Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 23/4/2020

10:53 23/04/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 23/4/2020:

Khởi công hầm chui 830 tỉ đồng, xóa điểm đen kẹt xe ở khu Nam

Phối cảnh hầm chui ở nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Ảnh: Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông TPHCM
Phối cảnh hầm chui ở nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Ảnh: Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông TPHCM

Sáng 22/4, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP tiến hành khởi công dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Theo thông tin trên báo Lao Động, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách TP và dự kiến hoàn thành vào quý III/2020.

Theo thiết kế, dự án sẽ xây đảo tròn trung tâm (đường kính 60m) và hai hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh. Cụ thể, hai hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh sẽ đi ngầm qua khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 480m (bao gồm đường dẫn hai đầu hầm và hầm kín). Trong đó, hầm kín chui dưới đường Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ dài 80m. Hầm hở phía Khu chế xuất Tân Thuận dài 200m, phía quốc lộ 1A dài 200m. Mặt cắt ngang hầm gồm 3 làn xe lưu thông, bề rộng trong hầm 13,75m. Vận tốc thiết kế 60km/h, tĩnh không thông xe trong hầm 4,75m và chịu được động đất cấp 7.

Bên cạnh đó, dự án sẽ lắp đặt hệ thống dự án sẽ lắp đặt hệ thống thoát nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy trong hầm kín, hệ thống chiếu sáng.

Tàu bay, xe khách, đường sắt hoạt động ra sao sau nới lỏng giãn cách?

Báo điện tử Vietnamplus đưa tin: Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra phương án tổ chức vận tải hành khách theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 22/4/2020.

Máy bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Máy bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đồng ý đường bay Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh và ngược lại có tổng tần suất 20 chuyến khứ hồi/ngày. Cụ thể: Các đường bay Hà Nội/ TP. Hồ Chí Minh-Đà Nẵng và ngược lại tổng tần suất 6 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay; Đường bay Hà Nội/ TP. Hồ Chí Minh đi các địa phương khác mỗi hãng được khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay; Đường bay TP. Hồ Chí Minh-Côn Đảo và ngược lại sẽ bay 1 chuyến khứ hồi/ngày.

Các đường bay giữa các địa phương khác có điểm đi/đến không phải Hà Nội/ TP. Hồ Chí Minh, mỗi hãng được phép khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày.

Về vận tải hành khách liên tỉnh, xe tuyến cố định chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/tuyến).Xe hợp đồng, xe du lịch chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 xe/đơn vị kinh doanh vận tải). Riêng vận tải hành khách nội tỉnh, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định cụ thể việc vận chuyển hành khách thuộc phạm vi quản lý.

Với lĩnh vực đường sắt, tuyến Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh chỉ được khai thác tối đa 3 đôi tàu khách/ngày (3 chuyến Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh và 3 chuyến ngược lại). Các tuyến đường sắt còn lại duy trì mỗi tuyến 1 đôi tàu khách/ngày (1 chuyến đi và 1 chuyến ngược lại).

Lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định về vận tải hành khách nội địa. Riêng vận tải hành khách liên tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải chỉ cho phép tối đa 1 chuyến/tuyến/ngày.

“Thời gian áp dụng từ 00 giờ 00 phút ngày 23/4/2020 cho đến khi có thông báo mới,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Hàng quán tất bật chuẩn bị mở bán lại

0h ngày 23/4, TP. Hồ Chí Minh được xếp xuống nhóm nguy cơ trong phòng chống dịch Covid-19. Thành phố (TP) được mở các cửa hàng kinh doanh, các loại hình kinh doanh đường phố. Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, chiều tối 22/4, một số hàng quán trên đường Phan Xích Long, Phan Đăng Lưu, Hoàng Sa… đã bắt đầu vệ sinh bàn ghế, chén bát, cửa tiệm để chuẩn bị đón khách trở lại sau khi có công bố chính thức.

Đồ nghề hớt tóc được ông Cảnh lau chùi và xếp gọn gàng để đón khách - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đồ nghề hớt tóc được ông Cảnh lau chùi và xếp gọn gàng để đón khách - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ông Phan Văn Cảnh (52 tuổi, làm nghề hớt tóc tại Q.Phú Nhuận) cho biết những ngày thực hiện cách ly xã hội, khách liên tục hỏi thăm tiệm có mở, ông đều từ chối vì tuân thủ lệnh của Chính phủ. Ông thường xuyên theo dõi báo đài để kịp nắm bắt chủ trương. Biết đúng 0h tối nay người dân TP được nới lỏng cách ly xã hội, ông cũng dọn dẹp cửa tiệm, lau lại máy móc để ngày mai bắt đầu đón khách trở lại. Ông cho biết “Cách ly đã được 22 ngày, khách hàng của tôi rất trông đợi để được hớt tóc".

Không riêng gì ông Cảnh mà các cửa hàng khác cũng tranh thủ vệ sinh bàn ghế, đồ dùng; chủ các cửa hàng cũng cho biết sẽ trang bị nước rửa tay và thực hiện giãn cách xã hội khi khách đến quán, để đảm bảo an toàn.

Tiếp sức doanh nghiệp vượt khó

Theo báo Người Lao Động, UBND Thành phố (TP) vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong và sau dịch Covid-19 từ nay đến ngày 31/12/2020. Mục tiêu của kế hoạch là kịp thời hỗ trợ DN nhanh chóng khắc phục khó khăn, sớm ổn định sản xuất – kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Có hai giải pháp lớn được triển khai trong kế hoạch trên, thứ nhất là kết nối ngân hàng (NH) với doanh nghiệp, thứ hai là gia hạn thuế cho 97% doanh nghiệp trên địa bàn. Theo lãnh đạo Sở Công thương thì Sở này sẽ sớm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tổ chức chương trình kết nối NH và DN năm 2020 với chủ đề “Hỗ trợ DN về vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19”. Theo đó, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN để đưa vào sản xuất – kinh doanh. Rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay, nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho DN… Ngoài ra, áp dụng các biện pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ và giảm phí cho khách hàng DN gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Ảnh minh họa: báo Người Lao Động
Ảnh minh họa: báo Người Lao Động

Còn về việc gia hạn nộp thuế, Cục trưởng cục thuế TP ông Lê Duy Minh cho biết, tổng số DN và tổ chức được gia hạn thuế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 255.904 đơn vị, chiếm hơn 97% số DN đang hoạt động trên địa bàn TP.

Đối với hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán, cơ quan thuế cũng đã thực hiện rà soát các đối tượng được gia hạn nộp thuế, thông báo rộng rãi đến các hộ để nộp giấy đề nghị kịp thời. Số hộ các nhân kinh doanh được gia hạn thuế là 43.778, chiếm gần 28% tổng số cá nhân kinh doanh thuộc diện quản lý đang hoạt động trên địa bàn.

Trước đó, UBND TP đã trình Chính phủ xem xét hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 và 2021, hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021 cho các DN bị ảnh hưởng dịch bệnh trên địa bàn TP.

Tăng cường kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong các khu công nghiệp

Báo Sài Gòn Giải Phóng thông tin, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, cơ quan này đã khảo sát và đánh giá tính rủi ro lây nhiễm cũng như tác động dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp (DN) có đông lao động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp.

Đoàn UBND quận 7 và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM giám sát tại Công ty TNHH Always (KCX Tân Thuận, TPHCM). Ảnh: Thái Phương
Đoàn UBND quận 7 và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM giám sát tại Công ty TNHH Always (KCX Tân Thuận, TPHCM). Ảnh: Thái Phương

Theo đó, có 43 DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với 1.173 người lao động bị chấm dứt hợp đồng, có 318 người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng, 925 người nghỉ việc không lương và hơn 5.000 lao động bị tạm ngừng việc có lương Về đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm trong hoạt động sản xuất, có 1.339 DN gửi bản tự cam kết thực hiện biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và tự đánh giá tác động rủi ro từ dịch bệnh này. Hepza cũng đã tiến hành đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus gây bệnh Covid-19 tại 12 DN có quy mô lao động trên 100 người. Kết quả cho thấy, 9 DN có chỉ số rủi ro lây nhiễm thấp, 2 DN có chỉ số rủi ro trung bình và một DN có chỉ số rủi ro cao. Ngoài ra, qua thẩm tra 6 DN quy mô trên 500 công nhân thì có 4 DN chỉ số rủi ro thấp và 2 DN còn lại có chỉ số rủi ro trung bình.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Hepza cũng đã yêu cầu các DN thắt chặt công tác kiểm soát.

Để Khu Công nghệ cao thành Khu Công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo

Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) đang bước qua giai đoạn phát triển mới, đặc biệt từ 2021 đến 2025 với định hướng trở thành Khu Công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo. Để thực hiện được mục tiêu này, rất cần nhiều đổi mới, nhất là chính sách, cơ chế cho SHTP. Đó là nội dung bài viết được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng hôm nay.

Theo bài viết, tính lũy kế từ khi thành lập đến nay, SHTP có 157 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn gần 44.100 tỷ đồng/108 dự án trong nước và gần 57 tỷ USD/49 dự án vốn đầu tư nước ngoài. Hiện đã có 79 dự án đi vào hoạt động, với giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao năm 2019 đạt trên 17 tỷ USD, tăng 19,28% so với cùng kỳ và đạt 100% so với kế hoạch đề ra. SHTP còn đóng góp không nhỏ vào tỷ trọng xuất khẩu chung của toàn Thành phố (chiếm 37,05% năm 2019).Ban quản lý SHTP đã tích cực đẩy mạnh chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao tại SHTP, và giá trị gia tăng nội địa đã tăng dần qua các năm. Cụ thể, giá trị gia tăng nội địa dao động trong khoảng 8%-10% ở giai đoạn 2011-2016, bắt đầu đi vào ổn định theo hướng tăng dần từ năm 2016 (năm bắt đầu thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP) đến nay, với  mức tăng từ 14% lên 23%, 27% và 33%.

Nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế United Healthcare trong SHTP là một trong những doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc cho R&D
Nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế United Healthcare trong SHTP là một trong những doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc cho R&D

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý SHTP, trong những năm qua DN tại SHTP đã tăng dần các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) và tăng chi phí đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao. Các DN đều có hoạt động nâng cấp sản phẩm, sử dụng ngày càng nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên người Việt để cho ra các sản phẩm mới. Một số DN có hoạt động R&D đứng đầu tập đoàn, hay khu vực, như các công ty Datalogic, Samsung, Nidec... Một số tập đoàn lớn như Nidec, Samsung… đã và đang hình thành các trung tâm nghiên cứu tại SHTP với mục tiêu đầu tư phát triển hoạt động R&D của tập đoàn tại Việt Nam. Tuy nhiên cũng có một số DN chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này do mới đi vào hoạt động, hoặc có những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên cần thời gian để ổn định trước khi đầu tư vào R&D. Do đó, trong những năm qua, SHTP đã giới thiệu đến các DN những chính sách hỗ trợ, cơ chế vay vốn ưu đãi để DN triển khai hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm tự nghiên cứu và phát triển, hoặc tiếp nhận từ chuyển giao công nghệ.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Thi, để SHTP trở thành Khu Công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo, SHTP đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần phải tập trung thực hiện. Đầu tiên, xây dựng Quy chế Khu Công nghệ cao nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho các DN nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và các DN ươm tạo công nghệ cao. Đề xuất tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư vào SHTP phù hợp với định hướng xây dựng Thành phố thông minh, trong đó tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0.

Đề xuất giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất

Tiền sử dụng đất đang là gánh nặng của người dân và doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19/ Ảnh: Đình Sơn
Tiền sử dụng đất đang là gánh nặng của người dân và doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19/ Ảnh: Đình Sơn

Thông tin trên báo Thanh Niên cho biết, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP (HoREA) đề xuất giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp bất động sản và người dân để vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm tái khởi động thị trường sau đại dịch.

Theo nhiều DN, khi thực hiện 1 dự án bất động sản, DN phần lớn phải tự thương lượng đền bù, mua đất của người dân với giá thị trường. Trong khi đó việc tính số tiền sử dụng đất (TSDĐ) cũng theo giá thị trường, đồng nghĩa với việc DN phải mua cùng một khu đất 2 lần. Điều này đã đẩy giá nhà đất tăng cao và người mua nhà chịu thiệt.

Hiện nay sau khi có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất (quyết định giao đất) thì chủ đầu tư phải liên hệ Sở Tài nguyên - Môi trường để bắt đầu quá trình xác định TSDĐ. Nếu dưới 30 tỉ đồng thì hồ sơ sẽ được chuyển cho Cục Thuế để tính toán và ra thông báo thuế. Trường hợp trên 30 tỉ đồng thì Sở sẽ chọn đơn vị định giá và đơn vị thẩm định giá sẽ tính toán tiền nghĩa vụ tài chính, sau khi có chứng thư sẽ phải được Hội đồng Thẩm định giá TP phê duyệt. Đây là công đoạn mất rất nhiều thời gian của DN. Trong bối cảnh doanh thu không có, lãi vay ngân hàng đè nặng, nếu được giãn tiến độ nộp tiền, cũng giúp các DN sẽ giảm bớt căng thẳng hơn.

Trước thực trạng đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đã thay mặt các DN trong lĩnh vực bất động sản và người dân kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp TSDĐ dự án đối với DN có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3-6/2020 (sau 90 ngày kể từ ngày có thông báo nộp TSDĐ) được giãn tiến độ 5 tháng, tương tự quy định giãn thuế của Nghị định 41. Đồng thời xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp TSDĐ 12 tháng khi hợp thức hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở để hỗ trợ người dân, DN trong lúc khó khăn hiện nay.

Thanh Hà - Đình Dân

Tin cùng chuyên mục