Thực hiện chính quyền đô thị TPHCM: Tăng cường giám sát bù để đảm bảo dân chủ

11:15 07/12/2020

Mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2021, theo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM (được Quốc hội thông qua vào ngày 16/11). Khi đó, TPHCM sẽ không tổ chức HĐND phường, quận. Câu hỏi đặt ra là cơ quan nào sẽ thực hiện quyền giám sát để đảm bảo quyền lợi của người dân?

Ủy ban MTTQ quận 10, TPHCM giám sát công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn
Ủy ban MTTQ quận 10, TPHCM giám sát công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn

Tăng trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Theo nghị quyết của Quốc hội, với mô hình chính quyền đô thị, HĐND TPHCM sẽ giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và thực hiện nghị quyết của HĐND TP trên địa bàn quận, phường thuộc quận. Đồng thời sẽ giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường thuộc quận, TAND quận, VKSND quận. Tuy vậy, yêu cầu tăng cường giám sát (do HĐND quận, phường không còn) là đòi hỏi cần đặt ra. Tại buổi quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM khóa XI do Thành ủy TPHCM tổ chức mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM, nhấn mạnh, khi TPHCM không tổ chức HĐND quận, phường thì phải tăng cường giám sát bù để đảm bảo dân chủ.

Thực tế, TPHCM đã có kinh nghiệm khi không tổ chức HĐND quận, phường. Do đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, HĐND TPHCM cùng với các tổ chức chính trị - xã hội phải tăng cường giám sát và có thêm các hoạt động đối thoại định kỳ ở cơ sở. Cùng với đó là phát huy hiệu quả hệ thống tiếp nhận thông tin của cấp ủy, chính quyền…

Bên cạnh tăng cường công tác giám sát, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân còn lưu ý, chính quyền cơ sở phải phản ứng nhanh hơn trước những vấn đề xảy ra trên địa bàn. Theo đó, khi người dân gặp vấn đề khó khăn như về rác thải, về an toàn hoặc có vấn đề liên quan đến dịch Covid-19… chính quyền phường, quận phải phản ứng kịp thời và giải quyết. Như vậy, đơn vị chịu trách nhiệm trước các vấn đề của người dân không phải là HĐND nữa mà là UBND phường, UBND quận. Trường hợp thực hiện tốt nhiệm vụ thì được biểu dương, khen thưởng. Nếu làm không tốt mà đã được nhắc nhở thì xem xét trách nhiệm người đứng đầu và có thể HĐND TP xem xét thay thế. 

Cụ thể, nghị quyết của Quốc hội quy định, HĐND TP sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND TP đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu HĐND TP trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND TP đề nghị Chủ tịch UBND TP xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Ngoài ra, đại biểu HĐND có quyền chất vấn chủ tịch UBND quận, chánh án TAND quận, viện trưởng VKSND quận.

Nâng cao vai trò của mặt trận

Về việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM đã xác định chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM, chỉ đạo, ngay từ đầu năm 2021, thành phố cần ban hành kế hoạch cụ thể, tập trung thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM theo Nghị quyết của Quốc hội. Tính đến khi bắt đầu mô hình chính quyền đô thị thì còn hơn 6 tháng, song đến nay các đơn vị liên quan đã xác định nhiệm vụ của mình. Trong đó, đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND TPHCM sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. 

Đồng chí Nguyễn Phước Hưng, Bí thư Quận ủy quận 2, nhấn mạnh vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng chí Lê Hoàng Hà, Bí thư Quận ủy Tân Bình, khẳng định: “Thẩm quyền, chức năng của Ủy ban MTTQ đã được quy định. Nhiệm vụ bây giờ là cần phát huy hơn”. Cụ thể là việc nâng cao vai trò, vị thế của Ủy ban MTTQ, nhất là ở phường để nâng cao chất lượng giám sát, góp phần đáp ứng yêu cầu “giám sát bù” khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Theo đó, chủ tịch Ủy ban MTTQ phường phải là thành viên ban thường vụ cấp ủy. Vì vậy, đối với những nơi đủ điều kiện thì cần xem xét bổ sung để đảm bảo tất cả chủ tịch Ủy ban MTTQ phường (hiện là thành viên cấp ủy) là thành viên ban thường vụ. 

Một giải pháp khác, theo đồng chí Lê Hoàng Hà là cần phát huy hơn chất lượng của hội nghị nhân dân. Quy định hiện nay, yêu cầu phải định kỳ tổ chức hội nghị nhân dân định kỳ ở khu phố, khu dân cư, ở phường. Sắp tới, hội nghị này cần được nâng cấp, do quận tổ chức, có đại biểu của nhân dân bầu trực tiếp ở khu phố, tổ dân phố tham gia.

Đồng chí TÔ THỊ BÍCH CHÂU, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM:

Phối hợp, phân vai giám sát

Thực tiễn những năm qua đã chứng minh đổi mới phương thức hoạt động, lấy công tác giám sát, phản biện xã hội làm động lực phát huy dân chủ nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Khi không tổ chức HĐND quận, phường, hệ thống MTTQ sẽ phát huy hơn nữa vai trò giám sát để góp phần đảm bảo quyền làm chủ, quyền giám sát của người dân. Cụ thể, MTTQ sẽ phối hợp, phân vai để thực thi quyền giám sát của người dân một cách nhịp nhàng, tránh chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ ngỏ những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc. MTTQ phối hợp để tổ chức nhiều hơn, hiệu quả hơn các cuộc tiếp xúc cử tri giữa đại biểu HĐND TP, đại biểu Quốc hội với cử tri thành phố cũng như các cuộc đối thoại trực tiếp với chính quyền và người dân.

Thời gian qua, sự tham gia của người dân xây dựng chính quyền ngày một hiệu quả, dân chủ ngày càng được mở rộng. Tại các địa phương, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn luôn được chú trọng, nâng cao. Qua đó đã kiến nghị, phản ánh đến các đơn vị chức năng khắc phục có hiệu quả. Những hình thức giám sát này cũng sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.

MAI HOA ghi

KIỀU PHONG/SGGP

Tin cùng chuyên mục