Thủ tướng yêu cầu cụ thể hóa rõ trách nhiệm trong phòng, chống dịch

07:31 09/05/2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định, kể cả xem xét xử lý hình sự các trường hợp vi phạm, lơ là, thiếu trách nhiệm, không nể nang, né tránh trong phòng chống dịch.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 98/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Chiều 7/5/2021, tại trụ sở của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tham dự cuộc họp có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn trên cả nước.

Kiên quyết không để dịch lan diện rộng

Sau khi nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia báo cáo tình hình và một số biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau:

Tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới, đặc biệt là ở một số nước có chung đường biên giới với nước ta với số ca mắc bệnh và tử vong ngày càng tăng. Virus biến chủng mới xuất hiện có đặc điểm mạnh hơn, lây nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Trong nước, sau hơn 30 ngày không có ca nhiễm cộng đồng, hiện đã xuất hiện trên 160 ca nhiễm tại một số địa phương, thậm chí tại bệnh viện tuyến Trung ương.

Trong hơn một tháng qua, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia đã luôn bám sát tình hình, có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, quyết liệt cả trước và sau khi có lây nhiễm cộng đồng. Các bộ chức năng, các địa phương đã tích cực vào cuộc, tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo và có hiệu quả các biện pháp phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời, truy vết thần tốc, dập dịch quyết liệt.

Đến nay, có thể khẳng định tình hình dịch bệnh trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát, mặc dù nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở diện rộng là rất cao, luôn thường trực, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu cả hệ thống chính trị, người dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu (y tế, quân đội, công an) đã và đang ngày đêm không mệt mỏi, nỗ lực triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, các cấp ủy và chính quyền địa phương cần khắc phục ngay khuynh hướng: Chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi không có dịch trong cộng đồng; hoang mang, dao động, hoảng hốt, mất bình tĩnh khi dịch bùng phát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo họp trực tuyến toàn quốc trước diễn biến mới của dịch COVID-19. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo họp trực tuyến toàn quốc trước diễn biến mới của dịch COVID-19. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Các cơ quan chức năng, nhất là các lực lượng tuyến đầu cần phát huy kết quả và kinh nghiệm phòng, chống 3 đợt dịch bệnh trước đây, bình tĩnh, sáng suốt, bám sát tình hình thực tế, chủ động, tích cực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các biện pháp phù hợp, theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia, nhanh chóng kiểm soát tình hình, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, trong đó lưu ý một số nội dung.

Cụ thể hóa rất rõ phạm vi trách nhiệm, chủ thể chịu trách nhiệm 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý của chính quyền và huy động sự tham gia của nhân dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động phát huy nội lực với tinh thần: “Phòng” là cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định; “Chống” là cấp bách, quyết liệt, nhanh chóng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chuyển từ trạng thái phòng ngự là chủ yếu sang trạng thái kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phòng ngự và tấn công, trong đó lấy tấn công là chủ yếu, quan trọng; tăng cường ứng dụng công nghệ để giám sát, kiểm tra; thực hiện nghiêm phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình.”

Các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo tinh thần cấp trên kiểm tra cấp dưới, tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, bản, ấp; thôn, ấp, bản kiểm tra dòng họ, gia đình theo tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.

Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt về mọi mặt thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Người đứng đầu cần đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch.

Quan điểm của Chính phủ là: ghi nhận, biểu dương, kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch; đồng thời xử lý nghiêm theo đúng quy định, kể cả xem xét xử lý hình sự các trường hợp vi phạm, lơ là, thiếu trách nhiệm, không nể nang, né tránh.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 phải cụ thể hóa rất rõ phạm vi trách nhiệm, chủ thể chịu trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát và dễ đánh giá.

Sẵn sàng cho mọi tình huống trên từng địa bàn

Các bộ, cơ quan, địa phương phải đẩy mạnh phân cấp và thực hiện nghiêm trách nhiệm được giao bảo đảm chủ động, nếu có khó khăn phải kịp thời báo cáo Trung ương xem xét, giải quyết. Từng cấp, từng ngành phải chủ động có phương án, kịch bản và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, địa bàn quản lý. Tỉnh phải chủ động lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn bản ấp, tổ dân phố cũng phải tự lo cho mình; từng người dân phải có trách nhiệm chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và vì sức khỏe của cộng đồng, góp phần bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường chỉ đạo, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, nhất là các biện pháp theo Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ, các Công điện số 540, 541, 570 của Thủ tướng Chính phủ, các Thông báo số 81, 82, 89 của Văn phòng Chính phủ và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, trong đó: Khẩn trương, quyết liệt chấn chỉnh thực hiện việc cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe sau cách ly tập trung đối với người nhập cảnh bảo đảm đủ thời gian, đặc biệt là thực hiện nghiêm khâu bàn giao, tiếp nhận, theo dõi sức khỏe sau cách ly tại gia đình, nơi lưu trú.

Chính quyền địa phương, đặc biệt cấp cơ̛ sở phải thực hiện nghiêm việc theo dõi, quản lý người thuộc diện theo dõi sau cách ly trên địa bàn; siết chặt việc quản lý xuất nhập cảnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 540, 570; ngăn ngừa, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép, người nước ngoài cơ trú bất hợp pháp và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các bộ liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá lại việc kiểm soát nhập cảnh đối với người nước ngoài, khắc phục ngay các bất cập trong việc cách ly người nhập cảnh, quản lý người nước ngoài cư trú bất hợp pháp; tăng cường trách nhiệm của Bí thư cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở, huy động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và đặc biệt huy động, phát huy vai trò, tinh thần tự giác, làm chủ của nhân dân trong công tác này.

Công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cần được tăng cường kiểm tra, nhất là tại các nơi thường xuyên có tập trung đông người như bến xe, sân bay, cơ sở y tế, chợ, siêu thị, khu du lịch, cơ sở tôn giáo, đặc biệt tại các bệnh viện, cơ sở sản xuất, cơ sở lưu trú... yêu cầu thường xuyên tự đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn COVID-19; xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm (kể cả đối với cán bộ, công chức nhà nước), không nể nang, né tránh vì đây là công tác liên quan đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Đẩy nhanh việc mua, tiêm vaccine 

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm, năng lực cách ly trên địa bàn, bảo đảm đáp ứng các tình huống, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào vào sự hỗ trợ, chi viện của Trung ương, phát huy tính tự lực, tự cường, tự lo và tự chịu trách nhiệm; đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng dịch, đặc biệt cho các đối tượng tuyến đầu, thuộc diện ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021; giải thích rõ nguyên nhân của sự cố (nếu có) để nhân dân hiểu và yên tâm tiêm vaccine.

Các tỉnh quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo phân cấp, bảo đảm phạm vi áp dụng gọn, hẹp nhất có thể, hạn chế tối đa tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế và xã hội; lưu ý bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hóa, nguyên liệu sản xuất qua địa bàn giãn cách (rút kinh nghiệm giãn cách tại Chí Linh, Hải Dương hồi tháng 1 và tháng 2 năm 2021); không áp dụng biện pháp cực đoan quá mức cần thiết.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thực hiện việc giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 82/TB-VPCP ngày 29/4/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Y tế tiếp tục cập nhật, có phương án, kịch bản sẵn sàng cho mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; đẩy mạnh việc tìm kiếm, nhanh chóng liên hệ với các nước có vaccine để mua vaccine phòng dịch, đa dạng nguồn cung, bảo đảm có vaccine sớm nhất có thể và tiêm được cho nhiều người nhất có thể; đồng thời cương quyết chống tiêu cực, tham nhũng trong việc mua vaccine, xử lý nghiêm nếu xảy ra tiêu cực; khẩn trương ban hành các tiêu chí xác định các mức nguy cơ kèm theo các nhiệm vụ, giải pháp để trên cơ sở đó, Bí thư cấp ủy và lãnh đạo chính quyền các cấp xác định, quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên rà soát, cập nhật, hoàn thiện các quy định, quy trình phòng, chống dịch theo thực tiễn, kịp thời tháo gỡ, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Các bộ liên quan, Ủy ban Nhân dân các địa phương hết sức lưu ý việc bảo đảm các yêu cầu an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, thực hiện mục tiêu kép, trong đó có việc bảo đảm kết thúc năm học 2020-2021 an toàn; đặc biệt chủ động chuẩn bị phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện có dịch bệnh, báo cáo Trung ương, bảo đảm bầu cử an toàn, dân chủ, đúng luật, đúng quy trình, đạt kết quả cao nhất, để tìm được người tốt nhất, đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có phẩm chất, năng lực, uy tín để gánh vác nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông khách quan, trung thực, tích cực về tình hình dịch bệnh với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực,” kêu gọi nhân dân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sức khỏe cộng đồng, vì sức khỏe chính mình, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải gương mẫu, đi đầu, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; không để lặp lại việc “một người lơ là cả xã hội vất vả”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục