Thị trường hàng hóa TPHCM tấp nập đơn hàng online

14:49 09/07/2021

Cũng như thị trường bán lẻ trực tiếp, thị trường online có sức mua tăng cao tập trung vào những nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, lượng thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cá nhân..

Đơn hàng của GrabMart tăng. (Nguồn: cafebiz)
Đơn hàng của GrabMart tăng. (Nguồn: cafebiz)

Theo báo cáo nhanh của các nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh, sàn thương mại điện tử... thị trường mua sắm online trong những ngày qua cũng tấp nập đơn hàng tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.

Cũng như thị trường bán lẻ trực tiếp, thị trường online có sức mua tăng cao tập trung vào những nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, lượng thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cá nhân...

Đơn hàng online tăng đột biến

Thống kê của các nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh, sàn thương mại điện tử... trong hơn một tháng gần đây, tức thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh khởi động triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg đến nay, sức mua trên thị trường online tăng liên tục.

Đơn hàng của GrabMart - ứng dụng đi chợ của ứng dụng công nghệ gọi xe Grab càng tăng cao hơn trong những ngày đầu tháng 7/2021 so với thời điểm bình thường.

Còn đại diện ứng dụng gọi xe Be cho biết, dịch vụ beĐichợ tăng gấp đôi đơn hàng trong một và hai tuần gần đây. Đồng thời, nhóm mặt hàng được ưu tiên mua sắm thông qua dịch vụ beĐichợ có thể kể đến là thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước giải khát, thuốc...

Riêng đối với khoảng hai tuần thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại Thành phố Hồ Chí Minh kể từ 0 giờ ngày 9/7/2021, dịch vụ beĐichợ cũng sẽ có nhiều ưu đãi để khách hàng tiếp cận dễ dàng và thuận tiện trong việc mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Trước đó, dịch vụ beĐichợ đạt tăng trưởng trong quý 2/20121 tăng gấp đôi so quý 1/2021.

Theo sàn thương mại điện tử Lazada.vn, doanh số ngành hàng thực phẩm tươi sống trong những ngày đầu tháng 7/2021 đạt mức tương đương doanh số của một tháng bình thường. Cụ thể, những mặt hàng có sức mua tăng đột biến trong những ngày này, gồm trứng gia cầm; thịt gia súc, gia cầm; sữa tươi các loại...

Tương tự, trên sàn thương mại điện tử Tiki.vn trong một tháng qua, ngành hành thực phẩm tươi sống tăng gấp 10 lần so với tháng bình thường và thời điểm không bùng dịch COVID-19. Tiki.vn đã hợp tác với nhà cung cấp thựuc phẩm tươi sống, thực phẩm khô, sản phẩm phòng chống dịch COVID-19... để tăng năng lực đáp ứng sức mua của khách hàng.

Trao đổi với phóng viên, chị Xuân Hương, nhân viên văn phòng quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong mấy tháng gần đây, gia đình đã chuyển sang hình thức đi chợ online để tăng cường phòng chống dịch COVID-19.

Bởi đã sử dụng thường xuyên nhiều ứng dụng đi chợ trên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ gọi xe, website bán hàng của thương hiệu bán lẻ lớn... nên khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, gia đình không phải tập trung đông người mua sắm ở kênh bán lẻ trực tiếp.

Còn anh Hải Triều, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức cho hay, đi chợ online khá tiện lợi khi người tiêu dùng có thể mua sắm trên các sàn thương mại điện tử bất kể lúc nào, ở đâu. Bên cạnh đó, đơn vị bán hàng online cũng ngày càng cải thiện đa dạng tiện ích như: thông tin chi tiết về chất lượng và số lượng sản phẩm, khuyến mãi, giảm giá, giao hàng tận nơi theo khung giờ yêu cầu; thanh toán không tiền mặt và nhiều hệ thống ngân hàng thương mại; hỗ trợ đổi trả hàng nhanh chóng...

Trong khi đó, ghi nhận ý kiến nhiều người tiêu dùng khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, người dân ngày càng có xu hướng mua sắm online, còn đối với kênh bán lẻ trực tiếp thì họ thường gom đơn hàng để chỉ đi chợ, siêu thị... một hay hai tuần một lần.

Ngoài ra, việc mua sắm tại kênh bán lẻ trực tiếp hiện nay đối với một số gia đình chỉ nhằm bổ sung danh mục hàng hóa tiêu dùng thiết yếu mà họ không thể mua sắm online.

Giãn cách mua sắm trực tiếp

Ở góc độ nhà bán lẻ sở hữu đa dạng mô hình kinh doanh và là nhà bán lẻ hàng đầu tại thị trường Việt Nam, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng đang nỗ lực đẩy mạnh kênh bán hàng online.

Bên cạnh những kênh mua sắm như HTV Co.op, nhận đặt hàng qua điện thoại... Saigon Co.op đã kịp thời liên kết với hầu hết ứng dụng công nghệ gọi xe hiện nay với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhất là trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn thế nữa, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội, Saigon Co.op đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn, đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân.

Đồng thời, nhà bán lẻ này kêu gọi người dân nên ưu tiên sử dụng những kênh online này, đặt hàng nhu yếu có chọn lọc, hạn chế dồn dập đơn hàng vào những khung giờ cao điểm sẽ gây tắc nghẽn hệ thống.

Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. (Ảnh: TTXVN)
Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. (Ảnh: TTXVN)

Tương tự, cùng với việc tăng cường thời gian mở cửa phục vụ mua sắm đến 23 giờ hàng ngày, hệ thống siêu thị GO!/ Big C, Tops Market còn tăng cường kênh bán hàng online. Theo đó, người tiêu dùng có thể sử dụng đa dạng ứng dụng như mua hàng qua điện thoại, Zalo shop, GrabMart, Now, Tiki, Baemin...

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail bày tỏ, để đảm bảo độ tươi ngon và an toàn đối với chuỗi cung ứng ngành hàng tươi sống tại hệ thống GO!/ Big C, Tops Market thì hàng nhập mới mỗi ngày dựa trên mức độ tiêu thụ của cửa hàng. Đồng thời, điều quan trọng nhất để giữ chân khách hàng là nhà bán lẻ phải đảm bảo mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá... luôn tươi ngon.

Hiện tại, số lượng dự trữ hàng hóa của hệ thống GO!/ Big C, Tops Market không gặp khó khăn trong việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Hệ thống bán lẻ của Central Retail đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa bằng việc thu mua nguồn hàng trực tiếp từ nông dân, hợp tác xã...

Central Retail kiểm soát nguồn cung ứng thông qua 3 kho lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Lạt, từ đó kiểm soát việc vận chuyển cũng như giao hàng. Ngoài ra, Central Retail cũng đảm bảo cung cấp đầy đủ mặt hàng thịt đông lạnh như thịt lợn, thịt bò và hải sản... và đây là những sản phẩm mà khách hàng có thể dễ dàng bảo quản trong tủ lạnh mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Nhằm gia tăng giải pháp mua sắm online, góp phần giãn cách mua sắm trực tiếp, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu 17 siêu thị, hệ thống phân phối lớn trên địa bàn thành phố đẩy mạnh kênh bán hàng online.

Các nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng thông tin và khuyến khích người dân sử dụng kênh mua sắm này, nhất là trong thời gian hai tuần thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Khảo sát bước đầu, giải pháp mua sắm online đã phát huy được hiệu quả nhất định, khi đơn hàng online tấp nập đổ về các thương hiệu bán lẻ lớn như: Co.opmart, Co.opXtra, LOTTE Mart, MM Mega Market, GO!/ Big C, Tops Market... Trong đó, nhiều nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung nguồn lực để đáp ứng thị trường mua sắm online với đơn hàng tăng gấp khoảng 10 lần trong những ngày đầu tháng 7/2021 và giãn thời gian giao hàng với cam kết tối đa 3 ngày cho khách hàng.

Đại diện nhiều nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra khuyến cáo và kêu gọi người dân chỉ nên mua đủ dùng và không nên mua dự trữ số lượng lớn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu sẽ gây áp lực lớn lên hoạt động giao dịch thương mại, tắt nghẽ kênh lưu thông hàng hóa.

Đặc biệt, người tiêu dùng không tập trung mua sắm tại điểm bán lẻ trực tiếp, hay đặt đơn hàng online dồn dập... dẫn đến tình trạng "sập nguồn" hệ thống bán lẻ do lượng đơn hàng tăng đột biết trong khung giờ cao điểm./

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục