Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy định hướng tiêu dùng

19:20 06/06/2020

Tính đến thời điểm này, hầu hết người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước chuyển đổi sang tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường và ưu tiên lối sống xanh.

Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy định hướng tiêu dùng - Ảnh 1

Nhà thuốc Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh dùng túi giấy đựng thuốc cho bệnh nhân ngoại trú. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Tính đến thời điểm này, hầu hết người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước chuyển đổi sang tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường và ưu tiên lối sống xanh.

Điều dễ dàng nhận biết được là người tiêu dùng đã nâng cao nhận thức trong lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường đang kinh doanh phổ biến trên thị trường. Đây là nhận định của nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ tiên phong định hướng khách hàng mua sắm, tiêu dùng sản phẩm xanh.

Thách thức bảo vệ môi trường

Theo kết quả một khảo sát do Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cho thấy có 82,3% người tham gia khảo sát có xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh và 88% người được phỏng vấn dự báo xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh sẽ tăng trong thời gian tới.

Tuy vậy, không phải người tiêu dùng nào cũng nhận biết được sản phẩm xanh là gì và sản phẩm này được bán ở đâu, cũng như giá thành là một trong những yếu tố cản trở người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm xanh.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng, hiện có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng bền vững trong cộng đồng, gồm: văn hóa, trình độ học vấn, tình trạng cư trú, mức thu nhập, kiến thức… Bên cạnh đó, người trẻ, trình độ cao, mức thu nhập cao, quan tâm về môi trường... có xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh nhiều hơn so với những thành phần còn lại.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Khoa, Bộ môn quản lý Môi trường và Tài nguyên, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mua sắm, tiêu dùng xanh có những lợi ích như nâng cao độ an toàn và sức khỏe cho người dân và cộng đồng.

Cùng với đó, lối sống xanh không chỉ góp phần giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, mà còn tạo động lực phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn.

Trước sự gia tăng dân số, kéo theo đó là nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội, nên Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, đang đứng trước những thách thức về bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, việc triển khai và áp dụng những chính sách tiêu dùng xanh, mua sắm xanh ở Việt Nam, hướng đến khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững là một nhu cầu bức thiết hiện nay.

Còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhận định mua sắm, tiêu dùng xanh là một trong những giải pháp thúc đẩy mạnh quá trình tái chế chất thải từ việc thu gom, phân loại cho tới sản xuất và phát triển thị trường sử dụng những sản phẩm tái chế, góp phần khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm được kinh phí và bảo vệ môi trường. Đơn cử, phát triển thị trường tiêu dùng xanh sẽ kích thích tăng số lượng và chất lượng sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

Trong thời gian qua, để cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, đại diện sở, ngành thành phố đã đề xuất, phải dung hòa được những giải pháp như nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, nhất là chú ý đến việc giáo dục cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, vận động cộng đồng doanh nghiệp cam kết thực hiện bảo vệ môi trường và cho ra thị trường những sản phẩm xanh, sạch, an toàn, chất lượng.

Bền bỉ hành trình tiêu dùng xanh

Bà Phùng Ái Vân, Trưởng ban tổ chức chiến dịch Tiêu dùng xanh cho biết, trải qua 10 năm tổ chức và năm 2020 là lần thứ 11 chiến dịch Tiêu dùng xanh được triển khai với mục tiêu nhất quán là "Làm thế nào để tăng cường nhận diện sản phẩm xanh. Qua đó, vận động cộng đồng ưu tiên thực hiện tiêu dùng sản phẩm xanh. Thực hiện tiêu dùng sản phẩm xanh là cộng đồng vận dụng quyền của người tiêu dùng và các doanh nghiệp phải tự giác thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường."

Theo bà Phùng Ái Vân, chiến dịch Tiêu dùng xanh thực hiện đồng bô giải pháp xây dựng chiến lược truyền thông thương hiệu doanh nghiệp gắn với hoạt động trách nhiệm xã hội và sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, thân thiện với môi trường. Trong đó, đội ngũ tình nguyện viên đóng vai trò đưa thông tin đến cộng đồng, người dân để tăng cường nhận diện sản phẩm của doanh nghiệp xanh.

Còn doanh nghiệp triển khai những chính sách khuyến mãi, bán hàng với giá ưu đãi kết hợp trưng bày riêng biệt sản phẩm thân thiện môi trường tại hệ thống siêu thị, điểm bán lẻ.

Tuy vậy, muốn đạt được mục tiêu nêu trên, qua từng năm Ban tổ chức chiến dịch Tiêu dùng xanh đã và đang không ngừng chủ động tái cơ cấu quy mô tổ chức phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và mở rộng mức độ nhận diện sản phẩm xanh đến người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo trong từng chương trình hành động, đảm bảo chiến dịch trở thành cầu nối cộng đồng, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng, sản xuất có hại cho môi trường.

Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy định hướng tiêu dùng - Ảnh 2

Nói không với túi nylon. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

Cụ thể, thống kê sức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp tại hệ thống siêu thị Co.opMart trong thời gian diễn ra chiến dịch Tiêu dùng xanh tăng 50-60% so với những tháng khác trong năm. Điều này cho thấy, sản phẩm xanh đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng.

Ngoài ra, chiến dịch Tiêu dùng xanh ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp và thương hiệu uy tín tham gia như công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; Procter & Gamble Việt Nam P&G; Mondelez Kinh Đô Việt Nam, Unilever Việt Nam; Coca-Cola Việt Nam; Suntory PepsiCo Việt Nam; Frieslandcampina Việt Nam...

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Toàn, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, Co.opmart luôn duy trì phương thức thay đổi hệ thống nhận diện sản phẩm tại các siêu thị.

Với sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với môi trường được hỗ trợ nhận diện bằng biểu tượng khác biệt và giúp người tiêu dùng dễ nhận biết khi mua sắm.

Song song đó, nhằm khuyến khích cộng đồng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường, Co.opmat thực hiện nhiều chính sách như vận động không sử dụng túi ni lông thay bằng túi tự hủy và túi sử dụng nhiều lần; chính sách kích cầu người tiêu với hình thức khuyến mãi đa dạng...

Theo ông Nguyễn Vũ Toàn, Saigon Co.op cũng như nhiều hệ thống bán lẻ khác không những phối hợp hàng loạt nhãn hàng cùng giảm giá để vừa đẩy sức mua hàng hóa gỡ khó đầu ra cho doanh nghiệp vừa chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch COVID-19.

Mặt khác, tham gia chiến dịch Tiêu dùng xanh năm nay, Saigon Co.op thực hiện nhiều hoạt động định hướng tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường như tổ chức "Ngày hội tái chế vỏ hộp sữa" tại hệ thống Co.opmart tuyên truyền kiến thức phân loại rác ngay tại nguồn, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Trong xuyên suốt tháng Sáu này, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, gồm: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile… trên cả nước đồng loạt lấy chủ đề “Tháng tiêu dùng xanh,” áp dụng giảm giá đến 50% cho hơn 10.000 sản phẩm thân thiện với môi trường, tặng hơn 100.000 phiếu mua hàng cho khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp xanh.../.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục