Khẩu trang và nước sát khuẩn vào diện bình ổn thị trường
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến vừa ký Quyết định số 1115 ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) năm 2020 - Tết Tân Sửu 2021 trên địa bàn TP, ứng phó khẩn cấp dịch Covid-19, hiệu lực đến hết 31/3/2021. Thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng.
Theo đó, bên cạnh 10 nhóm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô); đường RE và RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; gia vị thì khẩu trang các loại (trừ loại chuyên dụng ngành y tế) và nước rửa tay sát khuẩn cũng được đưa vào diện BOTT.
Về sản lượng hàng hóa, trong tháng bình thường lượng hàng bình ổn chiếm 25%-30% nhu cầu thị trường và các tháng tết sẽ chiếm 25%-40%. Riêng các tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19 lượng hàng bình ổn chiếm 35%-50% nhu cầu thị trường.
Ở nhóm khẩu trang các loại TP sẽ đưa vào bình ổn 57,5 triệu cái trong 3 tháng và 3,29 triệu chai nước rửa tay sát khuẩn, tương đương 1,2 triệu lít/3 tháng.
Lên kế hoạch ứng phó tình huống 500 bệnh nhân mắc COVID-19
Theo báo điện tử Vietnamplus, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa có kế hoạch điều trị ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 trong tình huống Thành phố có từ 50-500 trường hợp xác định mắc COVID-19.
Cụ thể, Sở Y tế đã phân tuyến thu dung điều trị hợp lý giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố, đồng thời mở rộng số lượng giường bệnh điều trị riêng cho các trường hợp mắc COVID-19 tương ứng với số lượng người bệnh tại các Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2.
Sở Y tế cũng chuẩn bị và sẵn sàng đưa vào hoạt động thêm bệnh viện mới chuyên điều trị COVID-19. Đó là Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 với quy mô 1.000 giường tại Quận 9 nhằm đáp ứng thu dung, điều trị khi thành phố có trên 200 trường hợp xác định, tương ứng khoảng 1.200 - 3.200 trường hợp bệnh nghi ngờ ở cùng một thời điểm.
Để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh gia tăng, Sở Y tế TP yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng vật tư tiêu hao, thuốc, hóa chất, phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế, đảm bảo công tác điều trị và phòng, kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo liên tục cơ bản và nâng cao về kiểm soát nhiễm khuẩn, khám sàng lọc, hướng dẫn điều trị, phân tuyến điều trị, hồi sức cấp cứu nâng cao và chuyển tuyến điều trị cho nhân viên y tế.
Lăn xả giữa mùa dịch: Ở nơi cuối cùng xử lý mầm bệnh
Được xem là nơi cuối cùng xử lý mầm bệnh Covid-19, suốt hơn tháng qua, không khí làm việc ở lò xử lý rác thải được lấy về từ các bệnh viện, khu cách ly tại Thành phố vô cùng khẩn trương. Đó là ghi nhận của báo Người Lao Động tại Công trường Xử lý và Tái chế chất thải Đông Thạnh (huyện Hóc Môn).
Hàng chục thùng chứa loại 240 lít, có dán niêm phong cẩn thận “Chất thải có nguy cơ chứa nCoV” được công nhân dựng san sát nhau chờ đưa vào lò. Đây là những thùng rác ưu tiên được yêu cầu xử lý nhanh nhất có thể, không để lưu chứa trên 2 giờ trong công trường.
Không có tiếng cười nói, chỉ có tiếng động cơ của lò đốt và tiếng rò rè của bình xịt sát khuẩn liên tục phát ra. Trong trang phục bảo hộ kỹ lưỡng, khoảng 10 công nhân túc trực tại lò. Trong đó, 4 người thay nhau xịt sát khuẩn, 1 người cân – ghi chép lại lượng rác, 1 người điều khiển máy, còn lại thay nhau đưa thùng rác lên hệ thống lò đốt một cách thành thục.
Thời điểm này, có những ngày hàng chục chuyến xe nối tiếp nhau vào công trường với khoảng 20 tấn rác y tế được xử lý. Trong khi toàn đội chỉ có 20 người nên phải túc trực ngày đêm bên lò đốt, chưa kể phải mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nắng nóng, làm việc trong khuôn viên lò đốt ngột ngạt khiến công nhân rất vất vả. Những không ai bảo ai, mọi người cứ thế chia sẻ, động viên nhau làm xuyên trưa để kịp xử lý số rác có nguy cơ chứa Covid-19.
Tuyển sinh lớp 10: Học đến đâu thi đến đó!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ của Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh khẳng định: "Đề thi tuyển sinh lớp 10 sẽ ra theo hướng học đến đâu, thi đến đó".
Cán bộ này cũng cho biết thêm: Đây là kỳ thi tuyển sinh nên nếu đề dễ, điểm chuẩn sẽ tăng, nếu đề khó, điểm chuẩn sẽ giảm. Do đó phụ huynh học sinh không nên quá lo lắng mà thời gian này nên động viên con em học từ xa một cách nghiêm túc.
Dự kiến, chương trình giảng dạy trên truyền hình (do Sở GD-ĐT TP phối hợp với Đài truyền hình TP thực hiện) sẽ hoàn thành chương trình học kỳ 2 lớp 9 và lớp 12 vào ngày 10/5. Học sinh nào chưa kịp xem, có thể tải lại bài trên internet để học lại. Ngoài việc giảng dạy những bài mới, chương trình này còn có cả những bài hướng dẫn ôn tập, kỹ năng làm bài tuyển sinh lớp 10….
Về tuyển sinh đầu cấp, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Bộ GD-ĐT - cho biết Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các sở GD-ĐT căn cứ vào tình hình dạy học thực tế để đề xuất với UBND tỉnh, thành phố quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp như thi, xét hồ sơ, hoặc thi kết hợp xét. Nếu tổ chức thi thì đề thi cũng căn cứ vào nội dung chương trình thực tế đã dạy học.
Cuối 2020 sẽ thông xe kỹ thuật cầu Thủ Thiêm 2
Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh đưa tin: Các hạng mục quan trọng của dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành, dự kiến hợp long vào tháng 9 và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020. Hiện các đơn vị thi công đang dồn toàn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Trong thời điểm cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, các công nhân thi công đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng, chống dịch.
Lượng xe lưu thông qua các tuyến đường xung quanh khu vực thi công cầu Thủ Thiêm 2 đã giảm đáng kể trong mùa dịch COVID-19. Tuy vậy, đơn vị thi công vẫn thực hiện tốt công tác đảm bảo giao thông như nhân viên hỗ trợ điều tiết giao thông, biển báo công trình, đèn tín hiệu…
Ở phía quận 2, phần cầu chính đang được thi công tiến ra giữa sông Sài Gòn. Tại đây có hàng chục kỹ sư, công nhân miệt mài làm việc. Các đường dẫn lên cầu phía quận 2 được đơn vị thảm bê tông nhựa và dần đồng bộ với các hạng mục chính của cầu. Ngoài ra, hệ thống cây xanh, chiếu sáng và vỉa hè cũng đã hoàn tất.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT Thành phố cho biết, cầu Thủ Thiêm 2 sau khi hoàn thành sẽ hình thành hệ thống giao thông liên tục từ quận 2 về trung tâm TP. Đồng thời đây là tuyến đường để chia sẻ lưu lượng giao thông với hầm Thủ Thiêm và xa lộ Hà Nội hiện nay. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị sáng tạo phía đông.
Nấu cơm tặng những người nghèo khó
Rất nhiều hoạt động tình nguyện của người trẻ trong thời gian gần đây, dù hình thức có khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích hỗ trợ người nghèo, người lang thang cơ nhỡ. Đó là nội dung được đăng tải trên báo Thanh Niên.
Anh Võ Quốc Bình, Đội trưởng Đội công tác xã hội thanh niên TP.Hồ Chí Minh, cho biết đội của mình có tổ chức chương trình phát thức ăn miễn phí cho người nghèo, người vô gia cư, xe ôm... diễn ra lúc 16 giờ mỗi ngày tại số 5 Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1.
Hằng ngày, từ 4 giờ sáng, các tình nguyện viên thay nhau đi chợ mua thức ăn. Sau đó cả nhóm đến địa chỉ 30 Duy Tân, P.15, Q.Phú Nhuận để nấu rồi tiếp tục phân chia suất ăn để phát miễn phí cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Ông Nguyễn Anh Tường (ở trọ tại hẻm nước đá, trên đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh) cho biết, mưu sinh kiếm sống qua ngày bằng việc lượm ve chai. Nhưng những ngày này, để kiếm ve chai không phải dễ. “Hôm nay tôi tưởng mình sẽ nhịn đói vì không biết lấy tiền đâu mua cơm. Nào ngờ biết được thông tin ở đây có tặng cơm miễn phí nên đến nhận lấy. Vậy là đỡ đói rồi”, ông Tường chia sẻ.
Chia sẻ về những hoạt động tình nguyện, chị Phan Thị Thanh Phương, Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP, cho biết: “Những hành động, việc làm như thế dù nhỏ thôi nhưng rất có ý nghĩa, góp phần cùng xã hội ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”.