Tiền hỗ trợ đến được với người dân, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp

18:18 13/05/2020

Hơn 278.700 người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh đã nhận được khoản hỗ trợ. Về kinh tế các chuyên gia đề xuất phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tiền hỗ trợ đến được với người dân, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp
TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, doanh thu bán lẻ tăng trưởng ổn định trong 4 tháng đầu năm 2020. Ảnh: Cao Thăng/Báo Sài Gòn Giải Phóng

Hơn 324 tỉ đồng đã đến với 279.000 người dân

Theo báo cáo của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 12/5, có hơn 278.700 người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã nhận được khoản hỗ trợ với tổng số tiền hơn 324 tỉ đồng.

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ cho biết, Sáng 13-5, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Lê Tấn Dũng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại TP. Hồ Chí Minh về công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Theo đó, đến ngày 12/5, TP đã hoàn tất hỗ trợ 100% cho nhóm hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo riêng của TP với hơn 103.500 người. Đồng thời đã trao hỗ trợ cho 98,2% người có công với cách mạng (hơn 32.500 người), 96,5% cho người thuộc diện bảo trợ xã hội (hơn 120.000 người).

Đối với người bán vé số, TP đã hỗ trợ 18.455 người với mức 750.000 đồng/người. Quá trình rà soát cũng đã có thêm 6.685 người thuộc diện bán vé số được bổ sung vào danh sách nhận hỗ trợ và sở đã đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cho nhóm này 1 triệu đồng/người.

Đối với người lao động tự do làm các công việc khác như bán hàng rong, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, xích lô, lao động tự làm… bị mất việc làm, sở đã có tờ trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho khoảng 284.098 người.

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP, việc chi hỗ trợ cho nhóm này mất nhiều thời gian do theo quy định, người lao động bị mất việc làm phải có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn về việc không có thu nhập hoặc có thu nhập dưới chuẩn cận nghèo của TP (36 triệu đồng/người/năm).

Đồng thời có đến 40% người lao động tự do mất việc làm là người tạm trú. Theo quy định họ phải có xác nhận chưa nhận hỗ trợ của UBND phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (ở tỉnh, thành khác).

Ông Lê Minh Tấn nói thêm rằng việc chi hỗ trợ tại TP. Hồ Chí MInh bắt đầu muộn bởi sau khi Thủ tướng có quyết định 15 vào ngày 24-4, liền kề sau đó là dịp nghỉ lễ 30-4, Kho bạc Nhà nước không làm việc nên các quận huyện phải chờ đến ngày 4/5 mới bắt đầu chi hỗ trợ.

Hiện tại TP đã phân bổ hơn 640 tỉ đồng xuống các quận, huyện để thực hiện hỗ trợ và đang chuẩn bị bổ sung thêm 850 tỉ đồng.

Phát hành trái phiếu hỗ trợ doanh nghiệp

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, trước thực tiễn tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần lên kế hoạch nhanh để phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (CQĐP) với hai gói: một gói kỳ hạn ngắn để có thêm nguồn lực triển khai hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người lao động và doanh nghiệp (DN) ngay trong năm 2020; một gói kỳ hạn trung và dài hạn để triển khai thêm các dự án đầu tư công mới mà hiện chưa cân đối được nguồn vốn nên không triển khai theo quy hoạch trong năm 2021.

Nhiều lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu đang phục hồi sau dịch.
Nhiều lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu đang phục hồi sau dịch.

Tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong 4 tháng đầu năm đã sụt giảm mạnh và mức sụt giảm còn lớn hơn so với cả nước. GRDP của TP trong quý 1-2020 chỉ tăng 0,42%, theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (Tổng cục Thống kê sau đó tính lại với con số khoảng 1%), so với cùng kỳ, trong khi GDP cả nước tăng 3,82%. Sản xuất công nghiệp chế biến - chế tạo 4 tháng đầu năm cũng có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cả nước (trừ hai ngành là hóa chất và điện tử).

Trong các ngành kinh tế, hoạt động dịch vụ còn chịu tác động tiêu cực từ Covid-19 lớn nhất. Kinh tế TP. Hồ Chí Minh có tỷ trọng dịch vụ cao nên tác động cũng sâu rộng hơn. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP giảm 11,2% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ (trong khi cả nước chỉ giảm 4,3%). Doanh thu du lịch - lữ hành trong 4 tháng đầu năm của TP giảm 58,3% (cả nước giảm 45,2%, Hà Nội giảm 51,2%, Đà Nẵng giảm 41,4%, Khánh Hòa giảm 59,5%, Quảng Ninh giảm 58,5%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 62,5%).

Một điểm tích cực là doanh thu bán lẻ của TP vẫn có tăng trưởng, mặc dù thấp nhưng cao hơn cả nước và nhiều địa phương khác. Doanh thu bán lẻ trên địa bàn TP trong 4 tháng đầu năm tăng 2,9% (cả nước chỉ tăng 0,4%). Nguyên nhân thứ nhất là nhu cầu mua sắm các sản phẩm thiết yếu và sức mua của bộ phận người dân trung lưu của TP vẫn là đáng kể. Thứ hai, TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực đảm bảo đầy đủ nguồn cung. Thứ ba, bán lẻ qua kênh trực tuyến được đẩy mạnh, thay thế cho sự suy giảm bán lẻ theo kênh truyền thống.

Như vậy, có thể thấy, với thông điệp từ Chính phủ và TP về việc khôi phục thị trường nội địa, đẩy lại thị trường bán lẻ, tạo tâm lý tiêu dùng thoải mái nhưng an toàn cho người dân trong điều kiện “bình thường mới”, thì sức mua của người tiêu dùng sẽ dần quay lại thị trường. Vấn đề cấp bách hiện nay là các biện pháp hỗ trợ từ phía cung đối với hoạt động sản xuất kinh doanh (với cả hai đối tượng là người lao động và DN) phải mạnh và đến đúng tay người nhận một cách nhanh chóng. Có thể nói, các biện pháp hỗ trợ trực tiếp (trong gói 62.000 tỷ đồng của trung ương và thêm các gói từ địa phương) là không đủ mạnh.

Đối với những chính sách hỗ trợ hiện nay, các DN vẫn có ý kiến chung là rất khó khăn chứng minh điều kiện chịu tác động tiêu cực của Covid-19 để được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, việc nới lỏng các điều kiện về chứng minh bị tác động tiêu cực, triển khai chính sách nhưng chuyển sang hậu kiểm, sẽ mở rộng mạnh phạm vi đối tượng được hưởng, song đòi hỏi có thêm nguồn lực. TP có thể phát trái phiếu CQĐP kỳ hạn ngắn. Nguồn thu từ trái phiếu CQĐP được dùng để bổ sung thêm nguồn lực triển khai mạnh và rộng hơn các hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người lao động mất việc; trực tiếp cho DN để duy trì lực lượng lao động, đảm bảo thanh khoản, chống nguy cơ phá sản và hỗ trợ lãi suất vào bảo lãnh tín dụng cho các DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên.

Đình Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục