Quản lý bằng mã số định danh
Bộ Công an đã chính thức khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Trên cơ sở đó quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân. Từ 1/7, khi công dân thay đổi thông tin về cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú sẽ thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Cảnh sát quản lý cư trú sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Sau ngày 1/7, hộ khẩu giấy có còn giá trị?
Kể từ ngày Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Đăng ký tạm trú, thường trú, chuyển hộ khẩu phải làm sao?
Luật Cư trú năm 2020 bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu.
Đối với thủ tục đăng ký thường trú, người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú. Trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.
5 địa điểm không được đăng ký thường trú mới
Điều 23 Luật Cư trú năm 2020 quy định 5 địa điểm không được đăng ký thường trú mới, gồm: Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật; chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật; chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Giao dịch dân sự có bị ảnh hưởng, có phải sao y chứng thực?
Với những dữ liệu đã chuẩn hóa sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công các bộ, các tỉnh như cơ quan thuế, đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, khai báo lưu trú… sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Người dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tập hợp thông tin cơ bản như: họ tên, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số định danh cá nhân của tất cả công dân Việt Nam. Thông tin này được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ và quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
|
Luật sư Lê Đức Thọ, Đoàn Luật sư TPHCM: Không làm thay đổi quyền thừa kế, tách hộ, xác định chủ hộ
Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành, theo đó sổ hộ khẩu giấy đã sử dụng 70 năm qua sẽ bị thu hồi. Theo khoản 3, Điều 2, Luật Cư trú 2020, cơ sở dữ liệu về cư trú (cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về cư trú của công dân, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật), nhằm thay thế hình thức quản lý từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý hộ khẩu bằng kỹ thuật số. Vì thế, việc thay đổi hình thức quản lý cư trú công dân theo Luật Cư trú 2020 không làm ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của công dân về vấn đề thừa kế, tặng cho. Những quan hệ về thừa kế, tặng cho… được quy định, điều chỉnh bằng Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật có liên quan khác. Điều 25, Luật Cư trú 2020, cũng quy định cụ thể về tách hộ, lập hộ mới và xác định chủ hộ trong một hộ gia đình. Quy định này đã xác lập vị trí, mối quan hệ các thành viên trong hộ gia đình và những hộ gia đình liên quan.
Như vậy, khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu giấy truyền thống bị bỏ dần đến loại bỏ toàn bộ, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến quyền thừa kế, tặng cho, tách hộ, lập hộ, xác định chủ hộ… của công dân.
Luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn Luật sư TPHCM: Phải bảo đảm mọi hợp đồng, giao dịch của công dân
So với luật cũ, Luật Cư trú 2020 có những điểm mới, trong đó quan trọng là bỏ hộ khẩu, sổ tạm trú, bỏ điều kiện riêng khi nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương. Luật này cũng quy định điều kiện diện tích nhà thuê, mượn ở nhờ (tối thiểu 8m2/người) được đăng ký thường trú. Cụ thể, diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn mỗi người nhằm bảo đảm điều kiện sống cho người dân và phù hợp với điều kiện của đa số các tỉnh, thành…
Áp dụng Luật Cư trú 2020, lợi ích lớn nhất là người dân được xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà. Khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu (như hiện nay), công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y, chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng.
Theo rà soát mới đây của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, có khoảng 27 thủ tục hành chính trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Do đó, hệ thống công quyền, dịch vụ… cần liên kết, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, lĩnh vực đời sống xã hội, bảo đảm mọi hợp đồng, giao dịch trước đây, hiện nay và về sau của công dân.