Xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, phiên họp lần này nghe báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội tháng đầu tiên của năm 2021 và công tác phòng chống dịch COVID – 19; công tác chuẩn bị Tết… Đồng thời thảo luận các giải pháp tăng cường thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021 trên các lĩnh vực.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ cuối tháng 1/2021 đã xuất hiện lại một số ca COVID – 19 trong cộng đồng. Hiện có 10 tỉnh, TP có ca bệnh mắc COVID – 19. Thời gian qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID – 19, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đã chỉ đạo đồng bộ quyết liệt, vào cuộc với các biện pháp, chủ trương đúng, kịp thời. Bộ Y tế đã báo cáo với Chính phủ chủ trương tăng cường lực lượng, truy vết, xét nghiệm diện rộng, kiểm tra đôn đốc quyết liệt. Đến nay, có thể nói đã chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình, tuy nhiên dịch bệnh diễn biến vẫn rất phức tạp, không thể chủ quan, lơ là...
Liên quan đến những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội trong tháng 1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các chỉ số kinh tế trong tháng 1 đạt được rất quan trọng, như: Sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 ước tính tăng tới 22,2% so với tháng 1/2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%. Xuất, nhập khẩu tăng hơn 45%, đạt mức tăng kỷ lục và đã xuất siêu… Kinh tế vĩ mô nước ta ổn định trong tình hình thế giới có nhiều biến động.
Đề cập đến diễn biến ổ dịch COVID -19 tại tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, cần tiếp tục chỉ đạo các giải pháp phù hợp. Vấn đề là tận dụng thời cơ, tạo môi trường đầu tư, thu hút các nguồn vốn, trong đó có các tập đoàn công nghệ. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không đảo ngược chính sách, tiếp tục thúc đẩy cởi mở hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài làm ăn thành công ở Việt Nam… Chúng ta phải tiếp tục điều hành vĩ mô tốt, ổn định, tạo niềm tin cả kinh tế và y tế. Thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý phải chăm lo Tết cho Nhân dân chu đáo, nhất là vùng thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng bị phong tỏa do có dịch. Rà soát lại việc chuẩn bị các nguồn lực bao gồm các siêu thị lớn, các TP lớn, đặc biệt là các địa phương, như chuẩn bị hàng hóa dồi dào, an toàn, kiểm soát tốt giá cả, chống đầu cơ…
Đề xuất thực hiện khai báo y tế bắt buộc
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đợt dịch COVID – 19 này bắt đầu từ 25/1 và diễn biến khá nhanh. Đến nay đã ghi nhận 270 ca bệnh tại 10 tỉnh, TP. Trong đó, tỉnh Hải Dương có 204 ca, Quảng Ninh 31 ca, TP Hà Nội có 19 ca, Gia Lai có 6 ca, Bắc Ninh có 3 ca; Hoà Bình, Bình Dương mỗi địa phương có 2 ca; Hải Phòng, TPHCM, Bắc Giang, mỗi địa phương có 1 ca.
Riêng trong sáng nay, ghi nhận thêm 1 ca tại Cẩm Giàng, Hải Dương; 3 ca tại Đông Triều, Quảng Ninh; 1 ca tại Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, qua việc lấy 11 mẫu tại miền Bắc và 1 mẫu tại TPHCM cho thấy chủng virus này tương đương biến chủng của Anh nên tăng khả năng lây nhiễm rất cao. Tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với trước đây; tỷ lệ lây nhiễm virus tăng 70% so với trước đây nên chỉ trong thời gian ngắn đã phát hiện một loạt các ca nhiễm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay khi phát hiện các ca bệnh trong đợt này, Bộ Y tế đã tăng cường chi viện cho Hải Dương. Hiện đã có 1.200 cán bộ y tế hỗ trợ Hải Dương. Đến nay, Hải Dương đã có thể tự chủ động thực các xét nghiệm. Năng lực xét nghiệm tại Hải Dương là 15.000 mẫu và có thể 25.000 mẫu trong thời gian ngắn. Việc lấy mẫu và xét nghiệm tại Hải Dương đã được đáp ứng. Đối với việc phong tỏa TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là biện pháp mạnh cần thiết và đã có hiệu quả. Đến nay, ngành y tế đã tiến hành lấy mẫu trên diện rộng 20.000 mẫu tại Quảng Ninh, hơn 30.000 mẫu tại Hải Dương và Hà Nội lấy 30.000 mẫu.
Do đặc điểm virus lần này, Bộ Y tế kiến nghị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó cần có quy định đeo khẩu trang toàn bộ và bắt buộc; cần hạn chế tập trung đông người; tập trung phòng chống dịch tại khu công nghiệp, nhà máy, bệnh viên, chung cư, cơ quan, đơn vị;…
Bên cạnh đó là có thể xem xét tạm dừng một số sự kiện tập trung đông người không cần thiết, không có biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Khuyến khích các địa phương tăng cường khoanh vùng, lấy mẫu điều phối xét nghiệm nhanh, phát hiện các trường hợp F1, F2…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị, phải tăng cường thực hiện các biện pháp đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng trong phòng chống dịch COVID – 19, thực hiện khai báo y tế bắt buộc thay vì tự nguyện như hiện nay.