thông qua các chương trình tiếp sức người lao động; càphê việc làm định kỳ hằng tháng; ngày hội tuyển dụng, việc làm tại các trường đại học.

Ngoài sinh viên học sinh, phần nhiều người tìm việc là công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở các ngành nghề vận tải, du lịch, nhà hàng, giáo viên mầm non tư thục cùng nhiều lao động phổ thông, lao động khu vực phi chính thức...

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên thành phố, cho biết để hỗ trợ người lao động trong thời điểm dịch bệnh khó khăn hiện nay, thành phố sẽ tăng cường các hoạt động kết nối với các điểm tư vấn giới thiệu việc làm tại bến xe miền Đông, miền Tây, An Sương, Ngã Tư Ga cùng với các quận, huyện và qua tổng đài tư vấn 1088.

“Hiện Yes center đang tiến hành khảo sát và phối hợp cùng với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn tại 5 điểm quận, huyện. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, trung tâm sẽ tổ chức chương trình ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ, chiến sỹ công an hoàn thành nghĩa vụ; chương trình ngày hội việc làm dành cho sinh viên chuyên ngành kinh doanh-vận tải-logistics...," ông Sang chia sẻ.

Tương tự, sau 2 tháng triển khai, dự án “Việc làm trao tay-Đánh bay COVID-19” do Siêu Việt Group thực hiện đã tạo ra 500.000 cơ hội việc làm đến từ 50.000 doanh nghiệp trên khắp cả nước.

Doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang tuyển dụng nhiều lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh với các ngành nghề như: thiết kế, bất động sản, kinh doanh, dịch vụ hỗ trợ khách hàng, digital marketing, kế toán, hành chính văn phòng…

Về phía Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở cho biết Sở đã thành lập 3 tổ công tác phối hợp cùng Ban quản lý các Khu chế xuất-Khu công nghiệp thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện tham vấn, đưa ra giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động, thực hiện tốt chính sách, pháp luật lao động.

"Các tổ công tác này sẽ phối hợp với doanh nghiệp rà soát, sàng lọc lao động để có kế hoạch hỗ trợ tư vấn pháp lý, đào tạo lại, tổ chức sàn giao dịch, giải quyết việc làm; đồng thời chủ động liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng để điều phối, giải quyết việc làm cho người lao động có nhu cầu," ông Lê Minh Tấn chia sẻ.

Nhận định tình hình lao động việc làm những tháng cuối năm 2020, bà Trần Thị Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế-xã hội, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khởi sắc hơn.

Tuy nhiên, khu vực dịch vụ như ngành lưu trú, ăn uống, du lịch; khu vực công nghiệp như dệt may, giày da, gỗ nội thất… vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu bị gián đoạn.

Xu hướng việc làm tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như kinh doanh, thương mại; dịch vụ phục vụ; dệt may, giày da; chế biến lương thực, thực phẩm; tư vấn chăm sóc khách hàng; maketing; xây dựng; công nghệ thông tin; hành chính văn phòng; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; kinh doanh bất động sản… chiếm khoảng 75%.

Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 84,5%, trong đó nhu cầu nguồn nhân lực tăng mạnh ở trình độ trung cấp chiếm 30%, sơ cấp 13%; giảm nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ đại học còn 20% và cao đẳng 21%./.

Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục