Bệnh nhân phấn khởi khi thông tuyến tỉnh BHYT
Từ năm 2021, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám chữa bệnh (KCB) trái tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến.
Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP tại Khoa hô hấp, bệnh viện (BV) Nhi đồng 2, chị Lê Thị Cẩm Nhung (22 tuổi, ngụ Bình Dương) rất bất ngờ khi biết tin con mình được BHYT thanh toán 100% viện phí (thay vì trước đây chỉ được hưởng 60%) cho bốn ngày nằm viện kể từ ngày 1/1, mặc dù đi khám bệnh trái tuyến. Chị Nhung chia sẻ, ban đầu do khám không đúng tuyến nên chị lo sẽ tốn kém nhiều. Hiện tại được miễn viện phí, gánh nặng cũng nhẹ bớt.
Tương tự, chị Trần Thị Thuần (44 tuổi, ngụ Bình Phước) đang điều trị tại Khoa nội tổng hợp, BV Ung bướu TP đi khám tại BV theo dạng trái tuyến nên không được hưởng chế độ BHYT. Tuy nhiên, chị có chỉ định nhập BV để cắt khối u vào ngày 1/1 nên nghiễm nhiên được BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến. Sau khi nghe được hưởng mức 80% BHYT như đúng tuyến, chị vui mừng vì có đủ tiền chi trả.
Quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh mới áp dụng nên các BV cũng chưa ghi nhận sự gia tăng trường hợp bệnh nhân từ các tỉnh lên điều trị nội trú trái tuyến và đo lường được mức độ ảnh hưởng của chính sách. Hiện tại, các BV đều phổ biến các khoa, phòng áp dụng mức hưởng BHYT đúng tuyến đối với các bệnh nhân nhập BV không cần giấy chuyển viện, chuyển tuyến để bệnh nhân hưởng đúng quyền lợi. Bên cạnh đó, quán triệt nhân viên xem xét chỉ định nhập BV đúng, tránh lạm dụng.
Theo các lãnh đạo BV, chính sách thông tuyến là tin vui, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, chính sách thông tuyến BHYT tuyến tỉnh chỉ áp dụng cho bệnh nhân nhập BV điều trị nên trước đó, người bệnh phải khám ngoại trú và trả tiền cho các xét nghiệm tốn kém như chụp X-quang, MRI, CT. Vì vậy, BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP, khuyến cáo người bệnh có BHYT vẫn nên xin giấy chuyển tuyến để đảm bảo quyền lợi.
Theo BS Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 khi bệnh nhân đến khám, các BV tuyến dưới cũng cần tư vấn những trường hợp nên và không nên lên BV tuyến trên điều trị để tránh tình trạng quá tải tại những BV này. BS Sóng cho biết, chỉ nên lên BV tuyến trên điều trị khi bệnh nặng hoặc cần can thiệp kỹ thuật cao.
Siết an toàn thực phẩm dịp cận tết
Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trở nên nóng hơn khi nhu cầu mua hàng hóa, thực phẩm tăng cao. Ban Quản lý ATTP TP thông tin với báo SGGP, thời điểm từ nay đến sát tết, công tác kiểm soát ATTP sẽ được tăng cường và siết chặt hơn nữa.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP, từ nay đến cuối tháng 3/2021, Ban sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành tuyến thành phố, kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đặc biệt, đoàn tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt,…
Bên cạnh đó, các quận huyện trên địa bàn TP cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tuyến quận - huyện, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô là hộ kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các đoàn kiểm tra của thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định đảm bảo ATTP tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Trước thực tế khó kiểm soát các loại thực phẩm bán online, để đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán, Ban ATTP TP khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt thực phẩm; không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng; tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Ngoài ra, để phòng chống dịch Covid-19, Ban quản lý ATTP TP đề nghị các nhà ăn tập thể tổ chức ăn theo ca, không ăn đông người; các nhà hàng không phục vụ khách quá đông; những người phục vụ nấu ăn nếu bị ho, sốt phải nghỉ và đi xét nghiệm.
Tổ chức tàu du lịch, ẩm thực trên sông khu bến Bạch Đằng dịp Tết
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, UBND TP vừa có văn bản chấp thuận tổ chức khai thác du lịch đường sông kết hợp phục vụ ẩm thực trên sông tại khu bến Bạch Đằng, Q.1 trong dịp Tết Tân Sửu.
Theo Sở GTVT TP, khu vực bến Bạch Đằng là một trong những điểm tham quan, ẩm thực nhộn nhịp trong dịp Tết dương lịch 2021 và Tết Tân Sửu. Do đó, việc tổ chức khai thác khu vực bến Bạch Đằng phải đảm bảo mỹ quan, không ảnh hưởng đến tuyến buýt sông, tàu cao tốc... đồng thời tạo điều kiện hoạt động du lịch, ẩm thực phục vụ người dân TP, du khách.
Thành phố đồng ý tại cầu bến số 2 (ga tàu cao tốc Bạch Đằng) Công ty TNHH công nghệ xanh DP được phép quản lý, khai thác tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ, Vũng Tàu, Bình Dương, Củ Chi và khai thác các tàu nhà hàng, tàu du lịch, canô chở khách du lịch.
Tại cầu bến số 3, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV tổ chức khai thác tàu nhà hàng, canô du lịch. Công ty này có trách nhiệm bố trí phạm vi cầu bến để neo đậu tàu của Phòng cảnh sát giao thông đường thủy Công an TP. Cũng tại bến này, tàu nhà hàng được đậu cố định vào các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật.
Tại cầu bến số 4 (bến Nguyễn Kiệu), Công ty TNHH thương mại Hào Huy neo đậu tàu nhà hàng Elisa khai thác du lịch, ẩm thực từ 16h thứ sáu đến 5h sáng thứ hai hằng tuần và các ngày lễ, tết.
Thời gian thực hiện khai thác du lịch kết hợp ẩm thực trên bến Bạch Đằng là đầu tháng 1 đến hết 28/2/2021.
Người trẻ đua nhau chụp hình đón Xuân Tân Sửu 2021
Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ đến tết, nhiều người trẻ đã tranh thủ đi chụp hình cho bộ ảnh đón Xuân Tân Sửu 2021.
Theo ghi nhận của PV báo Thanh Niên, tại một phim trường ở Q.Bình Thạnh, không khí sắc xuân đã ngập tràn, hoa mai, hoa đào giả, những bao lì xì, câu đối được trang trí đẹp mắt. Cũng tại đây, nhiều người trẻ mặc áo dài truyền thống đến để chụp hình, thực hiện bộ ảnh đón Xuân Tân Sửu.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Tường Vân (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh Tế TP) chụp hình với áo dài để đăng lên các trang mạng xã hội vào dịp tết là "việc làm thường niên". Vì vậy, Tường Vân hay chọn những nơi với bối cảnh đậm chất Việt Nam như có ngôi nhà lá, nồi bánh chưng, bánh tết để thực hiện bộ ảnh đón Tết.
Tương tự, một phim trường ở Q.12 cũng bày trí sắc xuân với hoa mai, đào lung linh không kém. Nhiều người trẻ là thợ chụp ảnh tự do cũng đến đây hành nghề và luôn trong trạng thái tất bật.
Liên tục hướng dẫn mẫu ảnh của mình tạo dáng sao cho đẹp nhất, anh K.D Trần (31 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) cho biết, ngoài những bộ áo dài truyền thống, nhiều bạn trẻ năm nay lựa chọn áo dài cách tân để thực hiện bộ ảnh Xuân. Họ thường thích những bối cảnh là những ngôi nhà cổ hoặc làng quê yên bình…
Năm vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế tụ tập khiến thu nhập của nhiều nhiếp ảnh giảm đáng kể. Vì vậy, để thu hút khách hàng, năm nay các thợ chụp ảnh đã đưa ra hàng loạt các ưu đãi, chương trình giảm giá.
Nhiều bạn trẻ làm thợ chụp ảnh "tung" nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. Ảnh: Tấn Đạt
Thành lập phòng khám tư vấn về di truyền
Báo SGGP cho hay, ngày 4/1, Bệnh viện Đại học Y Dược TP phối hợp với Viện Di truyền Y học và Công ty cổ phần Giải pháp Gene (Gene Solutions) chính thức thành lập và đưa vào hoạt động Phòng Khám tư vấn di truyền tại Khoa Khám sức khỏe theo yêu cầu của bệnh viện. Đây là hoạt động nhằm giúp người bệnh tiếp cận với việc ứng dụng công nghệ cao trong thực hiện các xét nghiệm di truyền khi tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Theo đó, Bệnh viện Đại học Y Dược TP sẽ phối hợp với Viện Di truyền Y học và Gene Solutions, một trong số những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng các xét nghiệm gene vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hiện nay tại Việt Nam, để thực hiện các xét nghiệm và tư vấn di truyền cho người dân có nhu cầu.
Các xét nghiệm di truyền này đều áp dụng công nghệ Giải trình tự thế hệ mới của Illumina, Hoa Kỳ. Đây cũng là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới, với độ chính xác và hiệu suất cao, phạm vi khảo sát rộng, phù hợp cho nhiều ứng dụng, đặc biệt là trong sàng lọc, chẩn đoán ung thư.
Việc thực hiện xét nghiệm gene để tầm soát ung thư di truyền không chỉ giúp cho bản thân người xét nghiệm có được những phương án tối ưu nhất để phòng ngừa hiệu quả, mà còn giúp những người thân trực hệ của họ có kế hoạch tầm soát chủ động, phát hiện bệnh sớm nhằm cải thiện tiên lượng. Do đó, áp dụng xét nghiệm gene một cách hiệu quả và tư vấn kịp thời sẽ đóng góp rất lớn trong cuộc chiến chống ung thư.
Nhân dịp khai trương Phòng Khám tư vấn di truyền, 100 khách hàng đầu tiên đăng ký các gói khám sức khỏe tại Khoa Khám sức khỏe theo yêu cầu BV Đại học Y Dược TP sẽ được tặng 1 xét nghiệm gene miễn phí. Chương trình diễn ra từ ngày 4/1 đến 18/1.
Khánh thành Phòng Khám tư vấn di truyền tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Ảnh: Nguyên Mi
Xét tặng 2 giải A cho các tác phẩm sân khấu 2020
Một thông tin khác trên báo Người Lao Động, Hội đồng Nghệ thuật - Hội Sân khấu TP đã xét tặng "Giải thưởng tác phẩm sân khấu năm 2020" cho 5 vở diễn gồm 2 giải A và 3 giải B.
Với tiêu chí hướng đến những tác phẩm nội dung kịch bản mang thông điệp xây dựng cuộc sống cộng đồng ngày càng văn minh, nghĩa tình, vở diễn có thủ pháp dàn dựng mới lạ, diễn xuất của diễn viên hấp dẫn, thu hút khán giả, hội đồng đã xét tặng 2 giải A cho vở kịch "Mút chỉ mút cà tha" (tác giả Ngọc Phụng, chuyển thể từ truyện ngắn: "Thương quá rau răm" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn NSƯT Thành Hội, Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh) và vở cải lương "Lê Công kỳ án" (tác giả NSƯT Hữu Danh, chuyển thể Phạm Văn Đằng, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu - NSƯT Mỹ Hằng, Nhà hát Trần Hữu Trang).
Cảnh trong vở kịch “Mút chỉ mút cà tha” của Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh đạt giải A. Ảnh: Thanh Hiệp
3 giải B gồm: chùm hài kịch ngắn "Keo của Kiệt", "Tình yêu bùng binh", "Của trời cho", "Giấy giới thiệu diệu kỳ" (tác giả Vương Huyền Cơ - Mai Thịnh - Hoàng Ngọc, đạo diễn Tuyết Mai, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP); vở kịch "Búp bê không biết khóc" (tác giả Lê Thanh Tăng, đạo diễn Vũ Đình Toàn, Công ty TNHH giải trí Hero Film); vở xiếc "Mekong show" (tác giả Lê Quý Dương, đạo diễn Nguyễn Phi Sơn, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam).
NSND Trần Minh Ngọc cho biết đây là 5 tác phẩm tạo được dấu ấn đẹp đối với công chúng và được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong tình hình đối phó với 2 đợt dịch Covid-19, sân khấu TP gặp muôn vàn khó khăn nhưng các sàn diễn vẫn cố gắng sáng đèn và bảo đảm an toàn cho khán giả trong mùa dịch. Mỗi đạo diễn tham gia dàn dựng đã dốc sức đầu tư để hình thức biểu diễn đạt hiệu quả. Vì vậy, 5 giải thưởng này sẽ góp phần tạo thêm năng lượng tích cực để các đơn vị nghệ thuật dàn dựng tác phẩm mới trong năm 2021.
Lễ trao giải thưởng cho các tác phẩm sân khấu sẽ được tổ chức vào sáng 29/1 tại 5B Võ Văn Tần, phường 6, Q.3.