Kiểm tra, sàng lọc Covid-19 ở doanh nghiệp, ga tàu
Báo Thanh Niên đưa tin: Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC), tuần qua HCDC đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra 10 xí nghiệp, nhà máy tại quận Bình Tân, Thủ Đức và huyện Củ Chi, trong đó 5 doanh nghiệp có trên 3.000 công nhân.
Kết quả kiểm tra cho thấy có 3 đơn vị có chỉ số rủi ro lây nhiễm thấp, 7 đơn vị có chỉ số rủi ro trung bình. HCDC đề xuất các công ty có yếu tố rủi ro lây nhiễm trung bình tiếp tục hoạt động nhưng cần khắc phục những hạn chế nhằm cải thiện chỉ số rủi ro lây nhiễm và sẽ được kiểm tra đánh giá lại sau 7 ngày.
HCDC cũng đã triển khai xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất (500 mẫu/ngày), ga Sài Gòn (300 - 400 mẫu/ngày), khu lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận là 1.600 mẫu (lấy mẫu từ 10 - 12.4).
Quân khu 7 sẵn sàng tiếp nhận người cách ly trong giai đoạn 3
Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn còn hết sức phức tạp, do đó Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành trên địa bàn Quân khu 7 phải hiệp đồng chặt chẽ với nhau để tham mưu cấp ủy, địa phương tổ chức tiếp nhận, cách ly tập trung bảo đảm kịp thời, an toàn.
Trong giai đoạn 1, 2, xác định trong bất luận tình huống nào, Lực lượng vũ trang Quân khu 7 cũng phải đi đầu trong phòng chống dịch, các cơ quan, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về dịch bệnh và cách phòng chống hiệu quả.
Đến nay trên địa bàn Quân khu đã chuẩn bị 233 điểm, với năng lực cách ly trên 61.000 người, đã tiến hành cách ly trên địa bàn gần 33.000 người; thành lập 9 đội, 56 tổ cơ động phòng chống dịch, triển khai 230 giường bệnh sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân thuộc lực lượng Quân đội.
Phát huy kết quả đạt được của giai đoạn 1 và 2, trong giai đoạn 3, các cơ quan, đơn vị toàn Quân khu 7 tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về phòng chống dịch Covid-19; chuẩn bị tốt nhân lực, vật lực, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ ở cấp độ cao hơn. Tăng cường phối hợp với các lực lượng kiểm soát, nắm, bám và dự báo tốt tình hình từ đường hàng không, hướng Campuchia và hướng phát sinh trong nội địa.
Tiền điện tăng đột ngột
Theo phản ánh trên báo Tuổi Trẻ, nhiều người dân nhận hóa đơn tiền điện sử dụng trong tháng 3 cao đột ngột dù cho rằng mức sử dụng các thiết bị điện không thay đổi, thậm chí còn hạn chế sử dụng điều hòa.
Bà T.T.H. (chung cư Vạn Đô, quận 4) cho biết tháng 3 tiền điện nhà bà tăng lên 1,8 triệu đồng, trong khi tháng 2 là 1,2 triệu đồng dù gia đình sợ dịch nên cũng không thường xuyên dùng điều hòa. Đó cũng là phản ánh chung của các hộ khác tại chung cư này.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (quận 7) cũng nhận hóa đơn tiền điện tháng 3 với 305.000 đồng, trong khi tháng 2 chỉ 239.000 đồng. Theo chị Ngọc, 3 tháng nay chị đều làm việc ở nhà, mức độ sử dụng các thiết bị điện giống nhau và tiền điện các tháng trước đều khoảng 200.000 đồng trong khi tháng 3 tăng lên hẳn.
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP (EVNHCMC) - cho biết nhu cầu sử dụng điện tăng cao là hiện tượng “có tính quy luật” vào các tháng mùa khô. Mùa nắng nóng người dân sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, máy lạnh nên tiêu thụ nhiều điện.
Cùng với đó, kỳ hóa đơn tháng 4 (sử dụng điện tháng 3) có số ngày sử dụng điện nhiều hơn 2 ngày so với kỳ hóa đơn tháng 3 (tương đương 6,89%) cũng là nguyên nhân khiến lượng điện năng tiêu thụ kỳ này tăng.
Đồng thời, việc học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày cách ly xã hội cũng sẽ dẫn đến việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó.
Chợ online thành kênh mua sắm lớn trong đại dịch COVID-19
Thông tin từ Vietnamplus, ghi nhận thực tế tại thị trường TP. Hồ Chí Minh vào thời điểm này, chợ online sôi động hơn bao giờ hết, nhất là ở ngành hàng thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.
Nhiều người dân và các bà nội trợ với lợi thế món ngon nhà làm, cũng như có kinh nghiệm chăm sóc bữa ăn gia đình đã tham gia tích cực vào thị trường này.
Theo chị Quỳnh Liên ở quận Bình Thạnh, từ thời điểm ra Tết Nguyên đán đến nay, mỗi sáng thứ Bảy và Chủ Nhật được nghỉ làm, chị ở nhà nấu sữa đậu nành để bán kiếm thêm thu nhập. Hiện nay lượng khách hàng tăng lên đáng kể do người dân thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế ra đường nên có nhu cầu mua tại chỗ hoặc giao hàng giao tận nơi.
Tương tự, chị Trinh Nguyễn ở quận Bình Tân, chuyên phục vụ bữa trưa với món cơm hến nhà làm có mức giá 25.000 đồng/phần. Món cơm hến của chị nhận đơn hàng giao tận nơi trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh từ 2 phần trở lên đang rất hút khách.
Ở góc độ người tiêu dùng, anh Quốc Việt ở quận Thủ Đức cho rằng, những món ăn này thường được chế biến theo phương thức truyền thống và chỉ có đơn hàng thì mới làm chứ không làm sẵn hay đại trà, nên có phần yên tâm về chất lượng, dinh dưỡng, không sử dụng những chất bảo quản.
Ngoài ra, nhiều người dân ưu tiên lựa chọn món ngon nhà làm là do hương vị, cách chế biến không khác gì bữa cơm nấu ở nhà dành cho gia đình.
Băn khoăn công nhận kết quả học qua Internet
Đánh giá học sinh như thế nào, cho điểm ra sao, làm thế nào để kết quả phản ánh đúng năng lực của học sinh…, các giáo viên, nhà quản lý đang băn khoăn khi dạy và học qua Internet, trên truyền hình. Đó là nội dung của bài viết trên báo Pháp Luật TP.
Theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3: “Kết quả kiểm tra, đánh giá chỉ nên nhìn nhận như là một biện pháp chế tài chứ không thể nào đánh giá hết được toàn bộ năng lực của học sinh (HS). Cách làm này buộc các em phải chú ý, phải tham gia vào buổi học.”
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho hay đã học thì phải có kiểm tra, đánh giá, chính điều đó sẽ khiến HS có trách nhiệm với việc học. Nhưng quan trọng là cách thực hiện như thế nào để đánh giá đúng năng lực của HS.
“Việc đánh giá kết quả thường xuyên qua Internet, truyền hình khó có khả thi” - cô Phan Thụy Mộng Thu, giáo viên Trường THCS Lữ Gia, quận 11, chia sẻ. Theo cô Thu, hiện nay các trường sử dụng nhiều phần mềm khác nhau để dạy học online. Hơn nữa, hiệu quả của nó không giống như trên lớp nên để cho HS làm bài kiểm tra sẽ khó đảm bảo được tính trung thực của kết quả.
Trong khi đó, Sở GD&ĐT TP cho rằng: Các trường cần xây dựng hướng dẫn giáo viên sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình học của HS trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình thay cho các bài kiểm tra thường xuyên đúng quy định. Việc đánh giá bảo đảm công bằng, khách quan.
Khi HS đi học lại, các cơ sở cho HS ôn tập, bổ sung kiến thức, thực hiện kiểm tra định kỳ, học kỳ. Đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp HS củng cố kiến thức.
Kiểm tra các dự án đã có quyết định giao đất
Thông tin trên báo Người Lao Động cho biết, UBND Thành phố vừa có chỉ đạo xử lý các dự án đã có quyết định giao đất, thuê đất trong giai đoạn 2015-2019 trên địa bàn.
Theo đó, đối với các khu đất đã ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, UBND quận/huyện theo dõi và thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất của đơn vị đã được giao đất, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý các vi phạm về đất đai.
Đối với các khu đất đang hoàn tất thủ tục ký hợp đồng thuê đất, chưa cấp GCNQSDĐ, Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với tổ chức sử dụng đất để sớm hoàn tất các thủ tục có liên quan, hoàn tất việc cấp GCNQSDĐ và đưa đất vào sử dụng.
Đối với các khu đất đang thực hiện thủ tục xác định giá đất, đơn giá thuê đất, các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp thực hiện và thu nộp vào ngân sách nhà nước.
Đối với các khu đất đã xác định xong tiền sử dụng đất nhưng chưa nộp hoặc mới tạm nộp, các cơ quan chức năng thông báo cho người sử dụng đất thực hiện nộp ngân sách; xử lý hoàn tất trước ngày 31/5/2020.
Riêng các khu đất mà người sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai, UBND quận/huyện kiểm tra và lập biên bản hành vi vi phạm để xử lý.
Các khu đất chậm đưa vào sử dụng, đã có công trình nhưng để trống và chậm tiến độ xây dựng thì lập biên bản kiểm tra để làm rõ nguyên nhân và buộc có cam kết về tiến độ đưa đất vào sử dụng, đầu tư xây dựng.
Đường thủy nỗ lực phát triển cùng đường bộ
Một khi đường thủy trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phát triển, áp lực giao thông đường bộ hiện đang quá tải sẽ được san sẻ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay giao thông đường thủy vẫn chưa tương xứng với tình hình giao thông đường bộ. Nội dung được báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tải.
Một trong những khó khăn dễ thấy là tình trạng vướng các công trình vượt sông - vốn ra đời từ lâu, với tĩnh không, khẩu độ không đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, việc đầu tư các công trình, như xây dựng hệ thống kè chống sạt lở, chỉnh trang, nạo vét chưa được thực hiện đúng mức; chi phí duy tu bảo dưỡng còn hạn chế.
Sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy trong năm 2019 chiếm gần 40% vận tải đường bộ, nhưng tỷ trọng đầu tư cho đường thủy (trong 5 năm gần đây) chỉ bằng 5,4% đầu tư mạng lưới giao thông đường bộ.
Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, hiện chưa phải là thời điểm triển khai thực hiện giao thông đường thủy trên địa bàn bằng phương tiện cá nhân. Lý do là vẫn còn thiếu cơ chế pháp lý, phương thức quản lý loại hình này và cơ sở vật chất như bến bãi lưu đậu … Ngoài ra, hiện nay, quỹ đất dùng để đầu tư cho dịch vụ hậu cần kỹ thuật chưa nhiều; hành lang ven bờ sông tại nhiều nơi còn riêng lẻ, phân đoạn, chưa được kết nối thông suốt.
Tôi không muốn ai vì đói mà gục ngã
Sau một tuần ra đời chiếc “ATM gạo” đầu tiên ở quận Tân Phú, những “niêu cơm Thạch Sanh” đã nhanh chóng nhân bản. Máy số 2 đặt tại huyện Bình Chánh, máy số 3 đang lắp đặt tại quận 12. Những mô hình tương tự đã ra đời tận Huế, Đà Nẵng, Hà Nội…
Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1985), CEO của PHGLock phân phối khóa thông minh, khóa điện từ là người đã sáng chế ra “ATM gạo” đã có những chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ. Anh cho biết, sau mỗi lần nhấn nút, khoảng 1,5 đến 2kg gạo sẽ chảy ra. Sở dĩ chọn lượng gạo ấy vì anh nghĩ ngần đó là đủ cho một gia đình bốn người nấu cơm hai bữa trong một ngày. Anh nói: “Chúng ta giúp được ngặt chứ không ai giúp được nghèo. Trong lúc ngặt này, giúp duy trì nồi cơm là điều tối thiểu chúng tôi có thể làm”.
Máy tự động áp dụng kỹ thuật 4.0 nhưng vẫn có nhân viên điều khiển qua kết nối khi cần thiết. Vì vậy có một số trường hợp bấm máy nhưng gạo không chảy ra vì máy nhận diện không phải người thích hợp hoặc đã quay lại nhiều lần trong ngày.
Mặc dù công ty của mình cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thế nhưng Tuấn Anh vẫn nghĩ mình còn may mắn hơn những người lao động làm bữa nay ăn bữa mai nhiều.
Được biết, trước “ATM gạo”, Tuấn Anh đã tặng hàng trăm chuông cửa camera cho các bệnh viện dã chiến Củ Chi, Cần Giờ, Viện Pasteur; hàng ngàn chai nước rửa tay, khẩu trang cho các nhân viên vệ sinh của các công ty dịch vụ công ích….