Thời khắc quan trọng chống dịch Covid-19, nhiều nơi làm việc tại nhà

19:27 23/03/2020

Làm việc tại nhà, họp trực tuyến, giao dịch qua mạng, đeo khẩu trang, rửa tay tiệt trùng, thùng hấp nóng hồ sơ… là những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đang triển khai để chung tay cùng nhà nước phòng chống dịch Covid-19.

Thời khắc quan trọng chống dịch Covid-19, nhiều nơi làm việc tại nhà
Làm việc từ xa là mô hình được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để phòng tránh dịch Covid-19 Ảnh: Thanh Lê/ Báo Thanh Niên

Kích hoạt chế độ làm việc tại nhà

Theo báo Sài Gòn Giải Phòng, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc tổ chức một phiên xử, phiên họp trực tiếp rất khó khăn. Để “gỡ khó”, tại VIAC đã tổ chức hình thức kết nối online qua teleconference hay video conference thay thế cho các phiên họp trực tiếp.

Ông Phan Gia Quí, nguyên Chánh Tòa Kinh tế TAND TPHCM - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thông tin, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì việc tổ chức một phiên xử, phiên họp trực tiếp rất khó khăn.

Để “gỡ khó”, tại VIAC đã tổ chức hình thức kết nối online qua teleconference hay video conference thay thế cho các phiên họp trực tiếp.

Theo ông Phan Gia Quí, phiên họp giải quyết tranh chấp sẽ có nhiều thành phần tham dự, không chỉ các bên, mà còn có luật sư, thậm chí cả các trọng tài viên cũng có thể là người nước ngoài.

Việc giải quyết thông qua phương thức điện tử có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hiện nay, góp phần hạn chế tiếp xúc đông người, khắc phục khó khăn về mặt di chuyển. Tuy nhiên, ông Phan Gia Quí cũng lưu ý phương pháp này chỉ được áp dụng nếu các bên đồng ý.

Theo báo Tuổi Trẻ, ngay sau tết, ông Nguyễn Văn Du, giám đốc Công ty First Page - cung cấp dịch vụ tối ưu hóa website trên các công cụ tìm kiếm, đã quyết định cho toàn bộ nhân viên có thể ở nhà làm việc từ xa qua mạng.

Riêng những việc buộc phải đến công ty như in ấn, gửi chuyển phát nhanh, nghiệm thu dự án... đích thân ông Du và nhân viên phụ trách phải đến công ty thực hiện. "Chúng tôi thực hiện cách làm việc này cho đến chừng nào dịch thuyên giảm mạnh", ông Du cho biết.

Chị Hoàng Minh Ngọc, trưởng bộ phận truyền thông Công ty Chợ Tốt, thì cho biết sẽ tổ chức hội họp thông qua các ứng dụng hội nghị truyền hình trên mạng; tiến độ các dự án được cập nhật lên trang mạng nội bộ để mọi người có thể theo dõi liên tục...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc chuyển đổi từ trực tiếp đến công ty làm việc sang làm từ xa qua mạng có thể được thực hiện dễ dàng với các công ty nhỏ, quy mô nhân sự dưới 20 người.

Còn với các công ty lớn hơn hoặc thực hiện nhiều dự án cùng lúc, việc chuyển đổi phải có kế hoạch cụ thể. Chẳng hạn, Công ty truyền thông Isobar Vietnam cho phép các team (nhóm) làm việc theo phương thức luân phiên: đội A ở nhà thì đội B lên công ty và ngược lại.

Tại quận 3 một doanh nghiệp có hàng trăm nhân viên đã áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt ngay từ sau tết. Các giải pháp mà doanh nghiệp này đưa ra là quy định nhiệt độ phòng máy lạnh cố định trên 28 độ C, tất cả nhân sự từ nhân viên cho đến lãnh đạo đều phải mang khẩu trang suốt giờ làm, sát khuẩn tay mới được vào công ty.

Công tác chống dịch còn mạnh mẽ hơn khi doanh nghiệp này cấm nhân viên không mua đồ ăn, thức uống từ bên ngoài vào thay vào đó nhân viên sẽ tự mang đồ ăn đi hoặc sử dụng nhà bếp lớn của công ty. Các thùng hấp hồ sơ (làm nóng hồ sơ ở nhiệt độ trên 28 độ C) cũng được đưa về để phòng dịch.

Đặc biệt, nhân viên một số bộ phận được khuyến khích tăng cường thời gian làm việc tại nhà thay vì đến trụ sở 7 ngày trong tuần.

Nhiều công ty và cơ quan nhà nước cũng đang áp dụng chế độ làm việc, họp hành qua online thay vì gặp mặt trực tiếp nhằm phòng chống Covid-19. Để hỗ trợ công tác chống dịch các công ty công nghệ lớn trên thế giới cũng đã có nhiều giải pháp mở băng thông đường truyền video để hỗ trợ các cuộc họp và giao dịch trực tuyến.

Theo báo Tuổi Trẻ tại buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) vào chiều 22/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Người trên 60 tuổi hãy ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác, hạn chế tụ tập đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài và nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát trùng, tăng cường dinh dưỡng, tập luyện, nâng cao sức khỏe".

Khuyến cáo của Thủ tướng được đưa ra trong diễn biến căng thẳng của dịch Covid-19 và tỉ lệ nhiễm và tử vong dịch bệnh này trên thế giới đa số ở nhóm người cao tuổi.

Hai tuần quyết định với Việt Nam

“Hai tuần tới là hai tuần có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19” - nội dung này liên tục được nhắc đi nhắc lại trong nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đường phố ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh trong ngày làm việc vắng vẻ đến lạ thường. Ảnh. Đình Nguyên
Đường phố ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh trong ngày làm việc vắng vẻ đến lạ thường. Ảnh. Đình Nguyên

Theo Báo Tuổi Trẻ, Tại TP.HCM hiện mỗi ngày có đến 1.300 - 1.700 người về nước qua sân bay Tân Sơn Nhất. Và dự báo trong khoảng 10 ngày tới, con số này có thể lên đến 17.000 người phải cách ly tập trung, tức sẽ lớn hơn tổng số 11.500 người đang được cách ly tập trung, cách ly tại nhà - nơi lưu trú trên toàn địa bàn tính đến hôm qua (22-3).

Lý giải vấn đề này, ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết thời gian qua lượng người từ nước ngoài đổ về Việt Nam ngày càng tăng, và hai tuần tới sẽ đạt mức "đỉnh điểm".

"Tình hình này rất có thể sẽ kéo theo tình huống xuất hiện thêm các ca bệnh mới. Đây là thời điểm quan trọng để hệ thống nguồn nhân lực, kiểm soát, cách ly, điều trị chuẩn bị bấy lâu nay tiếp tục "gồng" cho một cuộc chiến quyết định. Nếu kiểm soát tốt, đó là tín hiệu đáng lạc quan cho chặng đường đẩy lùi dịch bệnh phía trước", ông Thượng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM - nói hai tuần này sẽ là hai tuần "thử lửa" cho cả hệ thống phòng ngừa dịch COVID-19 ở nước ta. Bởi lúc này, lượng người từ nước ngoài về coi như gần hết. Vấn đề đặt ra là về nhiều quá, liệu có "lọt lưới" nguồn lây ra cộng đồng hay không?

"Theo tôi, ngoài việc đảm bảo quy trình kiểm soát cách ly tập trung như hiện nay, đòi hỏi mỗi người dân phải có ý thức nâng cao cảnh giác, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đi lại để chung tay cùng chính quyền, ngành y tế khống chế dịch bệnh" - bác sĩ Khanh nói.

Trong số những ca nhiễm COVID-19 trong hôm qua (22-3), có một số từ nước ngoài về và được cách ly ngay khi xuống sân bay, còn 2 người lây nhiễm trong quá trình di chuyển, đi lại, làm việc ở trong nước, điều này cho thấy mầm bệnh đã có ngoài cộng đồng. Và đây là thách thức lớn cho phía Việt Nam buộc phải tìm cho ra nguồn lây nhiễm đã thoát ra ngoài cộng đồng.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Đình Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục