Tiếp tục tuyên truyền để người dân tin tưởng vào các giải pháp chống dịch đang được triển khai

21:09 10/04/2020

(HMC) - Ngày 10/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã tổ chức giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi giao ban.

Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh
Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh

Tham dự tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có các đồng chí: Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP; Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.

Minh bạch thông tin về dịch bệnh COVID - 19

Tại buổi giao ban, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã chủ động áp dụng một loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn. Cụ thể là, lần đầu tiên chúng ta áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Ngay từ đầu, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp phải cao hơn một mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, Việt Nam luôn công khai minh bạch tất cả thông tin về dịch bệnh COVID-19, không giấu dịch; thông tin được cập nhật kịp thời cho người dân biết từ công tác xét nghiệm, thông tin các ca bệnh, các vấn đề về dịch tễ..

Đến cập đến việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc này có vai trò quan trọng trong thời điểm hiện nay. Cần tiếp tục tuyên truyền để người dân yên tâm ở nhà; nâng cao nhận thức, hiểu được ở nhà không những phòng bệnh cho mình mà phòng bệnh cho người khác. Cùng với tiếp tục thông tin Chỉ thị 16, công tác truyền thông cần lên án mạnh mẽ những thông tin không đúng, tin đồn thất thiệt gây hoang mang cho dư luận xã hội; xử lý ghiêm các trường hợp này. Hiện nay, số ca nhiễm có xu hướng chậm lại hoặc giảm nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là; cần tăng cường truyền thông để người dân không lơ là mất cảnh giác.

Về công tác điều trị, ngành y tế đã rất nỗ lực, tập trung thầy thuốc giỏi nhất, phương tiện hiện đại nhất và sự tận tụy đội ngũ y bác sĩ của các bệnh viện cố gắng để chữa bệnh và chiến đấu với dịch Covid-19. Đến nay Việt Nam chưa có ca tử vong nào.

Trong công tác cách ly, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, tới thời điểm này tại 140 điểm cách ly tập trung của Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận hơn 66.000 người. Các khu cách ly này không có tình trạng lây nhiễm chéo, công tác hậu cần được đảm bảo tốt. Từ nay đến ngày 15/4 các điểm cách ly của quân đội cơ bản hết người cách ly của đợt này.

Nhân dân có vai trò quan trọng hàng đầu

Phát biểu chỉ đạo buổi giao ban, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong công tác chống dịch COVID-19 thời gian qua. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế phải có cơ chế để đội ngũ phóng viên được trang bị các đồ bảo hộ vào các nơi tác nghiệp an toàn; các trụ sở cơ quan báo chí phải tẩy độc, khử trùng theo quy định để đảm bảo an toàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:Chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:Chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đồng chí nhấn mạnh, Việt Nam là nước có nguy cơ cao về lây nhiễm Covid-19 vì dân số đông. Nhưng đến hôm nay, Việt Nam đứng thứ 103 trên thế giới và chưa có người tử vong vì Covid-19. Điều đó nói lên chúng ta đã có sự lãnh đạo đúng, có sự thực thi đúng. Khi đã đúng thì phải có lòng tin để tiếp tục thực hiện.

Trong 3 tháng triển khai phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã rất chủ động, lường trước tình huống xấu hơn để nó không xấu đi, xấu nhất để nó không diễn ra, chuẩn bị đầy đủ các kịch bản. Các diễn biến đều được dự báo và các ca số nhiễm bệnh thấp hơn so ngành y tế và các chuyên gia dự báo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, 5 nội dung: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch là đúng và phải kiên định. “Với điều kiện thực tế của Viêt Nam chiến lược đầu tiên là ngăn không để nhiều người nhiễm bệnh. Nếu không may đã nhiễm không để nặng lên.” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đan nói.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, điểm mạnh của Việt Nam là đã có cơ chế thiên tai, chống lụt, lũ bão cực tốt với phương châm 4 tại chỗ. Cùng với đó là sự vận hành tốt từ các địa phương; hệ thống chính trị mạnh và có lực lượng quân đội nhân dân tham gia chống dịch ngay từ đầu. Phải nhìn cái mạnh, cái yếu của mình, căn cứ điều kiện thực tế của Việt Nam để thực hiện công tác phòng chống dịch. Một trong những điều quan trọng là chúng ta đã xác định nhân dân có vai trò quan trọng hàng đầu trong chống dịch. Càng ngày càng thấy các nguyên tắc này là đúng.

“Chúng ta rất tin đã có biện pháp đúng và tiếp tục làm. Báo chí cần tiếp tục tuyên truyền để người dân tin tưởng vào các giải pháp được triển khai mà trực tiếp nhất bây giờ là Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; tuyệt đối không được chủ quan.” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề điều trị, Phó Thủ tướng cho rằng, có phác đồ điều trị và dù được cập nhật thường xuyên nhưng đó cũng là trên tờ giấy khô cứng, quan trọng là việc bác sĩ điều trị cho bệnh nhân. Mỗi một người bệnh thì thể trạng khác, bệnh nền khác, điều kiện khác, thậm chí tâm lý khác… Điều quan trọng hãy đặt niềm tin vào bác sĩ và lạc quan.

Tại buổi giao ban Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã có văn bản chỉ đạo thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Bí thư và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời trước diễn biến của dịch bệnh đã điều chỉnh thời gian kết thúc năm học sang 15/7/2020 và dự kiến lịch thi THPT Quốc gia lùi lại vào ngày 8-11/8/2020.

Theo Thứ trưởng, thời gian học sinh nghỉ học, Bộ có quan điểm “học sinh ngừng đến trường, nhưng không dừng việc học”. Ngành giáo dục đã đưa ra biện pháp cho học sinh học trực tuyến, học qua internet, học qua phòng học ảo và học qua truyền hình… Hiện chương trình học kỳ 2 được tinh giản. Theo đó giữ lại những nội dung nền tảng, cốt lõi của chương trình học kỳ 2, để giúp học sinh hoàn thành chương trình và xét lên lớp theo yêu cầu của chương trình năm học. Những vấn đề thiếu vắng trong kiến thức học kỳ này sẽ được bù vào đầu năm học mới.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm, thời gian qua, Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục – Đào tạo chuẩn bị phương án cho kỳ thi THPT Quốc gia. Bộ đã họp và chuẩn bị phương án để báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia. “Nếu tình hình dịch ổn định và học sinh có thể đi học lại càng sớm càng tốt vào ngày 30/5, chậm nhất là 15/6 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tính toán phương án để các em vẫn hoàn thành chương trình học tập. Sau đó, các học sinh lớp 12 sẽ có 3 tuần ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia”.

Ngược lại, nếu dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, học sinh đi học trở lại chậm hơn ngày 15/6 thì sẽ có nhiều khó khăn, Bộ sẽ có những thay đổi, điều chỉnh về kỳ thi THPT quốc gia. Những thay đổi này phải báo cáo với Thường vụ Quốc Hội để có sự cân nhắc và quyết định phù hợp.

Ng. Nam

Tin cùng chuyên mục