Chuyển đổi công năng bệnh viện để điều trị COVID-19
Theo Vietnamplus, ngày 24/6, thông tin từ Sở Y tế TP cho biết đã chuyển đổi công năng thêm 2 bệnh viện với 1.500 giường bệnh để tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, nâng tổng số giường điều trị trên địa bàn TP lên 5.000 giường bệnh.
Theo đó, ngoài 9 bệnh viện (với quy mô 3.500 giường) đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố, ngành y tế tiếp tục tạm chuyển đổi công năng của Bệnh viện huyện Bình Chánh (với quy mô 500 giường) và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (với quy mô 1.000 giường) trở thành những bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.
Cụ thể, Bệnh viện huyện Bình Chánh sẽ tạm ngừng hoạt động khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ bệnh viện trở thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh, có quy mô 500 giường (bao gồm cả giường trẻ em) với 20 giường hồi sức, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 25/6.
Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh ngoại trú, tạm ngừng toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ khu vực điều trị nội trú của bệnh viện để trở thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Thủ Đức theo mô hình “tách đôi bệnh viện", có quy mô 1.000 giường (bao gồm cả giường trẻ em) với 25 giường hồi sức, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 28/6.
Huy động nhiều lực lượng tham gia chiến dịch tiêm vắc-xin
Theo báo SGGP, nhằm đảm bảo năng lực tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của ngành y tế, đúng tiến độ và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe người dân TP, Sở Y tế TP đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu giám đốc các Bệnh viện khẩn trương tăng cường bổ sung các đội tham gia tiêm vắc-xin phòng COVID-19, đảm bảo mỗi đội tiêm có tối thiểu 5 nhân sự có trình độ chuyên môn theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế để thực hiện (1 bác sĩ khám sàng lọc, 2 nhân sự tiêm vaccine, 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng phụ trách theo dõi, xử trí phản ửng sau tiêm).
Ngoài ra, cử thêm lực lượng hỗ trợ công tác hành chính (tiếp nhận, cấp giấy xác nhận...). Mỗi đội tiêm mang đầy đủ vật tư và thiết bị y tế phục vụ tiêm chủng. Bệnh viện phải sẵn sàng công tác chuẩn bị và thực hiện nhiệm vụ ngay chiều ngày 24/6 theo lịch phân công.
Còn báo Người Lao Động cho biết, để đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra trong quá trình tiêm vắc-xin COVID-19, Sở Y tế TP đã huy động hệ thống cấp cứu của các bệnh viện trên địa bàn cùng tham gia xử trí.
Theo đó, các ê kip cấp cứu sẽ chia thành 2 điểm. Cụ thể, các khu công nghiệp, khu chế xuất có 22 kíp cấp cứu (1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng, 1 tài xế) và xe cứu thương thường trực tại điểm tiêm. Còn tại các quận - huyện, Sở Y tế TP đã phân công, bố trí lực lượng tại 96 điểm tiêm chủng cộng đồng.
Nhiệm vụ của các ê kip là phối hợp với bác sĩ tổ tiêm chủng phụ trách theo dõi phản ứng sau tiêm, sau khi xử trí tại chỗ, nếu cần hỗ trợ chuyển viện an toàn.
Song song đó, quy trình báo động đỏ của các bệnh viện luôn sẵn sàng khi nhận được tín hiệu. Sở Y tế TP HCM cũng giao Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm điều phối toàn bộ hoạt động cấp cứu cho chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn TP.
Tiêm vắc-xin cho 2.000 công nhân môi trường
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 24/6, khoảng 2.000 công nhân môi trường thuộc Công ty Môi trường đô thị TP đã được tiêm vắc-xin COVID-19 tại điểm trường THCS Lê Quý Đôn, quận 11.
Theo đại diện Công ty Môi trường đô thị TP, trong 2.000 suất tiêm, công ty dành 1.500 suất cho công nhân trực tiếp thu dọn, xử lý rác thải khu vực cách ly, phong tỏa, điều trị COVID-19. Số còn lại là cho công nhân trong các khâu khác và cán bộ nhân viên công ty.
Đợt tiêm này do Trung tâm Y tế quận 11 thực hiện, các công nhân được hướng dẫn kỹ trước khi tiêm. Các y bác sĩ đều được trang bị quần áo bảo hộ 100% khi thực hiện tiêm phòng.
Đề xuất giảm giá vé qua BOT Xa lộ Hà Nội
Theo Thanhuytphcm.vn, nhằm góp sức hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII), Chủ đầu tư BOT Xa lộ Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị UBND TP xem xét chấp thuận giảm mức giá vé lượt và giãn thời gian hiệu lực của vé tháng, vé quý sử dụng dịch vụ đường bộ qua trạm thu phí Xa lộ Hà nội.
Cụ thể, đối với mức giá vé lượt, từ ngày 1/7 đến 30/9/2021, giảm mức vé sử dụng dịch vụ thu phí 10% so với mức giá trong Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 18/3/2021 của UBND TP.
Đối với vé tháng và vé quý, CII kiến nghị gia hạn 10% thời gian sử dụng đối với vé tháng, vé quý (không thực hiện giảm giá vé) cho khoảng thời gian có hiệu lực của vé trùng với giai đoạn giảm giá từ ngày 1/7 đến 30/9. Cụ thể, từ 1 đến 10 ngày thì được gia hạn thêm một ngày; từ 11 đến 20 ngày được gia hạn thêm hai ngày và tương tự cho các trường hợp khác.
Từ ngày 1/10/2021 trở đi, Công ty CII sẽ tiếp tục thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ qua trạm thu phí Xa lộ Hà Nội theo Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 18/3/2021 của UBND TPHCM.
Tiếp nhận thông tin vi phạm phòng chống dịch qua cổng thông tin 1022
Báo Công an TP thông tin, UBND TP vừa có văn bản khẩn về việc triển khai tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP qua Cổng thông tin 1022.
Theo đó, Cổng thông 1022 sẽ tiếp nhận phản ánh về các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch trong hoạt động kinh doanh, mua bán của các quán cà phê, nhà hàng, công ty, doanh nghiệp...; việc không giữ khoảng cách, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang; thông tin về các trường hợp nghi nhiễm, các trường hợp tiếp xúc gần và tình trạng tụ tập ăn uống, tiệc tùng, karaoke... ảnh hưởng đến người xung quanh.
UBND TPHCM giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tiếp nhận và chuyển các cơ quan liên quan xử lý thông tin phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19; các góp ý, ý kiến đóng góp, hiến kế của người dân, tổ chức và doanh nghiệp để góp phần đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch qua Cổng thông tin 1022 (https://1022.tphcm.gov.vn/); tổng hợp báo cáo hàng ngày cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.
Đồng thời, tổ chức thực hiện các phương án thông tin tuyên truyền hiệu quả mạnh mẽ để lan tỏa thông tin dưới nhiều hình thức, vận động nhân dân TP cùng chung tay với chính quyền TP trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin trên Cổng thông tin 1022
Bước 1, người dân gửi thông tin, kèm theo hình ảnh, đoạn phim về nội dung phản ánh cho Cổng thông tin 1022.
Bước 2, sau khi tiếp nhận và sàng lọc, phân loại thông tin, trong vòng 5 phút, Cổng thông tin 1022 chuyển nội dung phản ánh của người dân cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện; đồng thời, Cổng thông tin 1022 thực hiện nhắn tin cho đầu mối phụ trách của đơn vị tiếp nhận thông tin.
Bước 3, đơn vị tiếp nhận thông tin thực hiện kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh theo thẩm quyền; cập nhật kết quả xử lý trên phần mềm Cổng thông tin 1022 trong thời gian tối đa là 60 phút kể từ khi tiếp nhận thông tin.
Bước 4, Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp thông tin về tình hình tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân, hàng ngày báo cáo Ban Chỉ đạo TP về phòng, chống dịch Covid-19
Yêu cầu người giao hàng lập sổ theo dõi hoạt động hàng ngày
Theo báo Đầu Tư, nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người không cần thiết, Sở Công thương TP vừa có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tăng cường khuyến khích vận động người dân lựa chọn sử dụng phương thức trực tuyến, giám sát các cơ sở được phép hoạt động trên địa bàn thực hiện đúng quy định.
Phổ biến rộng rãi đến người dân địa phương các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi có đặt hàng trực tuyến để phục vụ nhu cầu mua sắm sinh hoạt.
Đồng thời, Sở Công thương đề nghị các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.
Đối với đội ngũ giao hàng hoá phải luôn đeo khẩu trang trong quá trình vận chuyển và giao, nhận sản phẩm cho khách hàng; thường xuyên rửa tay sát khuẩn; giữ khoảng cách 2 m trong quá trình giao, nhận sản phẩm; thực hiện việc khai báo y tế theo quy định và lập sổ nhật ký theo dõi hoạt động hàng ngày.
Đối với khách hàng, ngoài đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 m trong quá trình giao, nhận sản phẩm. Sau khi nhận hàng phải tiến hành loại bỏ bao bì, rửa tay bằng xà phòng/dung dịch sát khuẩn, vệ sinh sản phẩm vừa nhận (nếu là hàng hoá). Đồng thời, khuyến khích hành khách sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
TAND TP triển khai việc tống đạt văn bản qua dịch vụ bưu chính
Báo Pháp Luật TP cho hay, theo Tòa án Nhân dân (TAND) TP, thời gian qua, việc thực hiện công tác tống đạt qua kênh thừa phát lại đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, hiệu quả và góp phần lớn trong công tác giải quyết, xét xử. Tuy nhiên, do số lượng văn bản tố tụng cần tống đạt ngày càng lớn nhưng kinh phí phục vụ cho công tác này có hạn chế.
Do đó, để đảm bảo cho việc tống đạt không bị gián đoạn, đặc biệt là gần thời điểm kết thúc công tác năm 2021, TAND TP đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của toà qua dịch vụ bưu chính với Bưu điện TPHCM.
Theo đó, mỗi văn bản tố tụng cần tống đạt sẽ đi kèm với biên bản tống đạt theo mẫu, thẩm phán hoặc thư ký yêu cầu tống đạt phải điền đầy đủ thông tin. Công tác giao nhận văn bản tố tụng được thực hiện tại văn phòng do hai người phụ trách.
Văn bản tố tụng yêu cầu tống đạt phải được giao cho bộ phận giao nhận trước ngày triệu tập trong văn bản 07 ngày. Đối với trường hợp địa chỉ tống đạt không thuộc TPHCM (các tỉnh thành khác) thì thời gian này là trước 15 ngày. Đi kèm với đó có quy trình giao nhận văn bản gửi tống đạt qua bưu điện cụ thể.
Tất cả các văn bản tố tụng được thực hiện qua kênh bưu chính. Các đơn vị chỉ thực hiện yêu cầu tống đạt qua kênh thừa phát lại đối với trường hợp đương sự không còn cư trú tại địa chỉ tống đạt và cần thực hiện thủ tục niêm yết.
Xử lý theo quy trình nghiêm ngặt đối với rác thải tại khu vực cách ly, phong toả
Thông tin từ Vov.vn, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, việc phân loại và xử lý rác sinh hoạt, rác lây nhiễm tại các khu vực cách ly có thu phí được chính quyền TP giám sát chặt chẽ, các cơ sở lưu trú chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan từ hoạt động này.
Tại khu cách ly tập trung của ký túc xá Đại học Quốc gia TP, ngoài việc phục vụ các bữa ăn đến từng phòng, các chiến sĩ thuộc Ban chỉ huy Quân sự các quận, huyện, dân quân, tình nguyện viên phải đảm bảo việc thu gom rác kịp thời và tiêu độc khử trùng sau khi tiếp xúc với rác y tế có nguy cơ lây nhiễm.
Hiện nay, toàn bộ rác thải y tế tại các khu cách ly tập trung như bệnh viện, bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế, khách sạn… đều do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP thu gom và xử lý theo quy trình nghiêm ngặt đối với chất thải nguy hại.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP cho biết, hiện nhà máy xử lý loại rác này đang hoạt động hết công suất là 40 tấn một ngày: "Với khối lượng rác được phân loại hiện nay tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn TP thì công ty chúng tôi vẫn đảm bảo xử lý được toàn bộ rác này. Chúng tôi chỉ yêu cầu các khu cách ly chủ động phân loại ra rác lây nhiễm và rác sinh hoạt. Hiện nay anh em thu gom được trang bị quần áo bảo hộ và lấy theo quy trình".
Nơi cung cấp 3000 suất ăn mỗi ngày cho tuyến đầu chống dịch
Báo Sức khỏe và Đời sống cho hay, tại Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) Thanh niên TP, mỗi ngày có khoảng 3000 "suất ăn nghĩa tình" được cung cấp cho các đơn vị thực hiện cách ly trên toàn địa bàn TP; đó không chỉ là những con số hữu hình mà còn mang những giá trị vô hình, tiếp thêm sức mạnh cho những người đang nơi tuyến đầu chống dịch.
Anh Võ Quốc Bình - Trưởng phòng kết nối tình nguyên Trung tâm CTXH Thanh niên Thành phố chia sẻ, ban đầu chương trình được triển khai với mục đích hỗ trợ cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), sau đó tiếp tục được mở rộng với những suất cơm được mang đến cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
“Thời gian đầu chúng tôi chỉ dự định nấu 200 suất/ngày, nhưng sau đó được nâng lên 500 suất/ngày rồi 1000, rồi 2000 đến nay thì mỗi ngày có khoảng 3000 suất được trao tặng; Bên cạnh đó chúng tôi cũng hỗ trợ suất ăn sáng cho các bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM kể từ khi bệnh viện này bị phong tỏa” – Anh Võ Quốc Bình chia sẻ thêm.
Dù công việc quần quật liên tục chẳng kể ngày đêm nhưng bằng nhiệt huyết và tình yêu thương, các tình nguyện viên đã cùng nhau san sẻ, dốc hết sức cùng hoàn thành nhiệm vụ chung góp một phần vào cuộc chiến chống dịch.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)