Doanh nghiệp du lịch kiến nghị sớm tiếp cận các gói vay ưu đãi
Nhiều doanh nghiệp du lịch đã kiến nghị Sở Du lịch TP làm cầu nối với các ngân hàng gia hạn những gói vay cũ, cho vay thêm khoản mới, giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xoay xở qua dịch bệnh. Thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng.
Theo đó, Sở Du lịch TP đã gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh danh sách 31 doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ; đồng thời mỗi tuần Sở Du lịch sẽ liên tục cập nhật danh sách mới gửi ngân hàng.
Trước đó, Sở cũng đã đề xuất UBND TP hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch. Nội dung tập trung vào nhóm giải pháp giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế…
Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Sở Du lịch TP cũng đã nghiên cứu các kịch bản chuẩn bị khôi phục hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Chẳng hạn như hỗ trợ công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; triển khai các chương trình kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới…
Kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng cho 63 dự án bất động sản
Báo Pháp Luật TP đưa tin: UBND TP.Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị gỡ vướng cho 63 dự án nhà ở thương mại có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng.
63 dự án này đều được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt, được công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư theo Nghị định 11/2013 không yêu cầu phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp.
Tuy nhiên, từ khi Nghị định số 99/2015 có hiệu lực, nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp mới được xem xét công nhận chủ đầu tư.
Do đó, TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP được thực hiện thủ tục chấp nhận đầu tư các dự án trên.
Cụ thể, TP đưa ra kiến nghị đối với 58 dự án, nhà đầu tư phải thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Đối với 05 dự án còn lại, trường hợp yêu cầu chủ đầu tư thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư và công nhận chủ đầu tư theo Luật Nhà ở, phải hủy bỏ các quyết định thu hồi, giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất hoặc Nhà nước phải hoàn trả nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư đã thực hiện.
Kiến nghị tăng tàu khách trên tuyến Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh
Theo Vietnamplus, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép tăng tàu khách trên tuyến Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh từ ngày 16/4.
VNR cũng đề xuất phương án và lộ trình chạy tàu cụ thể như sau: Từ ngày 16-22/4/2020, cho phép chạy thêm 1 đôi tàu khách trên tuyến đường sắt Hà Nội -TP. Hồ Chí Minh, nâng tổng số lên 2 đôi tàu trên tuyến này.
Từ ngày 23-29/4/2020, chạy thêm 2 đôi tàu khách trên tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, nâng tổng số lên 4 đôi tàu.
Từ ngày 30/4/2020 trở đi, chạy tàu khách như bình thường trên tuyến Hà Nội -TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, các công ty vận tải đường sắt sẽ căn cứ vào nhu cầu vận tải và năng lực chạy tàu để bố trí phù hợp. Đại diện VNR cho biết, với các giải pháp chống dịch, đến nay chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm bệnh nào qua đường sắt.
Bảo vệ khóa luận tốt nghiệp online
“Do đang thực hiện cách ly xã hội nên nhiều bạn ở tỉnh không thể vào Thành phố để bảo vệ khóa luận. Nhưng với hình thức bảo vệ trực tuyến, các bạn hoàn toàn có thể thực hiện tốt việc này để được tốt nghiệp đúng hạn” – Đó là chia sẻ của một sinh viên ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vừa bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp bằng hình thức trực tuyến với báo Tuổi Trẻ.
Theo bài viết trên báo này, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, để đảm bảo tiến độ học tập và tốt nghiệp của sinh viên, nhiều trường ĐH đã triển khai dạy online chính thức, cho phép bảo vệ khóa luận, thi tốt nghiệp trực tuyến.
Đầu tháng 4 vừa qua, khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh có 12 sinh viên đã bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trực tuyến thành công.
Tương tự, trường ĐH Công nghệ thông tin TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức cho sinh viên tất cả các khoa của trường bảo vệ khóa luận tốt nghiệp online qua Microsoft Teams hơn nửa tháng qua với khoảng 250 đề tài.
Hình thức bảo vệ khóa luận này khá đơn giản. Giảng viên và sinh viên có thể tương tác trực tuyến giống như trực tiếp bên ngoài. Sinh viên có thể chiếu slide, demo minh họa như trên thực tế. Hội đồng đánh giá khóa luận/ đồ án với các giảng viên thực hiện phản biện, chấm điểm online và công bố kết quả ngay.
Thiết bị giúp giảm đau khi đeo khẩu trang
Một số sinh viên đã in 3D thiết bị tai đeo khẩu trang giúp y bác sĩ thoải mái hơn khi đeo khẩu trang liên tục trong thời gian dài. Đó là nội dung bài viết trên báo Tuổi Trẻ khi nói về mô hình của sinh viên nhiều trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát triển từ ý tưởng của một học sinh Canada, các sinh viên đã lắp ráp máy in 3D, viết phần mềm, điều chỉnh thiết kế, in 3D thiết bị bảo vệ tai và tặng cho các y bác sĩ nhiều bệnh viện tại TP.
Thiết bị này có hình dạng giống như chiếc lược với các nấc treo nhô ra ở hai bên. Nhân viên y tế có thể vòng dây qua các nấc (tùy kích cỡ đầu) thay vì vòng qua vành tai. Như vậy, họ sẽ không phải chịu áp lực ở vùng tai và có thể đeo khẩu trang làm việc trong thời gian dài mà không bị đau nhức.
Giữa tuần trước, nhóm sinh viên thuộc Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện in những thiết bị đeo khẩu trang đầu tiên. Ngày 11/4, những sản phẩm này đã được gửi tặng Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Từ đó đến nay, những sinh viên trong nhóm chia ca trực để in thiết bị này suốt ngày đêm do nhu cầu quá lớn từ các bệnh viện. Trong tuần này, 3.000 thiết bị đã được gửi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện ĐH Y Dược, Sở Y tế TP và bệnh viện một số quận, huyện. Dự kiến nhóm sẽ in khoảng 10.000 thiết bị gửi đến y bác sĩ. Toàn bộ chi phí được Đoàn trường hỗ trợ.
Tương tự, nhóm sinh viên cơ khí và điện – điện tử thuộc Trường ĐH Giao thông vận tải phân hiệu tại TP cũng đã cho ra những sản phẩm đeo khẩu trang bảo vệ tai đầu tiên. Nhóm chuẩn bị giao miễn phí 2.500 thiết bị đeo khẩu trang cho các bệnh viện tại TP.
Những tấm lòng vàng
Theo nội dung trên báo Đại Đoàn Kết, tính đến nay, chưa đầy một tháng kể từ khi Ủy ban MTTQ Thành phố phát động ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở Tây Nam bộ, nhiều tấm lòng vàng của người dân đã liên tục tham gia đóng góp vật chất và công sức cho công tác ngăn chặn dịch bệnh…
Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Huế năm nay 94 tuổi, sức đã yếu, nhưng khi hay tin MTTQ phường làm đầu mối nhận tiền hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương, Mẹ đã đến gặp cán bộ Mặt trận xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) để trao tặng số tiền 8 triệu đồng. Đây là số tiền Mẹ đã gom góp từ nhiều năm dù hoàn cảnh gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.
Đó chỉ là một câu chuyện trong rất nhiều câu chuyển thể hiện sự đoàn kết một lòng của quân - dân, sự chung sức chung lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.
Trong những ngày qua Ủy ban MTTQ TP cũng ghi nhận sự đóng góp to lớn của nhiều mạnh thường quân, lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Điều rất đáng quý là trong lúc không ít đơn vị phải đình trệ và tạm ngưng sản xuất, thì những số tiền quyên góp không nhỏ kể trên đã thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết của cả dân tộc trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” này.
Tính đến nay, Uỷ ban MTTQ TP đã tiếp nhận tổng giá trị ủng hộ hơn 100 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán xâm nhập mặn gây ra. MTTQ TP đã phân phối các thiết bị y tế, hàng hóa, nhu yếu phẩm, trái cây,…với tổng giá trị hơn 33,4 tỷ đồng đến các cơ sở điều trị, các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly, các y, bác sĩ, lực lượng tình nguyện, nhân viên phục vụ công tác phòng, chống dịch và những người cách ly.