Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19

11:23 29/05/2021

(HMC) – Trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi giải pháp tích cực, toàn diện, phù hợp, hiệu quả hơn, sáng 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP

Tham dự tại điểm cầu TPHCM có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình;  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành Thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tham dự tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Huyền Mai
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tham dự tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Huyền Mai

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trước tình hình mới của dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị cần có giải pháp tích cực, mạnh mẽ, thần tốc và quyết liệt hơn để đẩy lùi dịch Covid-19, đặc biệt là tại thành phố lớn và các khu công nghiệp.

Dịch bệnh hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho biết, tính đến 6 giờ ngày 29/5, Việt Nam có tổng cộng 5.164 ca ghi nhận trong nước và 1.493 ca nhập cảnh. Bản tin sáng 29/5 của Bộ Y tế cho biết có thêm 87 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng Bắc Ninh và Bắc Giang chiếm 84 ca.

Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 3.594 ca ghi nhận trong nước và 211 trường hợp nhập cảnh. Có 8 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. 25 tỉnh, thành phố còn lại ghi nhận 3.578 ca mắc từ ngày 27/4 đến nay. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc cao là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, so với giai đoạn trước, dịch bệnh hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp hơn, các ca nhiễm khá đa dạng về hình thức lây nhiễm, nhiều nhất là lây nhiễm trong khu công nghiệp. Các chủng lây nhiễm được ghi nhận cũng rất đa dạng, phổ biến nhất là chủng của Ấn Độ. Đặc biệt, nước ta đã phát hiện chủng mới có sự lai tạo giữa chủng Ấn Độ và chủng Anh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dịch bệnh lần này có đặc điểm lây lan nhanh, phát tán mạnh và rộng trong môi trường không khí, nồng độ vi-rút trong dịch cầu học tăng nhanh, chu kì lây nhiễm nhiều vòng và tốc độ lây theo cấp số nhân. Từ đó, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát tình hình dịch bệnh tại một số địa phương.

Phân tích tình hình dịch tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho biết, chiều ngày 27/5, TP đã ghi nhận 36 bệnh nhân liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Dựa trên tình hình dịch bệnh, UBND TP đã ban hành văn bản yêu cầu từ 0 giờ ngày 28/5 tạm dừng thêm một số hoạt động như cơ sở làm đẹp, nhà hàng,...Bộ Y tế cho rằng đây là quyết định trên đúng đắn, đúng thời điểm.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng được Bộ Y tế đánh giá cao trong việc thực hiện quây rộng xét nghiệm nhanh, phong toả hẹp, cũng như các vấn đề chủ động trong công tác xét nghiệm.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mặc dù số ca mắc Covid-19 nằm rải rác trên nhiều khu vực nhưng các địa phương cơ bản đã kiểm soát được tình hình. Riêng Bắc Giang và Bắc Ninh, Bộ Y tế nhận định đây là vẫn là hai khu vực có nguy cơ cao và tiếp tục có ca mắc trong thời gian tới. Do đó, cần tập trung toàn lực trong công tác phòng chống dịch đối với hai địa phương này.

TPHCM phát hiện 4 ổ dịch mới

Phát biểu từ điểm cầu TPHCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin, đến nay, có 314 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM. Trong đó, 112 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 35,7%), 202 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 64,3%). Có 261 trường hợp điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ 83,12%, hiện đang điều trị 75 bệnh nhân dương mới.

Thành phố hiện phát hiện 4 ổ dịch mới gồm ổ dịch trong công ty quận 3, ổ dịch tại quán bánh canh ở quận 3, ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ổ dịch được phát hiện từ Bệnh viện Hoàn Mỹ. Các ổ dịch đang lưu hành cả 2 biến chủng siêu lây nhiễm trên thế giới là biến chủng Anh B.1.1.7 và biến chủng Ấn Độ B.1.617.2.

Đặc biệt, ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng do chủng Ấn độ đã ghi nhận 64 ca, trong đó có 37 người trực tiếp sinh hoạt hội truyền giáo. Ca bệnh đã xuất hiện tại hơn 50% số quận huyện của thành phố, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong Thành phố là rất cao; thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Huyền Mai
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Huyền Mai

Về nơi lây nhiễm, 55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo, 25% lây nhiễm tại nơi làm việc, 15% lây nhiễm trong gia đình, và 5% lây nhiễm trong quan hệ bạn bè.

Về biểu hiện bệnh, cả 4 ổ dịch mới đây đều được phát hiện qua sàng lọc bệnh nhân đến khám bệnh tại các cơ sở y tế; ngoài ra ổ dịch liên quan đến ca phát hiện tại bệnh viện Hoàn Mỹ không có yếu tố dịch tễ cho thấy có thể dịch đã lan truyền âm thầm trong thành phố mà không phát hiện được dù đã rất nỗ lực giám sát.

Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp, thành phố cũng ghi nhận 2 ca bệnh làm việc trong 2 khu công nghiệp lớn là Khu Công nghiệp Tân Bình và Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Ngoài ra có một số người sinh hoạt giáo phái này cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp. Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động. Môi trường làm việc và sinh hoạt tập thể tập trung rất đông người trong các khu công nghiệp là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng.

Tiếp tục giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh

Theo Chủ tịch UBND TP, trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch, giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Thành phố áp dụng các Bộ chỉ số an toàn phòng chống dịch của Thành phố và tổ chức hậu kiểm việc thực hiện các Bộ chỉ số an toàn. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc chủ động với các đối tượng có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu vực chợ, siêu thị; các cơ sở dịch vụ giải trí và các sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người....

Kiểm soát dịch bệnh đồng bộ, chủ động trên cả 3 đường: đường không, đường bộ, đường thủy. Nâng mức kiểm soát, sàng lọc dịch bệnh lên mức cao nhất tại Bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp và xét nghiệm định kỳ hằng ngày, hàng tuần, hằng tháng đối với các đối tượng có nguy cơ cao.

Thành phố cũng quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung và định kỳ giám sát các đối tượng cách ly tại nhà. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và giao chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thành phố nếu người cách ly tại nhà nhưng ra khỏi nhà. Tăng cường quản lý các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo; truyền thông, vận động để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người đứng đầu và của các hội viên.

Các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tổ chức khai báo y tế chặt chẽ, theo dõi tình trạng sức khỏe của người lao động, tìm hiểu nguyên nhân người lao động nghỉ làm để qua đó phát hiện sớm ca bệnh. Trong vận hành sản xuất mỗi doanh nghiệp chủ động điều chỉnh để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp tự xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể của chính đơn vị mình cho các tình huống dịch có thể xảy ra, phối hợp y tế địa phương xử lý.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh, phát huy mạnh mẽ vai trò Tổ Covid-19 cộng đồng, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng tới điều trị đã được kích hoạt, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu điều tra, truy vết, xử lý dập dịch, phát huy năng lực xét nghiệm 35.000 – 40.000 mẫu đơn/24 giờ và sẵn sàng phương án tổ chức điều trị 5.000 người bệnh. Tăng cường các biện pháp phòng thủ, đảm bảo an toàn tối đa phòng chống dịch trong cơ sở y tế, chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch bệnh lan rộng.

Tổ chức tốt công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên và đảm bảo tiến độ, tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong công tác tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia có chỉ đạo về biện pháp giám sát người đến từ những địa phương đang có nhiều ca bệnh trong cộng đồng để các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính khi mua vaccine cho nhóm đối tượng trong diện tiêm từ kinh phí do TPHCM bố trí.

Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục