Cần trao quyền mạnh mẽ hơn
Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức). Khi lấy ý kiến người dân liên quan, đã có hơn 90% ý kiến đồng thuận, nên việc sáp nhập 3 quận cơ bản là thuận lợi. So sánh với một số đô thị loại I thuộc tỉnh như Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thì thành phố Thủ Đức có quy mô tương đương các thành phố vừa kể. Do đó, công tác quản lý thành phố Thủ Đức sau này không hẳn là vấn đề quá khó.
Theo TS Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ, việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ vừa là thuận lợi, vừa gặp thách thức. Điều quan trọng hiện nay là cần nhận diện, tiên lượng đầy đủ những thách thức của mô hình này để có các giải pháp đồng bộ. TS Diệp Văn Sơn phân tích, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố ngang với cấp huyện (gồm quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định “khung cứng” về tổ chức, thẩm quyền hoạt động của thành phố thuộc thành phố. Như vậy, theo quy định hiện hành, về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND thành phố Thủ Đức nhìn chung không khác biệt lắm so với HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tương tự, các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố Thủ Đức cũng theo khung chung.
Về vấn đề này, ThS Đặng Thị Thu Trang, Khoa Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật TPHCM, đề xuất cần làm rõ sự khác biệt về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức cũng như thẩm quyền của thành phố Thủ Đức - đơn vị hành chính cấp huyện. Việc này là để khi sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức không chỉ là thu gọn đầu mối mà còn sẽ phát huy 3 trục chủ lực (công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính) của thành phố Thủ Đức, tạo thành hạt nhân phát triển của TPHCM, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng và cả nước.
Theo ThS Đặng Thị Thu Trang, nhiều nước trên thế giới khi thành lập các “thành phố nhỏ” trong “thành phố lớn” đều có quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đi cùng với đó là sự phân giao về nhân sự, tài chính. Thực tế đã chứng minh sự thành công của những mô hình tổ chức chính quyền đô thị như thế. Ở nước ta, hiện nay đã có những quy định về mô hình đặc thù - thành phố Thủ Đức - nhưng còn ở bước sơ khai, cần bổ sung các quy định chi tiết hơn về tổ chức, hoạt động và thẩm quyền. Đặc biệt là phải có những cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho TPHCM, trong đó có thành phố Thủ Đức phát triển, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu của cả nước.
“Muốn có được một thành phố Thủ Đức phát triển năng động, xứng tầm với tiềm năng thì Trung ương cần có các quy định trao quyền mạnh mẽ hơn cho TPHCM”, ThS Đặng Thị Thu Trang kiến nghị.
Cơ hội tự chủ gắn với chịu trách nhiệm
Để phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực nổi trội của 3 đơn vị khi sáp nhập 3 quận thành thành phố Thủ Đức, TS Diệp Văn Sơn còn nhấn mạnh đến bộ máy quản lý nhà nước của thành phố Thủ Đức. Theo TS Diệp Văn Sơn, Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố và UBND thành phố Thủ Đức (thuộc TPHCM). Đây là thuận lợi để thành phố Thủ Đức thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Cụ thể, so với HĐND cấp huyện thì HĐND thành phố Thủ Đức có thêm 3 nội dung mới. Trong đó, HĐND thành phố Thủ Đức được quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách phường trực thuộc; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp.
Đi kèm đó, UBND thành phố Thủ Đức phải có nhiệm vụ xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định nội dung trên (cùng nhiều nội dung khác).
“Thực tế, vai trò của UBND thành phố là rất lớn để có thể xây dựng, tham mưu chuẩn xác (còn HĐND thành phố xem xét thông qua chủ trương) để “quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C”. Đây là một công việc khá phức tạp, đòi hỏi chuyên môn”, TS Diệp Văn Sơn nhấn mạnh.
Cụ thể, Luật Đầu tư công cùng các hướng dẫn quy định chi tiết về hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, C (và A).
Trong đó, nội dung thẩm định chủ trương đầu tư phải phù hợp với các tiêu chí xác định chương trình đầu tư công; sự tuân thủ các quy định pháp luật trong nội dung hồ sơ trình thẩm định; sự phù hợp với các mục tiêu chiến lược; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật.
Cùng đó là các nội dung về mục tiêu, quy mô, đối tượng đầu tư, thời gian, tiến độ thực hiện, phương án lựa chọn công nghệ chính, giải pháp bảo vệ môi trường, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; khả năng thu hồi vốn và trả nợ trong trường hợp sử dụng vốn vay; dự kiến bố trí vốn…
“Mô hình thành phố Thủ Đức rõ ràng là cơ hội thực hiện tự chủ, nhưng kèm đó là thách thức về sự chịu trách nhiệm. Thách thức này chỉ rõ cần phải xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức xứng tầm, thạo việc là một thách thức lớn cần giải quyết”, TS Diệp Văn Sơn lưu ý.
* TS DIỆP VĂN SƠN:
Gắn với quy hoạch chung để hỗ trợ phát triển
Đối với các đô thị đang phát triển nhanh hiện nay như TPHCM, trong đó có thành phố Thủ Đức, chính quyền đô thị cần được phân cấp, phân quyền nhiều và rõ hơn. Cụ thể, cần đẩy mạnh việc phân cấp giữa Chính phủ, bộ, ngành Trung ương với chính quyền TPHCM cùng các thành phố trực thuộc Trung ương; chính quyền cấp trên với chính quyền đô thị trực thuộc và tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương.
Mặt khác, để thành phố Thủ Đức trở thành hạt nhân phát triển của TPHCM, của vùng thì phải định vị thành phố Thủ Đức trong mối quan hệ cạnh tranh sòng phẳng. Thành phố Thủ Đức không chỉ phát huy mà phải tạo ra những lợi thế so sánh trong mối quan hệ với các đặc khu kinh tế, như Phố Đông Thâm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải (Trung Quốc) hay Incheon (Hàn Quốc)… Vì vậy, quy hoạch thành phố Thủ Đức cần được gắn trong quy hoạch chung của TPHCM và quy hoạch vùng, để tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ lẫn nhau, tránh trùng lặp định hướng phát triển giữa các vùng và khu vực, từ đó tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng không cần thiết, dễ làm phân tán nguồn lực.
* ThS PHAN NGUYỄN PHƯƠNG THẢO, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật TPHCM:
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
Khi thành phố Thủ Đức được thành lập cần một bộ máy hành chính nhà nước thống nhất, đồng bộ, hiện đại cũng như sự hoạt động hiệu quả, chủ động cao để phát huy sức mạnh tổng thể của 3 quận, của TPHCM, khu vực và cả nước. Để đạt được mục tiêu trên, cùng với việc không tổ chức HĐND phường ở thành phố Thủ Đức, đòi hỏi UBND phải thay đổi phương thức hoạt động. Đặc biệt, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu được đề cao hơn. Theo đó, UBND thành phố Thủ Đức và UBND phường sẽ hoạt động theo cơ chế thủ trưởng. Lúc này, vai trò tham mưu UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước được đề cao hơn, phải nâng cao chất lượng hoạt động để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.
Về các cơ quan chuyên môn, hiện nay, thành phố Biên Hòa (thuộc tỉnh Đồng Nai) có gần 1 triệu người và 29 phường, 1 xã với 12 phòng chuyên môn đang vận hành hiệu quả. Do đó, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Thủ Đức cũng cần tổ chức thành 12 phòng chuyên môn trên cơ sở sáp nhập các phòng chuyên môn thuộc UBND quận 2, 9 và Thủ Đức. Về pháp lý, Chính phủ cần bổ sung quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một đô thị đang trên đà phát triển, phải nâng cao năng lực, hiệu quả công việc, chất lượng công tác. Vì vậy, thành phố Thủ Đức cần chú trọng đến chính sách đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong phục vụ nhân dân.