Tình hình dịch Covid-19 cơ bản kiểm soát tốt tại 11/13 tỉnh, thành phố

11:05 24/02/2021

(HMC) – Sáng 24/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ tổ chức họp trực tuyến với các Bộ - ngành, địa phương về tình hình dịch bệnh Covid-19, từ đó bàn về phương hướng kiểm soát, xử lý dịch trong thời gian tới. Tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo các Bộ - ngành Trung ương và các địa phương.

Tham gia tại điểm cầu TPHCM có Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố.

Chính phủ sẽ “chốt” một số vấn đề về phòng chống Covid-19 tại cuộc họp sáng nay

Khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận sự quyết liệt, kịp thời của các địa phương trong phòng chống dịch bệnh, nhờ đó, dịch Covid-19 cơ bản đã trong phạm vi kiểm soát. Đồng thời, vừa qua các địa phương đã có động thái tốt để tiêu thụ nông sản của Hải Dương. Riêng các địa phương khó khăn về tài chính ngân sách thì kịp thời báo cáo cho Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Chính phủ - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Theo đó, cuộc họp sáng nay Chính phủ sẽ chốt lại một số vấn đề như lưu thông hàng hóa ở vùng có dịch, vắc xin ngừa Covid-19. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo về vấn đề này, đây cũng là mong mỏi của dư luận xã hội và nhân dân cả nước. Đồng thời, công bố đối tượng ưu tiên và thời điểm bắt đầu tiêm vắc xin cũng như lộ trình tiêm đối với các đối tượng khác. Bên cạnh đó, dù có vaccine cũng cần chú ý công tác phòng bệnh, chữa bệnh với thông điệp 5K.

Ngoài ra, Thường trực Chính phủ cũng sẽ nghe kiến nghị của các địa phương để có quyết sách cụ thể đối với một số vấn đề để sớm mở cửa nền kinh tế trên cơ sở không chủ quan với dịch bệnh.

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến 6 giờ ngày 24/2, Việt Nam có tổng cộng 1504 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, riêng từ ngày 27/1 đến nay có 811 ca mắc mới tại 13 tỉnh, thành phố.

Trong đó, Hải Dương có 627 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (35 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TPHCM (36 ca), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (2 ca).

Cũng trong sáng nay có thêm 43 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.760 bệnh nhân Covid-19.

10 tỉnh, thành phố nhiều ngày qua không nghi nhận ca mắc mới, gồm: Hòa Bình (25 ngày), Điện Biên (20 ngày), Hà Giang (20 ngày), Bình Dương (19 ngày), Hưng Yên (17 ngày), Bắc Giang (15 ngày), Gia Lai (14 ngày), Bắc Ninh (13 ngày), TPHCM (12 ngày), Hà Nội (9 ngày).

Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch đã cơ bản kiểm soát tốt tại 11/13 tỉnh, thành phố, gần 2 tuần không ghi nhận ca mắc mới. Các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, khẩn trương quay trở lại lao động, sản xuất và duy trì các biện pháp phòng chống dịch ngay sau kỳ nghỉ Tết, không để xảy ra các tình huống phức tạp về dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Về vắc xin ngừa Covid-19, Bộ Y tế cũng cho hay, Cục Y tế dự phòng thực hiện phối hợp với Cục Dược cấp phép, lên kế hoạch phân phối và Cục Đào tạo (Bộ Y tế) theo dõi đánh giá hiệu quả. Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch tổng thể từ tập huấn, tuyên truyền cho đến lập danh sách các đối tượng được tiêm vắc xin. Vắc xin từ nguồn của COVAX Facility hỗ trợ là một nhánh trong kế hoạch tổng thể này. Bên cạnh đó còn có nguồn vắc xin được đặt mua ở nước ngoài. Dự kiến, cuối quý I, đầu quý II/2021 sẽ có 4,8 triệu liều đầu tiên về Việt Nam.

Bộ Y tế đã cấp chứng nhận cho 3 kho lạnh âm sâu đến -86°C, 51 kho lạnh từ 2-8°C của Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng hệ thống thiết bị vận chuyển vắc xin chuyên dụng với khả năng lưu trữ khoảng 170 triệu liều vắc xin.

Trước mắt, việc tiêm vắc xin miễn phí phải phân theo các nhóm đối tượng ưu tiên theo nguyên tắc ưu tiên cho những lực lượng tuyến đầu chống dịch và thực hiện trước ở những địa phương đang có dịch.

Tuy nhiên, tới đây vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ, tiến tới cơ bản về lâu dài người dân sẽ được tiêm miễn phí giống như trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, có phần nhỏ vắc xin dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả cao hơn.

Mặt khác, Chính phủ đang chỉ đạo triển khai vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước trên tinh thần rút ngắn các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo các khâu an toàn và hiệu quả trong sản xuất, phát triển vắc xin.

TPHCM quyết liệt các giải pháp kiểm soát, hạn chế tối đa các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập

Báo cáo với Thường trực Chính phủ, từ điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, từ ngày 27/1 đến nay, TP ghi nhận 45 ca nhiễm Covid-19, trong đó 9 ca nhập cảnh và 36 ca xuất hiện trong cộng đồng. Tuy nhiên, từ 10/2 đến nay (qua 14 ngày) TP không ghi nhận ca nhiễm mới.

Liên quan đến các ca bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP đã khẩn cấp truy vết xác định 2.496 trường hợp F1, F2, khoanh vùng, cách ly y tế, xét nghiệm kiểm tra. Thành phố cũng mở rộng tầm soát trên diện rộng cho 9.864 người trong cộng đồng. Kết quả, toàn bộ đều âm tính với Sars-Cov-2. Đến nay, TPHCM đã gỡ bỏ toàn bộ 35 địa điểm phong tỏa do liên quan đến dịch Covid-19.

Ngoài ra, Thành phố cũng triển khai kế hoạch giám sát người từ vùng dịch trong nước đến TPHCM sau Tết Nguyên đán. Tiếp nhận khai báo y tế, lấy mẫu ngẫu nhiên người từ các tỉnh thành khác về TP tại sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế, khu công nghiệp - khu chế xuất - doanh nghiệp. Hiện tại, đã tiếp nhận 156.644 trường hợp khai báo y tế, có 311 trường hợp chuyển cách ly tập trung, 35 cách ly tại nhà, còn lại tự theo dõi sức khỏe. Lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên tại sân bay, bến xe, ga tàu 10.574 trường hợp trong đó 10.463 âm tính, 111 đang chờ kết quả.

Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức báo cáo với Thường trực Chính phủ. Ảnh: Huyền Mai
Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức báo cáo với Thường trực Chính phủ. Ảnh: Huyền Mai

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chia sẻ thêm, trước diễn biến dịch bệnh trong nước vẫn còn phức tạp, nhất là để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra dịp sau Tết khi người dân khắp nơi trở về Thành phố học tập và làm việc, TPHCM triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào TP. Đồng thời, giám sát thường xuyên để phát hiện sớm nguồn bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng.

Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát theo quy định đối với thành viên các tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại TP; xét nghiệm đối với bệnh nhân Covid-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung, người sau cách ly về cư trú tại TP. Định kỳ lấy mẫu xét nghiệm giám sát nhân viên y tế, các quần thề cộng đồng có tiếp xúc/giao lưu nhiều, các trường hợp có triệu chứng để đánh giá nguy cơ lây nhiễm. 

TP cũng tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó tầm soát lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân luôn nâng cao cảnh giác để phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả trong thời gian sắp tới.

Tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Huyền Mai
Tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Huyền Mai

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục