Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử

21:11 26/08/2020

(HMC) - Chiều 26/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì “Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử”. Tham dự Hội nghị gồm Phó Chủ tịch Thường trực ủy ban, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, các địa phương. Chủ trì tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng cho rằng, mục đích hội nghị nhằm đánh giá về Chính phủ điện tử quốc gia. Đây là vấn đề lớn, mới, cấp bách để đưa đất nước phát triển. Thời gian qua, công việc này đạt được một số bước tiến như xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử chung của Việt Nam tăng 2 bậc (theo báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT năm 2020 của Liên Hợp Quốc công bố tháng 7/2020).Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tư còn nhiều tồn tại, bất cập nên cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đưa ra các chủ trương, biện pháp mới để tháo gỡ, thúc đẩy Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Thủ tướng mong muốn sẽ nhận được đóng góp thẳng thắn các giải pháp để làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong nhận thức, để đóng góp vào xây dựng Chính phủ điện tử.

Riêng TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian vừa qua, thành phố đang nỗ lực xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết là nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp thành phố.

Từ năm 2017, nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp như ban hành các văn bản, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Với nhiều giải pháp được thực hiện, từ năm 2017, tỷ lệ người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại thành phố đã có sự chuyển biến tích cực. Đến năm 2019, người dân thành phố đã thực hiện 717.717 hồ sơ trực tuyến, chiếm tỷ lệ 56%.

Bên cạnh việc tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thành phố còn đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TT về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích để tạo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia sử dụng các dịch vụ hành chính công.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức chủ trì tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Khang Minh
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức chủ trì tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Khang Minh

Về những nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện tích hợp các dịch vụ công trực tuyến thành phố lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ gửi và nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin Một cửa điện tử thành phố theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh, thành phố sẽ thực hiện kết nối các dịch vụ trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) để phục vụ công tác xây dựng Chính quyền điện tử, với trọng tâm là Kho dữ liệu dùng chung thành phố để hướng đến Chính quyền số.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những chia sẻ, đóng góp, nêu cao trách nhiệm của lãnh đạo Chính phủ, cùng đại diện một số bộ, ngành, đơn vị, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp… đóng góp vào xây dựng Chính phủ điện tử. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao tập đoàn doanh nghiệp công nghệ, các công ty kĩ thuật số Việt Nam có nhiều đóng góp trong các ứng dụng cung cấp thông tin dịch bệnh, khai báo y tế, các nền tảng học tập trực tuyến,.

Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải đặt mục tiêu đến hết năm 2020 đạt 30% về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ Thông tin - Truyền thông có trách nhiệm tổng hợp kết quả từng tỉnh, bộ để đánh giá, triển khai. Khẩn trương hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xin phép ban hành nghị định về định danh, báo cáo vào quý III/2020. Bộ Thông tin - Truyền thông có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, các bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ IV trong năm 2020, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển thế giới.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10/2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải làm gương về áp dụng Công nghệ thông tin.

Từ năm 2021, Chính phủ sẽ xếp hạng Chính phủ điện tử của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và công bố công khai. 

Về đề án Chính phủ số, Thủ tướng giao Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì, kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ, phát triển một số hạ tầng truyền dẫn, điện toán đám mây, nền tảng chuyển đổi số quan trọng. Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định về kiện toàn, nâng cấp các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin thành các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong tháng 12/2020..

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khuyến khích, hỗ trợ để các doanh nghiệp, các bạn trẻ có điều kiện tham gia xây dựng sáng kiến, sáng chế, đề xuất, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử ngày càng hiệu quả. 

Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục