Thông tin một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM ngày 18/7/2021

19:32 18/07/2021

(HMC) - Từ 00 giờ ngày 9/7/2021, TPHCM đã thực hiện giãn cách xã hội để siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn Thành phố. Trong thời gian này, dư luận Thành phố và cả nước đặc biệt quan tâm đến các giải pháp chống dịch và một số vấn đề nảy sinh liên quan. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Trung tâm Báo chí TP cung cấp thông tin về một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP ngày 18/7/2021.

Thông tin một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM ngày 18/7/2021
Xe bán hàng lưu động đầu tiên của AEON Việt Nam xuất phát tới điểm bán tại Quận 3. Ảnh: VTC

1. Thông tin về tổ chức, bố trí thêm các điểm bán hàng bình ổn giá và việc đăng tải thông tin về các điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn Thành phố để người dân biết.

Theo Sở Công thương TP, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được phân bổ rộng khắp địa bàn các quận huyện, Thành phố Thủ Đức. Danh sách và địa chỉ cụ thể của các điểm bán đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố. 

Bên cạnh đó, để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa cho người dân Thành phố, giúp người dân được tiếp cận nhiều hơn các điểm bán phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, Sở Công Thương đã tổ chức huy động nhiều nguồn lực, kết nối các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics có đủ năng lực và điều kiện cùng tham gia vào chuỗi cung ứng. Thông qua việc tổ chức các điểm bán hàng bình ổn lưu động, nhằm giúp người dân nghèo, khó khăn, người dân tại các khu cách ly, vùng phong tỏa được tiếp cận nguồn hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu với giá bình ổn.

Tính đến ngày 17/7, trên toàn TP đã tổ chức được 388 điểm bán. Trong đó, Sở Công Thương tổ chức 130 điểm bán, Viettel Post và VN Post tổ chức 258 điểm bán.

2. Tình hình doanh nghiệp thành phố đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm" để thực hiện mục tiêu vừa sản xuất vừa chống dịch.

Sở Công thương TP cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Công văn số 2237/UBND-TH ngày 13 tháng 7 năm 2021 về việc tạm ngưng hoạt động các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn Thành phố, theo đó, chỉ có các doanh nghiệp được hoạt động khi đáp ứng các yêu cầu về “03 tại chỗ” hoặc “01 địa điểm 02 cung đường” nhằm hạn chế công nhân tập trung, giảm thiểu rủi ro cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Qua theo dõi, nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương quản lý cho thấy, các doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng, cùng chung tay với Thành phố để kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã thực hiện ngay việc bố trí, sắp xếp các khu ăn uống, nghỉ ngơi cho người lao động, sản xuất hoặc chấp nhận tạm ngưng hoạt động để cùng Thành phố phòng, chống dịch trong giai đoạn cao điểm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Đến nay, đã có hơn 500 doanh nghiệp tự tổ chức hoạt động đảm bảo các điều kiện an toàn theo “3 tại chỗ” với gần 80.000 lao động. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng hỗ trợ thông tin, kết nối các đầu mối cung cấp cơ sở vật chất (như giường, nệm…) phục vụ yêu cầu vừa cách ly, vừa sản xuất của doanh nghiệp.  

Về hỗ trợ doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, căn cứ vào điều kiện thực tế, Sở Công Thương sẽ phối hợp với địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động tiến hành rà soát, triển khai áp dụng hỗ trợ phù hợp theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 25 tháng 6 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, với trách nhiệm của ngành, Sở Công Thương tiếp tục duy trì kênh tiếp xúc, đối thoại trực tuyến, thông qua các Hiệp hội ngành nghề để lắng nghe, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện hiện nay.

3. Các phương án đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch khi cho các chợ truyền thống hoạt động trở lại

Nhằm gia tăng nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân Thành phố trong điều kiện 03 chợ đầu mối, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch, Sở Công thương Thành phố cho biết việc khắc phục, đưa hệ thống chợ truyền thống nhanh chóng hoạt động trở lại là hết sức cần thiết và cấp bách trong điều kiện hiện nay.

Để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch khi các chợ truyền thống hoạt động trở lại, Sở Công Thương đã triển khai hướng dẫn cụ thể cho các quận huyện, Thành phố Thủ Đức thực hiện các giải pháp phù hợp, vừa khôi phục hoạt động các chợ truyền thống, vừa bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, đã đề nghị Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thành phố Thủ Đức:

+ Chỉ đạo, quán triệt các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế; Kiểm soát số lượng người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR đến và đi bằng ứng dụng “Vietnam Health Declaration” và các ứng dụng khác phù hợp theo khuyến cáo của cơ quan y tế; áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng “Thẻ ra vào chợ”…

+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động của chợ truyền thống. Hiện nay, Sở Công Thương đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống. Cụ thể, đã triển khai thí điểm mô hình “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân” (thí điểm tại chợ Tân Chánh Hiệp – Quận 12); mô hình “Tổng đài đặt lịch đi chợ” (thí điểm tại chợ Bình Thới – Quận 11). Trên cơ sở đánh giá hiệu quả tại các chợ thực hiện thí điểm, sẽ triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, đối với một số địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, còn nhiều lý do khách quan khó khôi phục lại hệ thống chợ truyền thống, Sở cũng đã đề xuất một số mô hình như lập các điểm bán quy mô nhỏ (2 đến 10 thương nhân), ưu tiên kinh doanh các mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá… trong sân chợ hoặc các điểm bán nhỏ phù hợp trong các khu dân cư để hỗ trợ cung ứng hàng hóa theo hướng dẫn của Sở Công Thương về quy định phòng, chống dịch; hoặc vận dụng các lực lượng tại địa phương để hỗ trợ kết nối giao hàng trực tiếp từ các thương lái chợ đầu mối, nhà vườn đến trực tiếp cho người dân.

Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục