Tình hình kinh tế, xã hội quý I/2021 phát triển tích cực so với cùng kỳ

19:34 31/03/2021

(HMC) – Chiều nay, 31/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2021. Đây được xem là phiên họp cuối cùng trước khi kiện toàn của các thành viên Chính phủ khóa 2016-2021.

Tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ - ngành Trung ương, các cơ quan của Đảng, Hội đồng Dân tộc Quốc hội và các Ủy ban Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, các Văn phòng Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND TP. Hà Nội. Tham dự tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cùng đại diện lãnh đạo các Sở ngành, các quận huyện và TP Thủ Đức.
Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan và Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan. Ảnh: Huyền Mai
Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan và Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan. Ảnh: Huyền Mai

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình kinh tế xã hội quý 1 phát triển tích cực so với cùng kỳ, nhiều yếu tố kinh tế xã hội tốt hơn. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh với gần 30 nghìn doanh nghiệp.

Vốn đầu tư xã hội đều tăng. Vốn FDI đăng ký mới tăng hơn 30%, đạt 7,2 tỷ USD. Thu ngân sách cũng tăng mạnh, do đó, bảo đảm cân đối thu chi cho các nhiệm vụ quan trọng, nhất là chi cho phòng chống dịch COVID-19 được bảo đảm tốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Xuất nhập khẩu tiếp tục phát huy, tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,7 tỷ USD, tăng 24,1% (cùng kỳ tăng 5,9%). Xuất siêu trên 2 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng ba tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016.

Việc thực hiện mục tiêu kép đạt kết quả khi chúng ta ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

“Chúng ta đã hoàn thành mục tiêu quan trọng không chỉ trong kinh tế mà cả về văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh đều được đảm bảo”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới với các biến thể mới nhưng bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam quý I/2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng 3,16%, năng suất lúa đạt khá, chăn nuôi phục hồi, sản xuất thủy sản khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng có dấu hiệu khởi sắc, đạt mức tăng 6,3%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính của nền kinh tế, tăng 9,45%, cao hơn cùng kỳ năm trước và tiệm cận mức tăng 2 con số ở thời điểm trước dịch bệnh. Khu vực dịch vụ tăng 3,34%, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa, đạt 6,8% so với cùng kỳ, cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân đang dần phục hồi trở lại.

Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thanh khoản thị trường được bảo đảm, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt được đấy mạnh. Trong tháng, Moody cũng đã nâng mức tín nhiệm của 15 ngân hàng, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, năng lực, điều hành tốt của toàn hệ thống.

Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được thúc đẩy. Giải ngân tháng 3 tăng mạnh, cao hơn 2 tháng đầu năm. Tính đến ngày 31/3/2021, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 60,75 nghìn tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (13,09%), trong đó vốn trong nước đạt 14,74%, vốn nước ngoài đạt 0,66%.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi tích cực. Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng dương. Tổng số vốn quý I đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, số vốn đăng ký mới và số vốn đăng ký điều chỉnh tăng mạnh, lần lượt tăng 30,6% và 97,4% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Chính phủ ngày 31/3. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Chính phủ ngày 31/3. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý II, kinh tế – xã hội nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Tăng trưởng kinh tế tích cực nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng cùng kỳ của các năm ở thời điểm trước dịch và các kịch bản đã đề ra; một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch lữ hành giảm sâu, lên đến 60,1%; hoạt động vận tải, hàng không bị tác động nghiêm trọng. Tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy tác động dai dẳng của dịch bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, tuy nhiên, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48%, tuy cao hơn mức tăng trưởng dự báo trong Báo cáo tháng 1/2021 nhưng vẫn thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.  

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% thì quý II/2021 GDP cần đạt mức tăng trưởng 7,19% (cao hơn 0,08 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); quý III cần tăng 6,78% (cao hơn 0,07 điểm phần trăm) và quý IV cần tăng 7,16% (cao hơn 0,49 điểm phần trăm)”.

“Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ đặt ra là khá nặng nề. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới và trong nước đã rõ ràng hơn, do vậy ngoài việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Khang Minh

Tin cùng chuyên mục