Về phía TPHCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP và lãnh đạo các Sở - ngành TP.
Tận dụng hiệu quả nhất “thời gian vàng” để kiểm soát dịch bệnh
Báo cáo với Thủ tướng về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp . Từ ngày 27/4 đến 6 giờ ngày 11/7/2021, TPHCM có 12.058 ca nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố, có 75 trường hợp tử vong. Căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh trên cơ sở “có kế thừa, có đổi mới; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội”, nhằm triệt để khoanh vùng, tập trung truy vết và dập dịch trong cộng đồng, TPHCM triển khai thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9/7/2021.
Theo đó, trước khi triển khai cách ly xã hội, UBND TP đã xây dựng phương án và kế hoạch đối với từng ngành cụ thể với mục tiêu làm sao tận dụng hiệu quả nhất “thời gian vàng” để kiểm soát dịch bệnh, truy vết và tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Về công tác xét nghiệm, từ ngày 25/6 đến hết ngày 10/7, xét nghiệm kháng nguyên nhanh 766.467 mẫu test; xét nghiệm RT-PCR với hơn 1,8 triệu mẫu. Thành phố cũng đang cách ly tập trung 13.400 người và cách ly tại nhà 38.500 người.
TP đã thành lập Sở Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 đặt tại UBND TP để theo dõi, xử lý nhanh chóng mọi tình huống xảy ra; thành lập Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 của TP; thành lập Trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.
Về tình hình cung ứng hàng hóa, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành phong cho hay, TP đã tổ chức khảo sát, đánh giá, đảm bảo điều kiện cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và công bố 2.833 điểm bán được phân bổ rộng khắp trên địa bàn 22 quận - huyện, TP Thủ Đức nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, các “Chợ nghĩa tình”, “Siêu thị 0 đồng”… cũng được tạo điều kiện hoạt động.
TP cũng tổ chức phân luồng giao thông với 12 chốt chính tại các cửa ngõ ra/vào TP, phân luồng riêng cho các phương tiện có Giấy nhận diện do Sở GTVT cấp; ghi nhận sau 2 ngày giãn cách xã hội, lượng phương tiện giao thông giảm khoảng 60-70%...
Việc hỗ trợ, chăm lo cho người dân cũng được TP đặc biệt quan tâm. Các quận - huyện và TP Thủ Đức đã tập trung rà soát, lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ, đến nay đã giải ngân chi hỗ trợ trên 80 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 24,30%. Bên cạnh hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TP, các quận - huyện cũng chủ động vận động các mạnh thường quân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp chăm lo cho các đối tượng khó khăn với tổng kinh phí trên 71,2 tỷ đồng.
Về cách ly, điều trị, hiện nay ngoài 14 khu cách ly F1 ban đầu do TP quản lý với quy mô 7.000 người, các quận - huyện và TP Thủ Đức có 88 khu cách ly tập trung với sức chứa 10.000 người; vận động 55 khách sạn thực hiện cách ly có thu phí với sức chứa khoảng 4.000 người.
TP cũng thành lập 8 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị với sức chứa 29.730 giường. Ngày 11/7, tiến hành bàn giao Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị số 6 (5.000 giường), trong 5 ngày nữa sẽ tiếp nhận và đưa vào sử dụng Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị số 5, 7, 8.
Về tiêm vắc xin, qua 4 đợt tiêm chủng, tổng số lượt người đã được tiêm là 991.322, trong đó 943.215 người tiêm mũi 1 và 48.107 người tiêm mũi 2.
05 nhóm giải pháp trọng tâm được tập trung triển khai trong thời gian tới
Về các giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh 05 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, về tổ chức xét nghiệm: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP phối hợp với Viện Pasteur, Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các trung tâm y tế đánh giá các vùng dịch tễ dựa trên số liệu các ca bệnh, lập bản đồ dịch tễ và phân vùng nguy cơ, từ đó đề xuất địa phương lên phương án tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm và quyết định khu vực nào cần phong tỏa, khu vực nào cần xét nghiệm tầm soát diện rộng… Tổ chức các đội điều tra dịch tễ truy vết nhanh các trường hợp F0, tìm kiếm tất cả F1 trong thời gian sớm nhất. Thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đồng thời thực hiện xét nghiệm (mẫu gộp 5) ở phạm vi tổ dân phố, mở rộng khu phố…
Đồng thời, tầm soát cộng đồng trọng tâm, trọng điểm bằng xét nghiệm PCR mẫu gộp 10 đại diện hộ gia đình và đảm bảo trả kết quả mẫu đơn trong vòng 12 giờ, mẫu gộp trong vòng 24 giờ. Lặp lại xét nghiệm tầm soát để tiếp tục loại bỏ nguồn lây lan trong cộng đồng (khu vực phong tỏa 2-3 lần/ngày; khu vực có nguy cơ cao 5-7 lần/ngày).
Thứ hai, về điều trị: tiếp tục kế hoạch ứng phó của khối điều trị khi TP có 20.000 trường hợp nhiễm COVID-19, và chuẩn bị phương án cho 50.000 giường điều trị COVID-19.
Thứ ba, về tiêm vắc xin: Chiến dịch tiêm 1,1 triệu liều dự kiến được thực hiện trong vòng 2-3 tuần, được triển khai đến TP Thủ Đức và các quận – huyện với 312 phường xã, mỗi phường xã tối thiểu tổ chức 02 điểm tiêm, hoạt động từ 8 giờ đến 20 giờ mỗi ngày, mỗi điểm tiêm chủng tiêm cho 120 người/ngày. Tổ chức tiêm vắc xin đảm bảo giãn cách và yêu cầu 5K, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công tác tổ chức, hạn chế tập trung đông người.
Thứ tư, đảm bảo việc vừa cách ly vừa sản xuất: thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm hàng ngày tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; cập nhật đánh giá an toàn lên bản đồ chung sống an toàn với COVID-19. Đồng thời, tiếp tục tăng số lượng các doanh nghiệp vừa sản xuất vừa cách ly; các cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì lập tức dừng hoạt động.
Thứ năm, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chăm lo cho người nghèo, người yếu thế: vận hành hiệu quả đường dây nóng cứu trợ để chăm lo chu đáo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian TP áp dụng Chỉ thị 16; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động bị mất việc làm hoặc gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19
Cả nước vẫn đang mong chờ, tin tưởng và hướng về TPHCM cùng vượt qua đại dịch COVID-19
Nhấn mạnh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ rất quan tâm đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nhiệm kỳ mới vừa hoàn thiện được hơn 3 tháng nhưng đã có 5 cuộc làm việc với TPHCM, mong muốn mang lại hiệu quả thiết thực cho TP. Điều này khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của TPHCM đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.
Việc thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 là một quyết định khó khăn nhưng với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự ủng hộ đồng thuận của người dân, qua 03 ngày triển khai, biện pháp này đang có hiệu quả bước đầu.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá rất cao sự nỗ lực, quyết tâm của TPHCM, nhất là sự quyết liệt của chính quyền và sự vào cuộc của Nhân dân để thực hiện thành công “Mục tiêu kép” 06 tháng đầu năm 2021 với các chỉ số tăng và ổn định trên hầu hết các lĩnh vực; quốc phòng - an ninh được đẩy mạnh, tăng cường; các hoạt động khác vẫn được triển khai đúng kế hoạch và hoàn thành tốt trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Có được kết quả này, theo Thủ tướng, nguyên nhân chính là nhờ việc TPHCM chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương; sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn của cả hệ thống; tranh thủ sự vào cuộc, chia sẻ của doanh nghiệp và người dân; sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của TPHCM với các Bộ - ngành và các tỉnh, thành lân cận.
Tuy nhiên, trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh vẫn tồn tại một số hạn chế, lúng túng, Thủ tướng mong muốn Nhân dân cùng chia sẻ với TPHCM và với Chính phủ.
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, TPHCM đã đi đúng hướng và quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19; mục tiêu ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng của nhân dân. Đồng thời, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm; triển khai tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19 bình đẳng với mọi người dân theo thứ tự ưu tiên mức độ nguy cơ của các vùng, địa điểm, không để xảy ra tiêu cực gây mất trật tự an toàn xã hội; quyết tâm không để cuộc sống người dân đảo lộn nhiều và không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cả nước vẫn đang mong chờ, tin tưởng và hướng về TPHCM cùng vượt qua đại dịch COVID-19.
Theo đó, TPHCM cần bình tĩnh, xem xét mọi tình huống để đưa ra quyết định sáng suốt; càng khó khăn càng phải giữ vững nguyên tắc đoàn kết, thống nhất, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện. Các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phần nhiều là chưa có tiền lệ, vì vậy phải căn cứ diễn biến thực tế của dịch bệnh để điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền vận động doanh nghiệp và người dân cùng đồng hành, chia sẻ với TP; tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp của các Bộ - ngành, doanh nghiệp, tổ chức, các nhân trong và ngoài nước. Phải xem khó khăn, thách thức lần này là cơ hội để trưởng thành, để khẳng định mình từ các cấp cơ sở.
Chính phủ đồng tình với các biện pháp TPHCM đang triển khai. Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị TPHCM thực hiện tốt hơn nữa, kịp thời hơn nữa công tác chăm lo cho các đối tượng khó khăn, người lao động mất việc, người dân nghèo… Thiết lập các kênh tiếp nhận kiến nghị, đề xuất, cứu trợ; dứt khoát không được bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ nào trên địa bàn.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16; tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Chỉ đạo quyết liệt trong công tác cứu chữa cho bệnh nhân; tăng cường trang thiết bị, nguồn nhân lực trong cấp cứu, nhất là các ca bệnh nặng; đi đôi với việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho lực lượng tuyến đầu.
Trong công tác tiêm vắc xin và cung cấp vắc xin, Trung ương tiếp tục ưu tiên khoảng hơn 25% tổng số lượng vắc xin cho TPHCM nhưng TP cần lưu ý về hiệu quả triển khai chứ không nên chạy theo tốc độ, số lượng. Công tác lấy mẫu xét nghiệm cũng cần nâng cao tính an toàn và hiệu quả.
Các cấp các ngành của TP cần kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tập thể làm tốt và nghiêm túc kiểm điểm các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. Chống dịch hiệu quả để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; sản xuất kinh doanh phải trong điều kiện đảm bảo an toàn với dịch bệnh.
Cùng với việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ - ngành, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng trực tiếp làm việc với lãnh đạo TPHCM nếu có yêu cầu, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp hiệu quả.
Công tác truyền thông phải đảm bảo chính xác, kịp thời và tích cực; góp phần cùng chính quyền vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn đồng hành và hỗ trợ TPHCM trong mọi tình huống.
Trước đó, cũng trong chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 03 địa điểm gồm: Khu cách ly F1 tại Khu tái định cư 38,4 ha, Chung cư R1, R2, R3 (phường An Khánh, TP Thủ Đức); phường Tân Phú, TP Thủ Đức; Trung tâm xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Cantral Park.
Tham gia cùng đoàn có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Bộ Trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình.