Tiếp sức doanh nghiệp bất động sản

10:55 10/03/2020

Sau nhiều kiến nghị, hội thảo, nhiều khó khăn của doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đã được tháo gỡ. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chịu nhiều áp lực trước dịch bệnh, đây là những hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cho cộng đồng DN và thị trường BĐS. 

Một số dự án Novaland đang dần được tháo gỡ các vướng mắc. Ảnh: CAO THĂNG
Một số dự án Novaland đang dần được tháo gỡ các vướng mắc. Ảnh: CAO THĂNG

Giải quyết rốt ráo cho nhiều dự án 

Nằm đầu bảng về các dự án nhà ở có nguồn gốc đất công bị thanh tra, kiểm tra trong 2 năm qua, khá nhiều dự án của Novaland đã được “cởi xích”. Ông Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Novaland, cho biết, lãnh đạo TP đã lắng nghe kiến nghị của Novaland và dần tháo gỡ vướng mắc tại các dự án. Dự án Khu chung cư Cô Giang (tại số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1) đã được UBND TP giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng. Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 đã được UBND TP, Sở TN-MT phê duyệt tiền sử dụng đất của dự án.

Dự án Khu cao ốc căn hộ thương mại tại phường Thảo Điền (quận 2), dự án Cao ốc thương mại và căn hộ tại số 1W Điện Biên Phủ (phường 25, Bình Thạnh) đã được Sở TN-MT chấp thuận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân. Ngoài ra, Dự án Khu chung cư cao tầng tại số 67 Mai Chí Thọ (phường An Phú, quận 2), 7 dự án tại khu vực quận Phú Nhuận cũng đang được Sở TN-MT và các sở ngành xem xét định giá tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân…

Đối với trường hợp dự án bị vướng đất công xen cài, cũng từng bước tháo gỡ, như trường hợp dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy tại phường Phú Thuận, quận 7. Theo đó, diện tích khu đất có 77.354,8m2, trong đó có 1.758,5m2 đất công nằm rải rác trong dự án, gồm đất rạch, đất thu hồi để mở đường giao thông khu vực... Vì vướng đất công trong ranh dự án mà công ty chưa được cấp sổ đỏ, không được giao đất để triển khai, thực hiện dự án, dẫn đến vô vàn khó khăn cho doanh nghiệp. Khó khăn này nêu lên tại cuộc họp lần trước, đến nay được giải quyết rốt ráo.

Còn nhiều dự án chờ được hỗ trợ

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn trong lĩnh vực đất đai, việc giải quyết nêu trên của TP là tích cực. Tuy nhiên, thực tế còn rất nhiều vướng mắc, có việc sự vụ, có việc liên quan đến thay đổi của pháp luật, tạm chia làm 2 nhóm chính như sau.

Đối với nhóm vướng mắc, thuộc thẩm quyền xử lý của TP, như trường hợp của Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long. Trúng đấu giá đất từ năm 2004, bao gồm 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, chủ đầu tư đã thanh toán toàn bộ tiền trúng đấu giá, nghĩa vụ tài chính đối với các khu đất theo đúng quy định và được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án.

Tuy nhiên, đến nay, tại Phân khu số 15 vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời, dẫn đến hơn 16 năm qua công ty không thể triển khai dự án. Chủ đầu tư đã có rất nhiều văn bản gửi UBND TP, UBND huyện Nhà Bè và các sở ngành kiến nghị giải quyết; UBND TP cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về nội dung này. Gần đây nhất, UBND TP đã có Thông báo kết luận số 60/TB-VP ngày 12/2/2019, giao UBND huyện Nhà Bè thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. 

Nhóm vướng mắc lớn nhất hiện nay thuộc về lĩnh vực đất công, thuộc thẩm quyền xử lý của trung ương. Loại đất công đầu tiên là đất có nguồn gốc từ nhà nước quản lý, theo quy định phải đấu giá, nhưng trước đây các cơ quan chức năng lại giao chỉ định, dẫn đến dự án bị dừng lại để xem xét lại pháp lý. Trong tổng số 158 dự án thuộc diện đất công bị rà soát cơ sở pháp lý thì các cơ quan chức năng đã cho phép 124 dự án vận hành trở lại. Loại thứ 2, đó là những rẻo đất như kênh mương nội đồng, lối mòn… nằm xen kẹt trong dự án được xếp vào diện đất công. Hiện nay vẫn chưa có phương án xử lý, tốn rất nhiều giấy mực “kiến nghị”, “đề xuất”, “kêu cứu”… 

Vướng mắc của các dự án BĐS là cụ thể, truy được rõ trách nhiệm của từng cơ quan thụ lý hồ sơ, chứ không hề nói chung chung. Ở đây, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nếu thẩm quyền TP thì TP xử lý; còn thẩm quyền thuộc trung ương thì thuộc bộ nào, cơ quan đó phải có trách nhiệm giải quyết. Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ nhận xét: “Thực tế có sự hiểu đất công rất khác nhau, khi thuật ngữ đất công không có trong Luật Đất đai. Trong trường hợp này, tôi thấy rất không hay. Luật Đất đai ra rồi, nghị định, thông tư có đầy đủ nhưng tại sao áp dụng pháp luật lại như vậy? Các cơ quan phải hướng dẫn thi hành, chứ không thể bắt buộc cuộc sống dừng lại để chờ nghiên cứu luật được. Trong trường hợp các bộ, Chính phủ không xử lý được thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đơn vị cao nhất phải có trách nhiệm giải thích pháp luật”.

LƯƠNG THIỆN/SGGP

Tin cùng chuyên mục