Lương thực là vấn đề trọng yếu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cộng với tình hình thời tiết không thuận lợi có thể ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng và nhu cầu lương thực của các nước trên thế giới nhưng Bộ vẫn chủ động các giải pháp nhằm đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo.
Diễn biến trong những tháng đầu năm cho thấy tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam tương đối thuận lợi, giá gạo xuất khẩu tăng cao đem lại lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người trồng lúa.
Tính đến ngày 15/3, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 1,298 triệu tấn, tăng 26,5% với giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Hiệp hội Lượng thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam ngày 20/3 là từ 418-422 USD/tấn; loại 25% tấm giá từ 403-407 USD/tấn; gạo Jasmine có giá từ 528-532 USD/tấn.
Giá bán loại 5% tấm so với với giá trung bình của tháng 2/2020 cao hơn từ 30-40 USD/tấn.
Giá lúa gạo trong nước cũng tương đối thuận lợi, trong tuần từ 5-12/3, các doanh nghiệp thu mua lúa tươi của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long tại ruộng với giá dao động 4.950-5.150 đồng/kg; giá lúa hạt dài dao động 4.950-5.500 đồng/kg.
Mặc dù có những thuận lợi trước mắt như vậy nhưng theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, nhiều hình thái thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên và tác động của mùa Đông ấm ở các tỉnh phía Bắc gây bất lợi cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất lúa gạo của cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra.
Tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, các kế hoạch nhằm chủ động công tác dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hóa; đảm bảo các doanh nghiệp triển khai đầy đủ các giải pháp bình ổn thị trường, kể cả dịch lan rộng trên địa bàn. Thành phố cũng chủ động đối phó các tình huống xảy ra với 3 kịch bản dự kiến.
Trước đó, Sở Công thương phối hợp sở ngành chức năng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tránh nguy cơ gây mất ổn định thị trường hàng hóa từ 3 nguồn chính: các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm từ 30 - 40% thị phần, các chợ đầu mối (mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60 - 70% thị phần và từ các doanh nghiệp khác chiếm 10 - 20% thị phần.
Trước mắt, tiếp tục chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý 1-2020 tăng 30-40% so với lượng thực hiện cùng kỳ năm 2019 trong trường hợp dịch bệnh lan rộng. Cụ thể, lương thực khoảng 3.319,9 tấn/tháng (ngắn hạn) và 9.959,8 tấn/3 tháng (dài hạn). Trứng gia cầm khoảng 62,4 triệu quả/tháng và 187,1 triệu quả/3 tháng. Thịt gia súc 2.224,7 tấn/tháng và 15.674,1 tấn/3 tháng. Thịt gia cầm hơn 11.780,6 tấn/tháng và 35.341,8 tấn/3 tháng…
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng cho biết các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã có kế hoạch ứng phó, đảm bảo cung ứng, sẵn sàng cung ứng vượt 30 - 50% kế hoạch của thành phố giao. Một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần đầu tư Vinh Phát Wilmar sẽ đảm bảo nguồn dự trữ mặt hàng gạo, duy trì cung ứng đến cuối năm 2020. Công ty TNHH lương thực Tấn Vương (mặt hàng gạo) đảm bảo cung ứng đến tháng 1-2021. Công ty cổ phần Acecook Việt Nam đảm bảo nguồn cung, duy trì cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến (mì, phở, hủ tiếu…) đến cuối năm 2020.
Hàng triệu khẩu trang được sản xuất mỗi ngày
Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP không thiếu kinh phí, không thiếu khẩu trang để phòng chống dịch. UBND phường xã phải chỉ được cho dân chỗ mua khẩu trang. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu quyết liệt thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, cách ly ngay từ đầu thì số ca nhiễm tăng sẽ không lớn; còn nếu đã nhiều ca nhiễm rồi thì kiên quyết ngăn chặn sẽ giảm được tốc độ tăng ca nhiễm.
“Nếu không hạn chế bằng biện pháp đeo khẩu trang, cộng với phát hiện khoanh vùng sớm để cách ly thì chỉ cần mất 2 tuần một thành phố có thể có 4.000 người nhiễm, 2 tuần tiếp sẽ có 12.000 người nhiễm” - Bí thư Nhân nhận định.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP không thiếu tiền cho phòng chống dịch, đặc biệt không thiếu khẩu trang. Khi học sinh đi học trở lại thì trong thời gian đầu, TP sẽ cấp khẩu trang miễn phí. TP cũng đã giao ngành công thương, Sài Gòn Co.op có trách nhiệm lo đủ khẩu trang cho người dân TP.
Theo Sở Công Thương TP, năng lực sản xuất của 20 doanh nghiệp (DN) sản xuất кнẩυ trang trên địa bàn là 2.532.000 cái/ngày. Trong đó, cung cấp cho bệnh viện 241.500 cái/ngày, nhà thuốc 364.000 cái/ngày. Lượng cung cấp cho các tỉnh, thành, hệ thống siêu thị, đại lý bán hàng là 1.926.500 cái/ngày.
Sở đã làm việc với Hội Dệt may thêu đan TP về chuẩn bị nguồn кнẩυ trang vải kháng khuẩn. Qua đó, kết nối Saigon Co.op và các DN sản xuất кнẩυ trang vải với số lượng lớn.
Theo đó, Saigon Co.op đã ký hợp đồng phân phối, cung ứng 1.500.000 cái khẩυ trang vải kháng khuẩn của Tổng Công ty X28 (Bộ Quốc phòng) đến ngày 20/2. Nhà bán lẻ này cũng đã ký hợp đồng 5.000.000 кнẩυ trang vải kháng khuẩn với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chia làm 2 đợt: đợt 1 đến ngày 29/2, cung cấp 3.000.000 cái và đợt 2 trong tháng 3 cung cấp 2.000.000 cái. Như vậy đầu tháng 2, Công ty Saigon Co.op đã tìm được nguồn cung ứng 6,5 triệu chiếc khẩu trang cho toàn TP, đây là chưa kể con số khẩu trang mới được sản xuất đến thời điểm 24/3/2020.
Theo VHO, trước diễn tiến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) ngày càng phức tạp, theo đó nhu cầu mua, sử dụng khẩu trang y tế của người dân TP.HCM ngày càng tăng cao. Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với các Sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra nhằm đảm bảo cung ứng và bình ổn mặt hàng này.
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng đã yêu cầu phòng y tế 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo cung ứng và bình ổn giá mặt hàng khẩu trang y tế, trong quá trình thanh, kiểm tra nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm trong hoạt động kinh doanh sẽ xử lý nghiêm và phải báo cáo về thanh tra sở ngày 6.2.
Tại cuộc họp về Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV của TP, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu các Sở, ngành phải tính toán đủ số lượng khẩu trang cần có để đáp ứng cho nhu cầu người dân trong mùa dịch. Bên cạnh đó phải xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh găm hàng, đẩy giá khẩu trang lên cao trong thời diểm dịch. Sở Công thương TP.HCM cho biết đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và Cục quản lý thị trường TP đã tổ chức 3 đoàn khảo sát làm việc với 13 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, qua đó cho thấy năng lực sản xuất khẩu trang của các doanh nghiệp này đạt 1,655 triệu khẩu trang/ngày.
Zing.vn cho biết, để đảm bảo người dân tiếp cận nguồn khẩu trang chất lượng, giá cả hợp lý, sáng 24/3, Sở Công Thương TP.HCM có văn bản gửi Sở TT&TT TP về việc cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn. Sở Công Thương cho biết, trước dự báo về tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối khẩu trang trên địa bàn đã đẩy mạnh sản xuất nhiều loại khẩu trang. Trong đó, các hệ thống siêu thị Co.opMart, VinMart, Lotte Mart, Big C, Aeon, Satra… cung ứng đầy đủ các loại khẩu trang vải kháng khuẩn cho người dân.
Sở Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện khẩn trương thông tin đến UBND phường, xã, Ban quản lý khu phố, ấp, Ban quản lý chợ truyền thống hướng dẫn người dân, tiểu thương đến các điểm bán lẻ gần nhất của các hệ thống này để mua khẩu trang vải kháng khuẩn chất lượng, giá cả hợp lý.
Trong trường hợp người dân phát hiện các hệ thống phân phối này không cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn, đề nghị thông tin về đường dây nóng của Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương qua các số điện thoại: 028 3829 1670 – 0909 495 868 – 0909 495 166 để kịp thời xử lý theo quy định.
Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 23/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã nhấn mạnh, TP đảm bảo không thiếu khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.