Tháo gỡ việc cấp phép xây dựng nhà dọc tuyến metro số 2

13:57 06/06/2020

Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đang bước vào cao điểm giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nhà dân nằm hai bên tuyến metro đã rơi vào khó khăn nếu muốn xây dựng, sửa chữa, vì phải chờ hướng dẫn.

Lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng trong dự án tuyến metro Bến Thành - Tham Lương. Ảnh: QUỐC HÙNG
Lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng trong dự án tuyến metro Bến Thành - Tham Lương. Ảnh: QUỐC HÙNG

Xây dựng nhà: Chờ ý kiến... đường sắt
Ông Sự, một cán bộ quân đội về hưu, nhà ở mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 5, quận Tân Bình), sau khi về hưu, ông gom góp tiền để xây mới căn nhà cấp 4 xập xệ lâu ngày, vừa là nơi ở vừa cho thuê kiếm thêm nguồn dưỡng già. Tháng 3-2019, ông tiến hành xin giấy phép xây dựng, phải mất 3 tháng sau mới được cấp phép, trong khi quy định đối với hồ sơ hợp lệ là 15 ngày. “Tôi nộp hồ sơ lên quận, họ bảo phải chờ ý kiến của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, vì sợ vướng vào tuyến metro”, ông Sự kể.
Về trường hợp này, ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch UBND phường 5 quận Tân Bình xác nhận là có. Từ khi có quy hoạch và triển khai tuyến metro số 2 đi qua địa bàn phường, việc xây dựng nhà như thế nào liên quan đến ranh tuyến metro đang chờ hướng dẫn. Đối với 20 trường hợp bị giải tỏa chỉ còn diện tích nhỏ, người dân muốn giữ lại để chỉnh sửa. Đối với 71 căn nhà nằm ngoài ranh tuyến metro, hồ sơ xin phép xây dựng sẽ chuyển lên quận, rồi phải có ý kiến của Sở Xây dựng TPHCM, tiếp đó là ý kiến Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, dẫn tới thủ tục cấp phép quá lâu. “Trách nhiệm của phường, chúng tôi chỉ biết vận động, tuyên truyền để người dân thông cảm. Các cấp cần sớm có văn bản chung để tháo gỡ, hỗ trợ cho người dân trong vấn đề sửa chữa, cấp mới giấy phép xây dựng nhà liên quan đến tuyến metro số 2”, ông Phạm Văn Tiến đề xuất.
Quận 10, nơi có tuyến metro số 2 đi qua, cũng bị vướng mắc tương tự. Ông Đặng Hoàng Phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10, cho biết cách xử lý: đối với trường hợp chỉ cải tạo mặt tiền, không ảnh hưởng đến tải trọng công trình, quận đã ban hành giấy phép cho người dân cải tạo lại nhà; nội dung, cấp phép theo quy định, miễn phí, hỗ trợ đo vẽ. Còn liên quan đến xây dựng mới, cần có hướng dẫn về chiều cao, lộ giới, vì phải có đánh giá tác động tải trọng công trình ảnh hưởng đến đường hầm metro nên chưa thể giải quyết cho người dân, hiện nay Sở GTVT và Sở Xây dựng đang báo cáo lãnh đạo thành phố hướng giải quyết. Thống kê cho thấy, quận 10 đã hoàn thành bản vẽ cho 29 hộ dân sửa chữa mặt tiền, đã nộp hồ sơ xin cấp phép cho 17 hộ dân, ký giấy phép sửa chữa cho 2 trường hợp.

Cần sớm có hướng dẫn
Là quận có số nhà dân bị ảnh hưởng rất lớn, với 365 trường hợp, theo ông Châu Văn La, Chủ tịch UBND quận Tân Bình, hiện nay khi tiếp xúc vận động người dân thì đều có ý kiến liên quan đến việc cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà cửa. “Khi người dân có nhu cầu xin phép xây dựng lại để bàn giao mặt bằng phải có giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và bảo đảm an toàn cho công trình hầm đường sắt, đồng thời phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi thực hiện. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính của người dân, dẫn đến người dân không đồng thuận để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án”, báo cáo của UBND quận Tân Bình, gửi Thành ủy và UBND TPHCM.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, cho biết cơ quan này hiện có tiếp nhận hồ sơ xây dựng nhà của các quận gửi lên, cũng như các kiến nghị về hướng giải quyết chung đối với trường hợp nhà dân nằm dọc theo tuyến metro số 2. Cách làm cấp phép cho từng căn nhà như hiện nay sẽ kéo dài thời gian chờ đợi của người dân, cũng như thêm việc Ban Quản lý đường sắt đô thị. Việc thành phố chưa có hướng giải quyết chung là do trước đây thực hiện tuyến metro số 1 chỉ đi sát bên xa lộ Hà Nội, không có nhà dân bị ảnh hưởng, khi vào trung tâm thì đi âm dưới lòng đất nên không ảnh hưởng đến các công trình nhà cao tầng. Nhằm giải quyết tổng thể vấn đề này, thành phố nên giao Sở GTVT tổng hợp ý kiến của các đơn vị liên quan trình UBND TP quyết định trong thời gian sớm nhất.

* Cung cấp thông tin dự án 
Đó là đề xuất của UBND quận 10 với lãnh đạo thành phố. Cần thông tin cụ thể về lộ trình, tiến độ thời gian thi công, phương án thi công, việc che chắn mặt tiền nhà giải tỏa trong và sau khi xây dựng hoàn thành công trình tuyến tàu điện ngầm, để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân, tổ chức nắm rõ, chủ động thu xếp việc xây dựng, sửa chữa nhà, hoạt động mua bán, kinh doanh sau khi bàn giao mặt bằng giải tỏa.

QUỐC HÙNG - LƯƠNG THIỆN/ SGGP

Tin cùng chuyên mục