Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 8/2/2021

10:53 08/02/2021

(HMC) - Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 8/2:

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình thăm, tặng quà người dân bị hạn hán ở  Đồng Tháp

Theo báo SGGP, ngày 7/2, đoàn lãnh đạo TP do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình dẫn đầu, đã đi thăm, tặng quà tới đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Đồng Tháp nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Trong buổi lễ, đoàn TP đã trao tặng 300 phần quà (1 triệu đồng/suất) tới người dân tỉnh Đồng Tháp bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Quà tặng này được trích từ nguồn vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP với sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, chiến sĩ TP để ủng hộ bà con miền Tây Nam bộ ảnh hưởng thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình trao quà của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ TPHCM tới bà con bị thiệt hại bởi hạn hán tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình trao quà của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ TPHCM tới bà con bị thiệt hại bởi hạn hán tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu tại buổi trao tặng, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ trước những khó khăn, vất vả của bà con Đồng Tháp trong năm 2020 khi vừa phải phòng chống dịch Covid-19, vừa chịu thêm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Phó Chủ tịch UBND cho hay, với tinh thần tương thân tương ái, lãnh đạo và đồng bào TP mong muốn được san sẻ phần nào với khó khăn của người dân tỉnh Đồng Tháp, tiếp thêm nguồn vui và động lực giúp người dân tỉnh Đồng Tháp vượt qua khó khăn.

Khẩn cấp phong tỏa trong đêm khu Mả Lạng liên quan ca nhiễm COVID-19 ở Tân Sơn Nhất

 Lực lượng chức năng phong tỏa lối vào khu Mả Lạng, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1. Ảnh: ĐAN THUẦN
 Lực lượng chức năng phong tỏa lối vào khu Mả Lạng, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1. Ảnh: ĐAN THUẦN

Ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, tối 7/2, tại hẻm 245 đường Nguyễn Trãi 168 Cống Quỳnh của khu Mả Lạng, lực lượng chức năng phường Nguyễn Cư Trinh đã bố trí 2 lớp cổng kiểm soát. Người dân đến đây đều được thông báo: “Nếu vào bên trong sẽ phải ở tại nhà 21 ngày, không được ra ngoài”. Đến gần 1g sáng ngày 8/2, vẫn còn đông đảo người dân tập trung đến tiếp tế lương thực, đồ dùng thiết yếu cho người thân bên trong.

Theo đó, ca nhiễm COVID-19 được ngành y tế TP công bố sáng 8/2 (bệnh nhân số 2005) ngụ tại khu Mả Lạng (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1). Đây là khu vực nằm trong khu rộng lớn (có thể đi đường Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh hoặc Nguyễn Cư Trinh) với khoảng 1.900 nhân khẩu. Ca nhiễm này được xác định không có tiếp xúc nhiều người. Tuy nhiên cùng lối đi nhỏ hẹp nên khả năng nguy cơ lây nhiễm khá cao

Sân bay ga tàu tấp nập người "vượt dịch" về quê đón Tết

Theo VOV.VN, ngày 7/2, các khu vực như sân bay, ga tàu và bến xe đều tấp nập người về quê đón Tết. Cùng với niềm háo hức về đón Tết với gia đình thì người dân cũng đề cao tinh thần phòng chống dịch bệnh.

Từ 12h trưa chủ nhật ga Sài Gòn bắt đầu đông dần. Tất cả hành khách đều tuân thủ đeo khẩu trang, thậm chí có người đeo 2-3 lớp khẩu trang. Nhà ga đã trang bị nhiều chai nước rửa tay khử khuẩn ở các cửa ra vào và phòng chờ, đồng thời thường xuyên nhắc nhở mọi người thực hiện 5K để phòng dịch.

Sân bay Tân Sân Nhất tuy đông, nhưng mọi người đều ý thức việc đeo khẩu trang phòng dịch. Nhiều gia đình còn trang bị cả mũ chống giọt bắn và bộ đồ bảo hộ phòng dịch. Ở quầy làm thủ tục các hành khách đều được kiểm tra xác nhận đã khai báo y tế. Những người chưa khai báo sẽ được hướng dẫn khai báo online trước khi làm thủ tục bay.

Sân bay Tân Sân Nhất tuy đông, nhưng mọi người đều ý thức việc đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: VOV
Sân bay Tân Sân Nhất tuy đông, nhưng mọi người đều ý thức việc đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: VOV

Còn tại Bến xe miền Đông cũ, các nhân viên cho biết, năm nay mặc dù thời điểm này không đông đúc như mọi năm nhưng lượng khách trong 2 ngày cuối tuần 6/2 và 7/2 đều tăng so với thời gian trước đó. Tuy đông nhưng bến xe khá yên ắng, mọi người đều hạn chế trò chuyện, tiếp xúc với nhau để giữ an toàn phòng chống dịch.

Làm ngày, làm đêm để cấp Căn cước Công dân có chip trước Tết

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán nhưng công an các quận/huyện trên địa bàn TP vẫn liên tục tăng cường làm cả ban đêm để đảm bảo tiến độ cấp Căn cước công dân (CCCD) có gắn chip cho người dân.

Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP, những ngày qua, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CS QLHC về TTXH), Công an Q.Bình Thạnh, vẫn duy trì việc cấp CCCD có gắn chip cho người dân cả ngày lẫn đêm. Dù bận bịu nhiều công việc nhưng khi có thông báo của Cảnh sát khu vực, bà con đều tranh thủ đến trụ sở cấp CCCD, kể cả đi vào ca tối (từ 19h - 22h).

Công an quận Bình Thạnh dành riêng khu vực để làm cho người lớn tuổi trong mỗi ca đêm. Ảnh: LÊ THOA
Công an quận Bình Thạnh dành riêng khu vực để làm cho người lớn tuổi trong mỗi ca đêm. Ảnh: LÊ THOA

Đội CS QLHC về TTXH, Công an Q.Bình Thạnh cho biết từ đây đến khi nghỉ Tết nguyên đán, Công an Q.Bình Thạnh sẽ cố gắng duy trì việc bố trí ba ca cấp CCCD cho người dân vào buổi sáng, chiều và tối để đảm bảo tiến độ cấp CCCD có gắn chip cho người dân.

Tại Công an quận Bình Tân, bên cạnh việc duy trì cấp CCCD cho người dân vào cả buổi tối, Công an quận còn thực hiện lưu động tại các đơn vị để cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh sinh viên, cán bộ hưu trí, …

 Phòng CS QLHC về TTXH, Công an TP cho biết, ngoài cấp cho dân tại trụ sở 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1 thì còn lưu động cấp cho lực lượng vũ trang của TP. Ngoài ra, tại các quận/huyện đều sắp lịch cấp cuốn chiếu cho các phường/xã cho đến khi nghỉ Tết nguyên đán.

Khai mạc lễ hội Phố ông Đồ 'Xuân bình an'

Theo báo Vietnamplus, tối 7/2, Ban Văn hóa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM tổ chức khai mạc lễ hội Phố ông Đồ với chủ đề “Xuân bình an” tại khuôn viên Việt Nam Quốc tự, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM cho biết, lễ hội Tết ông Đồ “Xuân bình an” không chỉ tái hiện lại và phát huy nét văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại mà còn bày tỏ mong muốn và hy vọng của Phật giáo Việt Nam về tình đoàn kết giữa các tôn giáo, các cộng đồng dân tộc để tạo nên sức mạnh của toàn dân.

Ảnh 8: Phong tục truyền thống xin chữ ông đồ được tái hiện tại lễ hội Phố ông Đồ 'Xuân bình an'. Ảnh: Xuân Khu
Ảnh 8: Phong tục truyền thống xin chữ ông đồ được tái hiện tại lễ hội Phố ông Đồ 'Xuân bình an'. Ảnh: Xuân Khu

Lễ hội Tết ông Đồ “Xuân bình an” diễn ra từ ngày 7/2 (26 tháng Chạp Canh Tý) đến ngày 26/2 (Rằm tháng Giêng Tân Sửu), tái tạo nét đẹp văn hóa truyền thống đón Xuân, tặng chữ của những ông đồ xưa, nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc và đạo Phật Việt Nam.

Các ông đồ là những nhà thư pháp có uy tín, chuyên nghiệp từng dự nhiều lễ hội Xuân truyền thống của Thành phố với trang phục áo dài, khăn đóng truyền thống sẽ thể hiện các câu thơ, lời chúc, câu đối Tết bằng thư pháp chữ quốc ngữ trên chất liệu giấy do, lụa, lanminate, đá...

Ngắm đường hoa Nguyễn Huệ trước ngày mở cửa đón khách du xuân

Báo Thanh Niên cho hay, đường hoa Nguyễn Huệ (Quận 1) đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng để người dân TP đến vui chơi trong dịp Tết Tân Sửu năm nay. Theo ban tổ chức, Đường hoa sẽ mở cửa phục vụ bạn trẻ, người dân và du khách từ 19 giờ ngày 9/2 đến 21 giờ ngày 15/2 (tức 28 tháng chạp âm lịch đến mùng 4 tết).

Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay được chia thành 2 chương: Con đường hội tụ bản sắc và Con đường hướng tới tương lai, với 13 phân cảnh lớn, nhỏ khác nhau, trải rộng trên tuyến phố đi bộ dài hơn 700 m. Với chủ đề TPHCM Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu kỳ vọng góp phần quảng bá hình ảnh, vị thế tiên phong của TP mang tên Bác trước vận hội mới.

Cổng chào Tết Tân Sửu với linh vật trâu ở đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: PHẠM HỮU
Cổng chào Tết Tân Sửu với linh vật trâu ở đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: PHẠM HỮU
26 linh vật trâu được thiết kế đa dạng từ các chú nghé đến những đàn trâu to khỏe, thân thiện. Ảnh:PHẠM HỮU
26 linh vật trâu được thiết kế đa dạng từ các chú nghé đến những đàn trâu to khỏe, thân thiện. Ảnh:PHẠM HỮU
Linh vật trâu kéo xe bên cạnh những cánh diều tuổi thơ. Ảnh:PHẠM HỮU
Linh vật trâu kéo xe bên cạnh những cánh diều tuổi thơ. Ảnh:PHẠM HỮU
Hình ảnh những chú bé mục đồng trên lưng trâu vượt sông. Ảnh:PHẠM HỮU
Hình ảnh những chú bé mục đồng trên lưng trâu vượt sông. Ảnh:PHẠM HỮU
Đoạn cuối Đường hoa Nguyễn Huệ là những bông lúa được tạo hình bằng khung kim loại, phun tạo màu tỏa ánh sáng dọc thân kèm câu chúc mừng năm mới. Ảnh: PHẠM HỮU
Đoạn cuối Đường hoa Nguyễn Huệ là những bông lúa được tạo hình bằng khung kim loại, phun tạo màu tỏa ánh sáng dọc thân kèm câu chúc mừng năm mới. Ảnh: PHẠM HỮU

Xe kẹt cứng, giao thông hỗn loạn trên đường từ TPHCM về miền Tây

Ngày 7/2, lượng người từ TP HCM trở về các tỉnh ĐBSCL tăng đột biến. Dòng xe kẹt kéo dài trên tuyến QL1A nhiều giờ, nhất là đoạn từ thị xã Cai Lậy đến thị trấn Cái Bè (thuộc tỉnh Tiền Giang).

Theo ghi nhận của phóng viên báo Người Lao Động, từ 3 giờ ngày 7/2, dòng xe nối đuôi nhau, nhích từng chút một trên QL1A. Đến khoảng 7 giờ, hàng ngàn xe máy và xe ôtô đã tự rẽ vào đường nhánh thuộc địa phận huyện Cai Lậy để di chuyển sang tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nhằm tránh kẹt xe. Tuy nhiên, do không có sự điều tiết của CSGT nên lực lượng an ninh túc trực tại dự án không cho người dân đi vào tuyến cao tốc.

Do QL1A ùn tắc giao thông nên nhiều phương tiện rẽ vào đường nhánh
Do QL1A ùn tắc giao thông nên nhiều phương tiện rẽ vào đường nhánh

Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan vì đường hẹp, xe không thể quay đầu nên dòng xe máy, ôtô bị kẹt cứng lại, giao thông hỗn loạn, Ban điều hành dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã phải linh động điều tiết, phân luồng cho xe chạy lên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (đoạn từ kênh Đại Thắng về đến Cái Bè) để giải thoát dòng xe bị mắc kẹt, đồng thời tăng cường lực lượng an ninh để đảm bảo an toàn trong quá trình lưu thông. Sau khoảng 1 giờ, tình trạng hỗn loạn, kẹt xe mới được giải quyết.

Công an TP triệt phá 8 vụ vận chuyển, kinh doanh pháo nổ dịp Tết

Theo Phòng tham mưu - Công an TP, từ khi triển khai cao điểm đến nay, Công an TP đã triệt phá 76 nhóm tội phạm với 291 đối tượng, triệt phá 270 vụ với 489 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý, thu giữ gần 60 kg heroin, 74 kg ma tuý tổng hợp, 13 kg cần sa, 3.35 kg cocain; phát hiện 208 vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc trị giá khoảng 70 tỉ đồng (trong đó có 8 vụ vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh pháo nổ).

Công an TP.HCM triển khai cao điểm trấn áp tội phạm dịp tết. Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Công an TP.HCM triển khai cao điểm trấn áp tội phạm dịp tết. Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Trả lời PV báo Thanh Niên, chiều 7/2, thượng tá Thái Thanh Xuân, Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP nhìn nhận, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các hoạt động đòi nợ sẽ gia tăng, các nhóm móc túi, cướp giật sẽ tăng cường hoạt động ở những nơi tập trung đông người như ngân hàng, tiệm vàng, đường hoa, đường sách, các hội chợ, hội hoa xuân, khu vực nhà trọ của công nhân...

Trước tình hình trên, thượng tá Thái Thanh Xuân nhấn mạnh: “Từ đây đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, Công an TP tiếp tục triển khai các kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tuần tra kiểm soát, nhằm đảm bảo ANTT tại địa bàn, mục tiêu trọng điểm, các điểm tổ chức lễ hội tạo không khí vui tươi, an toàn cho người dân TP và du khách đón tết tại TP.HCM”.  

Lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới như thế nào?

Báo Thanh Niên cho hay, ngày 7/2, Sở GD- ĐT TP đã công bố kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa năm học 2021- 2022.

Theo đó, quy trình lựa chọn sách giáo khoa áp dụng với các cơ sở giáo dục phổ thông như sau: Người đứng đầu tổ chức cho các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa các môn học. Sau đó tổ chức cuộc họp gồm người đứng đầu, tổ trưởng chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục do tổ chuyên môn đề xuất. Phòng Giáo dục các quận huyện và TP.Thủ Đức tổng hợp và báo cáo Sở GD-ĐT danh mục sách giáo khoa đã được đề xuất lựa chọn.

 Phải công bố danh mục sách giáo khoa dùng trong năm học mới trước ít nhất 5 tháng.Ảnh:Bảo Châu
 Phải công bố danh mục sách giáo khoa dùng trong năm học mới trước ít nhất 5 tháng.Ảnh:Bảo Châu

Vai trò của Sở GD- ĐT là tham mưu UBND TP quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội địa phương và điều kiện tổ chức dạy tại các cơ sở giáo dục; đề xuất thành viên của các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa và đề xuất kinh phí, cơ sở vật chất để hội dồng thực hiện, tổng họp chuyển giao cho hội đồng lựa chọn thành phố danh mục sách giáo khoa đã được các cơ sở giáo dục lựa chọn.

Sau khi hội đồng lựa chọn thành phố có kết quả lựa chọn thì Sở GD-ĐT tổng hợp, trình UBND TP xem xét, quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các trường học.

Sở GD-ĐT có nhiệm vụ thông báo đến các trường danh mục sách giáo khoa đã được UBND TP phê duyệt trước thời điểm bắt đầu năm học mới ít nhất 5 tháng và hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.

Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục