“Lấy tấn công là đột phá, phòng ngừa là chiến lược”
Đánh giá những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là lực lượng y tế, quân đội, công an, các địa phương có dịch và toàn thể nhân dân đã cùng với Đảng, Nhà nước, các lực lượng chức năng phòng, chống dịch có hiệu quả.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sắp tới, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, công tác phòng, chống dịch cần chú trọng một số mục tiêu. Cụ thể, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, luôn được ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó là kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát, dập tắt dịch bệnh, nhất là tại các địa phương, địa bàn trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TPHCM và các khu công nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Vũ Đức Đam chịu trách nhiệm chỉ đạo chung về phòng, chống dịch COVID-19; giao Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại TPHCM; giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo phòng, chống dịch tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đảm bảo phòng, chống dịch tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh một số tư tưởng, chỉ đạo quan trọng. Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc, phải tổng tiến công một cách toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong toàn hệ thống chính trị và trong toàn dân. Tất cả phải được thực hiện với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và tập trung cao hơn nữa, nhưng phải trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, phải nắm chắc và dự báo sát tình hình. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công nhưng phải lấy tấn công là chính, là đột phá, lấy phòng ngừa là chiến lược, cơ bản, thường xuyên, lâu dài và có tính quyết định. Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch; không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi có dịch dẫn đến các quyết định không phù hợp, kém hiệu quả.
Từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân, nhất là người đứng đầu phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tinh thần yêu nước, tất cả vì nhân dân. Phát huy, vận dụng những kết quả, thành quả đạt được trong các đợt chống dịch lần trước và trong bước đầu đợt dịch lần này. Việc lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát thực tiễn, linh hoạt và có hiệu quả, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu phải huy động được sự vào cuộc hiệu quả của Nhân dân, tuyên truyền cho người dân hiểu để cùng tham gia phòng, chống dịch, vừa là để bảo vệ chính mình, vừa góp phần bảo vệ cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc...
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong lúc khó khăn, phức tạp, nên lấy đó làm động lực để phấn đấu vượt qua, trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tránh khuynh hướng mất đoàn kết, phân tán lực lượng; phải xử lý nghiêm những tư tưởng, hành động, biểu hiện lợi dụng tình hình để chống phá, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch và ảnh hưởng đến ổn định, phát triển kinh tế-xã hội.
Phải chống dịch với phương châm: “5K + vắc-xin + công nghệ”
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, nhanh chóng, kịp thời, phù hợp. Cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước các quyết định và phải có sự phân công, phân định rõ ràng.
Bên cạnh đó, vừa làm, vừa hoàn thiện các thể chế, các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình chống dịch một cách căn cơ, bài bản, có hệ thống. Thủ tướng chỉ đạo phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, nóng vội.
Đặc biệt, các Bộ, ngành phải kịp thời tháo gõ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “3 không”: Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu các cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, phương tiện, vật tư y tế, thuốc men… Nếu có khó khăn, vướng mắc cần bàn giải pháp và trình cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chiến lược vaccine theo hướng tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine, không để chậm trễ. Đồng thời nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, tìm công nghệ sản xuất vaccine; tuyên truyền, tổ chức tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên một cách có hiệu quả cho các lực lượng, địa bàn trọng điểm, giải thích cho nhân dân đây là biện pháp phòng ngừa tốt nhất.
Cùng với đó, phải phòng, chống dịch bệnh từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch, với phương châm: “5K + vắc-xin + công nghệ”. Việc phòng bệnh phải thường xuyên, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19; kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh và cư trú trái phép.
Ban quản lý các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân và người dân. Bộ Y tế huy động nguồn lực các trường y để hỗ trợ lực lượng y tế trên tuyến đầu chống dịch. Công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho nhân dân cần tiếp tục thực hiện một cách toàn diện, xuyên suốt, có hiệu quả.
Phải báo cáo với Thủ tướng nếu giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, so với các đợt dịch trước, đợt dịch này khó khăn và phức tạp hơn khi xuất hiện các chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, gây tử vong trên cả người trẻ tuổi. Các chuỗi dịch xuất hiện đa dạng, từ khu công nghiệp ra cộng đồng, từ cộng đồng vào khu công nghiệp, bệnh viện, nơi tổ chức truyền giáo... Mặc dù có vaccine nhưng không thể đảm bảo 100% người tiêm đều có kháng thể.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm nhanh việc truy vết, đặt phòng dịch lên hàng đầu. Mọi công tác phòng chống dịch phải dựa trên nguyên lý truy vết nhanh và khoanh vùng, tiếp tục giãn cách.
Tuy nhiên, việc giãn cách cần phải linh hoạt tùy theo tình hình thực tế của các địa phương. Nơi nào áp dụng giãn cách toàn tỉnh, thành phố phải báo cáo ngay cho Thủ tương Chính phủ. Từ đó, Thủ tướng sẽ có chỉ đạo đối với các khu vực lân cận, yêu cầu các bộ, ngành, phối hợp để việc giãn cách đạt hiệu quả cao nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, qua đợt dịch này, cần rút ra bài học, phải xử lý ngay những khu vực đã khoanh vùng, tránh không để lây lan chéo bên trong. Ví dụ như khu nhà trọ công nhân, đây được xem là nơi rất chật chội, nếu cách ly nhưng không có biện pháp giãn cách thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.