Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài

19:57 02/12/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục thực hiện mạnh mẽ việc kiểm soát chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 2/12, kết luận phiên họp Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch-Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính phối hợp triển khai gói hỗ trợ ngành hàng không du lịch; giảm thiệt hại trong lĩnh vực này bởi hàng không và du lịch chịu tác động nặng nề nhất trong năm nay.

Đạt mục tiêu tăng trưởng

Điểm lại tình hình trong tháng, Thủ tướng đánh giá, tháng vừa qua, Chính phủ đã triển khai nhiều hoạt động đồng bộ, quyết liệt. Nhờ đó, nhiều khả năng năm 2020, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5% và phấn đấu đạt 3% để thực hiện lời hứa trước Quốc hội, trước nhân dân; đồng thời khẳng định Việt Nam là nền kinh tế ở khu vực có tăng trưởng dương.

Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu khi CPI bình quân 11 tháng năm 2020 chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát 2020 là khả thi, chỉ ở mức 3,4 đến 3,5%. Hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục hồi nhờ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước tăng khá trong mùa mua sắm cuối năm. Dự kiến cả năm 2020 doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có thể tăng khoảng 3% so cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét hơn, thể hiện qua con số về việc làm lần đầu tiên tăng trong 11 tháng. Ngành chế biến, chế tạo tăng 11% so với cùng kỳ. Lĩnh vực chế biến và tìm thị trường mới có những thành công đáng mừng với 12 nhà máy chế biến sâu được xây dựng năm 2020. Tổng kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực nông nghiệp tăng khoảng trên 41 tỷ USD.

Với nhiều thị trường được mở ra, thặng dư thương mại xác lập kỷ lục mới đạt 20 tỷ đôla xuất siêu, kim ngạch hai chiều sẽ vượt mức so với năm 2019. Có thể nói, kết quả xuất nhập khẩu là một nỗ lực rất lớn, có hiệu ứng tích cực từ các hiệp định thương mại tự do được ký kết gần đây trong bối cảnh thương mại thế giới dự báo giảm khoảng 15% trong năm nay.

Giải ngân đầu tư công tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ với tốc độ giải ngân trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, với gần 80% kế hoạch năm, tăng trên 34% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định cùng với thặng dư thương mại cao, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối dồi dào.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được nâng cao. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, góp phần phục hồi xuất khẩu sang châu Âu, đặc biệt là Hiệp định kinh tế toàn diện khu vực RCEP sẽ có hiệu lực trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu, đầu tư, du lịch; là nhân tố quan trọng tiếp tục đẩy nhanh quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam.

Quyết liệt thực hiện mục tiêu kép

Về những vấn đề cần tập trung chỉ đạo trong tháng cuối năm, Thủ tướng đề cập đến nguy cơ hàng đầu từ đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước, nhiều khu vực. Thách thức thứ hai là căng thẳng thương mại và công nghệ cùng leo thang và khó dự đoán. Thứ ba, ngoài yếu tố địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt cũng có khả năng ảnh hưởng lớn đến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Ở trong nước, thách thức trực tiếp là bão, lũ. Hiện nay, ở khu vực như Quảng Nam, Đà Nẵng, Hội An, ngập lụt vẫn là báo động 3; thiệt hại nặng nề về người và của, ảnh hưởng đến đời sống người dân nhiều tỉnh miền Trung. Đặc biệt, ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh; không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ ban hành Công điện trên tinh thần quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, bảo vệ tốt sức khỏe của người dân đi đôi với hỗ trợ sản xuất an toàn bằng những cách làm phù hợp với từng địa phương.

Thủ tướng cũng đề nghị thúc đẩy mạnh mẽ hơn các tổ công tác triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án công nghệ vào Việt Nam. Ngoài ra, thúc đẩy  tín dụng tăng trưởng phấn đấu trên 10% bởi đây là một kênh rất quan trọng để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu vực Lô E, Lò Gốm (Phường 7, Quận 6). (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu vực Lô E, Lò Gốm (Phường 7, Quận 6). (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Trên thực tế, một bộ phận doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước. Do đó, các địa phương, các ngành phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ triển khai các gói hỗ trợ cho đến cải cách thủ tục hành chính; kiểm soát chặt chẽ tình trạng chuyển tải hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan.

Lưu ý về công tác điều hành trong tháng còn lại của năm 2020, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành triển khai tốt hơn nữa các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, tái bố trí dân cư, đưa người dân dần trở lại cuộc sống bình thường; khắc phục khẩn cấp sự cố hạ tầng, nâng cao năng lực theo dõi, giám sát, ứng phó thiên tai.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện mạnh mẽ việc kiểm soát chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả. Một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn phải tiến hành kiểm tra, đôn đốc thường xuyên hơn. Việc cách ly xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao cần tiến hành hợp lý, chặt chẽ, không làm quá rộng, tê liệt các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn trên tinh thần ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân.

"Quan trọng là kinh tế giải quyết việc làm của người dân nhưng chúng ta sa đà về kinh tế mà không chú ý bệnh tật thì cái giá phải trả rất lớn," Thủ tướng nói.

Về nhiệm vụ tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, Thủ tướng lưu ý việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường trọng điểm nhưng xuất khẩu chưa phục hồi tốt.

Song song với đó là thực hiện tốt hơn nữa việc giải ngân đầu tư công gồm cả vốn ODA nhưng đảm bảo chất lượng công trình; không được hình thức, lãng phí vốn đầu tư; gắn trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy phụ trách mảng công việc này.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tiếp tục thực hiện các cam kết, lời hứa của mình trước Quốc hội, Chính phủ đối với tiến độ thi công các công trình lớn như Sân bay Long Thành; cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI; tiếp tục cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng.

Đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa với quy mô trăm triệu dân thông qua các loại hình kinh doanh bán lẻ, du lịch, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống; đơn giản hóa thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ. Đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số Chính phủ điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ Fintech, xác thực điện tử và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cụ thể hóa bản đồ sạt lở các tỉnh miền Trung theo hướng chi tiết hơn chứ không phải là tỷ lệ 1/5.000 như hiện nay, khó thực hiện trên thực tế.

Thủ tướng cũng đề nghị cần có sáng kiến mới về kích cầu tiêu dùng nội địa, đưa hàng nông thôn lên thành thị, thúc đẩy sản lượng sản xuất, việc làm và tăng trưởng các vùng nông thôn.

Thủ tướng cũng giao ngành y tế cân nhắc sớm có đề án cải cách chính sách bảo hiểm y tế trẻ em dưới 16 tuổi theo tinh thần Luật trẻ em, trước mắt là đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.

Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý Bộ Công an có giải đáp cụ thể về pháo hoa và pháo nổ trong bối cảnh có nhiều cách hiểu chưa đúng về vấn đề này trong dư luận người dân, không đánh đồng khái niệm giữa pháo nổ và pháo hoa./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục