|
UBND TP HCM được giao quản lý dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Ảnh: TTXVN |
Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Mộc Bài dài 53,5km
Báo Người lao động đưa tin: Dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có tổng chiều dài 53,5 km, 4 làn xe (tương lai 6-8 làn). Điểm đầu của dự án là nút giao với đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, đi song song với Quốc lộ 22, kết nối với đường vành đai 4, đường Hồ Chí Minh và có điểm cuối tại Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).Tổng vốn đầu tư của dự án là 10.700 tỉ đồng. Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tây Ninh đã họp bàn và thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hồ Chí Minh là cơ quan quản lý nhà nước đối với dự án này.
Phối hợp làm tốt việc thu hồi tài sản tham nhũng
Báo Sài gòn Giải Phóng cho hay: Ngày 16/10, các đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Trung tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng); Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP đã có buổi tiếp xúc với hơn 200 cử tri quận Bình Tân.
Tại buổi tiếp xúc, 18 cử tri đã nêu ý kiến, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị giải pháp khắc phục liên quan đến các vấn đề: chống tham nhũng, chống ngập, ô nhiễm môi trường, gia tăng tội phạm…
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tổ đại biểu sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Liên quan đến công tác chống tham nhũng, người đứng đầu Đảng bộ Thành phố cho biết, hiện nay TP đang thực hiện quyết liệt công tác chống tham nhũng. Với các trường hợp cán bộ, lãnh đạo sai phạm do Trung ương quản lý, TP chủ động phối hợp cung cấp hồ sơ để các cơ quan trung ương nhanh chóng vào cuộc thanh tra, điều tra làm rõ. Ngoài ra, từ đầu năm 2018 đến nay, TP cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải đọc báo, nghe đài, đọc kỹ hơn các khiếu nại, phản ánh của cử tri để kịp thời phát hiện những trường hợp có dấu hiệu suy thoái, tham nhũng, sai phạm, qua đó có biện pháp xử lý nghiêm, triệt để.
TP. Hồ Chí Minh thí điểm xe máy điện công cộng và kết nối Grabbike với xe buýt
Cũng theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Chiều 16/10, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, chủ trì buổi triển khai kết quả chuyến công tác của đoàn đại biểu cấp cao TP. Hồ Chí Minh tại Indonesia và Singapore (vào tháng 8/2019, do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu).
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Bùi Hòa An cho biết, Sở đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Grab trong quản lý giao thông công cộng, bằng việc thí điểm xe máy điện công cộng, kết nối dịch vụ Grabbike với xe buýt.
Vì sao TP.HCM chưa lọt vào bảng xếp hạng trung tâm tài chính khu vực?
Theo báo điện tử Vietnamplus (TTXVN) viết: Mặc dù có vị thế kinh tế nổi trội để có thể trở thành một trung tâm tài chính nhưng hiện TP.Hồ Chí Minh vẫn chưa có tên trong bảng xếp hạng trung tâm tài chính khu vực năm 2019 bởi quy mô vẫn còn rất nhỏ. Thành phố đang hướng đến việc xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính của cả nước cũng như khu vực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rất khó có thể thành công trong cuộc đua xây dựng một trung tâm tài chính tầm quốc tế theo cách truyền thống. Vì vậy, hướng phát triển các công ty công nghệ tài chính (Fintech) có độ phủ quốc tế sẽ phù hợp hơn với Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung.
TP. Hồ Chí Minh khởi công dự án đốt rác phát điện thứ 2
Trên báo Sài gòn giải phóng đưa tin: Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa được xây dựng trên diện tích 8ha tại huyện Củ Chi, công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 40MW bằng công nghệ hiện đại của Đức, đang được sử dụng tại 40 quốc gia.
Thiếu hụt nguồn cung, giá thịt heo tăng cao
Đó là tiêu đề bài viết trên báo Đại Đoàn Kết số ta ngày hôm nay. Theo thông tin từ bài báo này, thì do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn hơi giảm mạnh, đẩy giá tại thị trường phía Nam tăng cao trong vòng một tuần vừa qua. Tác giả ghi nhận ý kiến tiểu thương từ các chợ trên địa bàn quận Bình Thạnh, Quận 3 (TP. Hồ Chí Minh), từ đại diện chợ đầu mối Hóc Môn, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) về nguồn cung thịt heo trong thời gian vừa qua và dự báo nguồn cung trong thời gian tới sẽ còn thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là thời điểm cuối năm. Theo ghi nhận của phóng viên, giá thịt heo tại các chợ truyền thống tăng từ 30.000 đến 70.000 đồng/kg, cụ thể dao động ở mức từ 120.000 đến 210.000 đồng/kg. Ba rọi rút sườn từ 165.000 đến 185.000 đồng/kg; thăn lưng heo dao động từ 135.000 đến 145.000 đồng/kg. Lo ngại về tình trạng này, một số doanh nghiệp cho biết sẽ kiến nghị TP điều chỉnh giá bán lẻ. Theo các doanh nghiệp, với giá bán như hiện nay, lợi nhuận của họ đang giảm mạnh.
Khu “tam giác vàng” của các băng nhóm móc túi
Đó là thông tin cảnh báo đáng chú ý trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ra ngày hôm nay về vấn nạn các băng nhóm móc túi hoạt động “quậy bạo” ở khu vực Suối Tiên (giáp ranh giữa quận 9, quận Thủ Đức và tỉnh Bình Dương). Khu vực này được ví như “tam giác vàng” cho các băng nhóm hành nghề móc túi, đây cũng là khu vực tập trung nhiều du khách, sinh viên… Đáng chú ý, đây là khu vực giáp ranh nên khi bị “động” thì các nhóm móc túi dễ dàng thoát sang các địa bàn Bình Dương hoặc quận khác. Không chỉ manh động và có nhiều chiêu trò tinh vi mà thậm chí các đối tượng này còn hung hãn tấn công du khách nước ngoài.
Nan giải bài toán cấm xe 3-4 bánh tự chế ở TP. Hồ Chí Minh
Theo nội dung đăng tải trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, sau 10 năm TP ra quyết sách về cấm – hạn chế xe 3-4 bánh tự chế, đến nay nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố vẫn xuất hiện tràn lan các loại xe này. Thậm chí các phương tiện này “hiên ngang” lưu hành trên các tuyến đường nội thành, gây ảnh hưởng giao thông công cộng.
Trước thực trạng này, TP.Hồ Chí Minh một lần nữa yêu cầu thống kê số lượng xe và đề ra các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề. Theo báo cáo gần đây nhất của UBND TP.Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm đầu năm nay, thành phố có gần 2.167 xe cơ giới ba bánh đã được đăng ký cấp biển số, hơn 30.000 xe ba, bốn bánh thô sơ tự chế không động cơ và có động cơ. Thành phố đã tiêu hủy gần 28.100 xe 3-4 bánh tự chế; tổng số tiền hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề - phương tiện lên đến gần 158 tỉ đồng. Từ năm 2017 đến hết năm 2018, trên địa bàn TP xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe cơ giới ba bánh, chiếm tỉ lệ 1,6% vụ tai nạn, làm 21 người chết và 5 người bị thương.
Phí đỗ xe: chi hơn 4.000 đồng mới thu được 1.000 đồng
Báo Tuổi Trẻ số ra hôm nay có bài viết về việc thí điểm sử dụng lòng đường để thu phí đỗ xe công nghệ (My Parking). Theo đó, sau hơn một năm TP.Hồ Chí Minh thí điểm hoạt động này, đến nay đã có hơn 60.000 lượt người tải ứng dụng. Con số này chỉ chiếm khoảng 10% so với lượng xe hiện có tại thành phố. Tuy nhiên, 23 tuyến đường được đỗ xe lòng đường với khoảng 1.000 vị trí mà có tháng chỉ thu được 184 triệu đồng, trong khi chi phí nhân công đi thu lại hơn 840,5 triệu đồng, tức là chi hơn 4.000 đồng mới thu được 1.000 đồng. Theo Tập đoàn Viettel (đơn vị cung cấp phần mềm), giải pháp thu phí đỗ xe bằng ứng dụng thông minh đang triển khai sẽ làm giảm ùn tắc khu vực nội thành. Cụ thể, theo nghiên cứu, có tới 30% lưu lượng giao thông phát sinh do nhu cầu người dân di chuyển lòng vòng đi tìm bãi đỗ xe.
Vân Anh – Thanh Hà (tổng hợp)