Tổng hợp thông tin liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 14/4/2020

10:40 14/04/2020

Trên các báo số ra ngày 14/4/2020 có nhiều thông tin liên quan đến TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Báo chí TP tổng hợp một số thông tin đáng chú ý:

Chuyên gia đề xuất các phương án sau ngày 15/4

Ngày 15/4 sẽ là thời hạn cuối cùng thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việt Nam sẽ lựa chọn phương án nào để vừa đảm bảo quyết liệt chống dịch, vừa cân bằng phát triển kinh tế, an sinh xã hội? Đó là nội dung được đăng tải trên báo Pháp Luật TP.

Nhà hoạt động giáo dục GIẢN TƯ TRUNG, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED: “Tôi cho rằng bài toán quan trọng nhất bây giờ là chống dịch, là sự an toàn và sức khỏe của người dân, thế nên các vấn đề kinh tế, giáo dục… cần xếp sau. Dẫu chúng ta hiểu rằng nhiều người sợ đói hơn chết dịch nhưng chúng ta thấy rõ thời gian qua Chính phủ đã có những quyết định nhanh và tốt: Hỗ trợ người khó khăn, giãn thuế doanh nghiệp… Hơn nữa, chúng ta chỉ mới dừng ở cách ly toàn quốc chứ chưa phong tỏa, ai cần thiết vẫn có thể ra ngoài cho mục tiêu thiết yếu…”

Cùng với đề xuất tiếp tục cách ly xã hội tới 30-4, các ý kiến cho rằng cần xác định cấp độ rủi ro để từ đó phân cấp, phân vùng cách ly rồi giãn dần.
Cùng với đề xuất tiếp tục cách ly xã hội tới 30-4, các ý kiến cho rằng cần xác định cấp độ rủi ro để từ đó phân cấp, phân vùng cách ly rồi giãn dần.

Theo Ông ĐỖ DUY THÁI, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Việt: “Nên tiếp tục thực hiện lệnh cách ly xã hội đến hết ngày 30-4 rồi Chính phủ tính toán có những thông báo tiếp căn cứ vào tình hình dịch bệnh. Vì thực sự các hoạt động sản xuất vẫn có thể chủ động…”

Còn với TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế thì cho rằng: cần có biện pháp cho tiếp tục phục hồi hoạt động từng bước có kiểm soát. Ví dụ như vùng đang có dịch bệnh, xác định hiện có độ lây nhiễm cao thì tiếp tục kiểm soát từng vùng, hạn chế người ra vào. Đối với những lĩnh vực có thể tiếp xúc đông người thì cần có biện pháp giám sát hạn chế lây lan để từng bước cho hoạt động trở lại. Chính phủ nên có thông báo cụ thể về tiến trình cách ly xã hội, đến ngày nào thì ngành nào được hoạt động trở lại, điều kiện như thế nào, quy mô ra sao… để họ chuẩn bị.

Tương tự, PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Sociallife): Chúng ta nên xác định cấp độ rủi ro để từ đó phân cấp, phân vùng cách ly rồi giãn dần. Quan trọng nhất chính là tạo ra ý thức về “hệ miễn dịch trong tư tưởng” của người dân. Người dân thấy việc quan trọng của bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, điều đó có giá trị hơn là cách ly chỉ dừng ở mức độ hành chính.

Trên quan điểm Nới lỏng cách ly kèm giám sát chặt, xử phạt nghiêm, BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 1 cho rằng: Các biện pháp nới lỏng cách ly cũng phải được tiến hành từ từ, theo từng giai đoạn. Trước mắt, chỉ nên mở lại những ngành sản xuất cần thiết, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp trước. Những nơi có thể tập trung đông người thì nên tiếp tục tạm ngưng thêm một thời gian.

Nới lỏng biện pháp cách ly phải song hành cùng các biện pháp giám sát chặt chẽ và xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm về phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Bước đầu hỗ trợ 78.000 người lao động mất việc vì dịch Covid-19

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Tính đến ngày 13/4, bước đầu TP. Hồ Chí Minh ghi nhận và dự kiến hỗ trợ khoảng 78.000 công nhân, người lao động, giáo viên mầm non bị mất việc do bị tác động bởi dịch bệnh. Tổng kinh phí hỗ trợ bước đầu ước tính khoảng 236 tỷ đồng. 

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn trao tiền hỗ trợ người bán vé số ở quận Phú Nhuận, TPHCM
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn trao tiền hỗ trợ người bán vé số ở quận Phú Nhuận, TPHCM

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Lê Minh Tấn cho biết, Sở này đã rà soát, ghi nhận gần 47.000 công nhân, người lao động bị mất việc làm. Trong đó, có khoảng 44.000 công nhân, người lao động ở các doanh nghiệp đóng trên địa bàn 24 quận, huyện; 840 công nhân, người lao động ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp – khu chế xuất; 1.970 công nhân, người lao động ở Khu công nghệ cao.

Thành phố cũng thống kê danh sách 31.500 giáo viên mầm non, người chăm sóc trẻ tại các cơ sở mầm non, nhóm trẻ tư thục, ngoài công lập đang không có việc làm do các cơ sở ngừng nhận trẻ trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ dự kiến cho công nhân, người lao động, giáo viên mầm non là 1 triệu đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ là 3 tháng (tháng 4, tháng 5 và tháng 6-2020).

Ông Lê Minh Tấn cho biết thêm, việc thống kê, lên danh sách công nhân, người lao động bị mất việc vẫn được các quận, huyện tiếp tục cập nhật.

Xăng giảm xuống dưới 12.000 đồng/lít

Chiều 13/4, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần - Báo Tin tức cho hay.

Theo đó, giá xăng RON95-III giảm 621 đồng/lít, giá bán lẻ tối đa không quá 11.939 đồng/lít; xăng E5 RON92 giảm 613 đồng/lít; giá bán lẻ tối đa không quá 11.343 đồng/lít.

Xăng dầu giảm giá lần thứ 7 liên tiếp từ đầu năm 2020 đến nay. Ảnh: TTXVN.
Xăng dầu giảm giá lần thứ 7 liên tiếp từ đầu năm 2020 đến nay. Ảnh: TTXVN.

Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh giảm. Theo đó, dầu diesel 0.05S giảm 436 đồng/lít, dầu hỏa giảm 502 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S giảm 126 đồng/kg. Giá bán lẻ mới của dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut lần lượt là 10.823 đồng/lít, 8.639 đồng/lít và 9.327 đồng/kg.

Đây là lần giảm giá xăng, dầu thứ 7 liên tiếp từ đầu năm 2020 đến nay. 

Liên Bộ Công Thương – Tài Chính quyết định phương án điều hành các mặt hàng xăng dầu nhằm hỗ trợ đời sống của người dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, để bảo đảm giá bán xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Việc điều hành giá xăng dầu cũng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 Quốc hội giao, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Xử phạt 4.360 trường hợp không đeo khẩu trang khi ra đường

Thông tin từ báo Tin tức, từ ngày 28/3 đến ngày 13/4, TP Hồ Chí Minh đã xử phạt 4.360 trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang khi ra đường với tổng số tiền khoảng 868 triệu đồng. Những trường hợp bị xử phạt do không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế, được áp dụng theo Điểm a, Khoản 1, Điều 11 Nghị định 176/2013 với mức phạt dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/trường hợp (trung bình 200.000 đồng/trường hợp).

Cán bộ UBND Quận 3 lập biên bản xử lý người vi phạm quy định về giãn cách xã hội khi tụ tập đông người tại khu vực Hồ Con Rùa (Quận 3).
Cán bộ UBND Quận 3 lập biên bản xử lý người vi phạm quy định về giãn cách xã hội khi tụ tập đông người tại khu vực Hồ Con Rùa (Quận 3).

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong, tại TP Hồ Chí Minh, từ ngày 3/4 đến nay, về cơ bản đã không xuất hiện ca nhiễm nào tại cộng đồng nên người dân có tâm lý chủ quan, lơ là. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn còn cao, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như đã quy định.

Cụ thể, gần đây, một số tuyến đường trung tâm dần trở nên đông đúc hơn dù Thành phố đã yêu cầu người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết (mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, làm việc tại nhà máy, xí nghiệp…). Tại các địa điểm sinh hoạt công cộng, người dân bắt đầu tụ tập đông người để tập thể dục, đi dạo…

Vì vậy, người đứng đầu UBND TP khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là và không ra ngoài khi không thực sự cần thiết.

4 biện pháp xử lý tội phạm COVID-19

Trao đổi với Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh, Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Lê Ngọc Tiến cho biết: Viện trưởng VKSND TP vừa có văn bản gửi giám đốc công an và chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TP về việc phối hợp xử lý tội phạm liên quan đến dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, viện trưởng VKSND TP đã đề nghị người đứng đầu hai cơ quan tố tụng còn lại phối hợp chỉ đạo để thực hiện bốn biện pháp cấp bách.

Thứ nhất, chỉ đạo Cơ quan điều tra (CQĐT), TAND hai cấp phối hợp chặt chẽ với VKS hai cấp TP khẩn trương thu thập tài liệu, thống nhất đánh giá chứng cứ và bàn ngay các biện pháp để xử lý, giải quyết kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm đúng luật đối với những hành vi phạm tội, nhất là liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thứ hai, thống nhất áp dụng ngay thủ tục rút gọn đối với các vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục này theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Thứ ba, trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án nếu các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất việc xử lý đối với vụ việc, vụ án thì triển khai thực hiện ngay theo thẩm quyền.

Thứ tư, tăng cường phối hợp liên tục và chặt chẽ giữa CQĐT, VKS, TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh để xử lý, giải quyết, đáp ứng yêu cầu giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

Tháng 6 sẽ có đủ mặt bằng để làm metro số 2

Dự kiến đến tháng 6/2020, các quận, huyện sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án metro số 2 (Bến Thành - Suối Tiên) cho Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố  (MAUR) để khởi công vào tháng 10. Đó là thông tin được đăng tải trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh số ra hôm nay.

Sơ đồ các nhà ga thuộc dự án metro số 2. Đồ họa: HỒ TRANG
Sơ đồ các nhà ga thuộc dự án metro số 2. Đồ họa: HỒ TRANG

Đại diện MAUR cho hay đối với dự án metro số 2, dự kiến từ hôm nay (14/4) đến 18/4, các quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú sẽ phát hành trực tiếp phương án bồi thường chi tiết đến từng hộ dân để lấy ý kiến. Do thời điểm dịch Covid-19 nên MAUR không tổ chức họp niêm yết. Sau 20 ngày, nếu các hộ dân có ý kiến sẽ tổ chức họp.

Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, đơn vị đã làm việc với các đơn vị chủ sở hữu, vận hành và các sở quản lý chuyên ngành. Qua đó thống nhất phương án kế hoạch thực hiện đối với từng nhóm hạng mục công trình.

Về công tác GPMB, dự án có tổng diện tích bị ảnh hưởng là 251.136 m2 với 602 trường hợp bị giải tỏa. Trong đó 108 hộ đã nhận tiền bồi thường, 53 hộ đã bàn giao mặt bằng. Hiện nay, UBND các quận đã tiến hành phê duyệt điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Dự kiến đến tháng 6/2020, các quận, huyện sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho MAUR.

Theo MAUR, để đảm bảo kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ, UBND Thành phố đã thống nhất việc thành lập tổ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án.

Hơn 19.000 lao động trong cơ sở lưu trú tạm ngừng việc

Cũng trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, chiều 13/4, Sở Du lịch TP cho biết về kết quả đánh giá tác động, đề xuất giải pháp ứng phó, phát triển ngành du lịch trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Theo báo cáo của 25 cơ sở lưu trú du lịch cao cấp, tình hình kinh doanh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống và cơ sở mua sắm giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm gần 59%; kinh doanh hội nghị giảm 60,8%. Kinh doanh nhà hàng, tiệc và kinh doanh khác giảm 60,1%.

Ngành du lịch TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19
Ngành du lịch TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19

Ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên có 830 lao động nghỉ việc, 19.587 lao động phải tạm thời ngừng việc chiếm gần 70% trong tổng số lao động tại các cơ sở lưu trú hiện nay.

Trước tình hình trên, Sở Du lịch đã có kiến nghị, đề xuất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP và đề ra các giải pháp phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới.

Trong đó, tập trung các nhóm giải pháp như đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế… Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp du lịch.

Sở cũng sẽ nghiên cứu các kịch bản để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Từ đó có những giải pháp hỗ trợ cho công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch…; tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; triển khai chương trình kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới.

Gõ cửa người nghèo gửi phần cơm ấm

“Ngoài những giờ học online, mình tranh thủ buổi trưa chạy ra phường nhận những phần cơm được một bếp ăn ủng hộ rồi mang đến cho những hoàn cảnh khó khăn. Mình muốn làm phần việc nhỏ cùng mọi người” – Đó là chia sẻ của Trần Ngọc Ánh, học sinh lớp 10, nhà ở phường 13, quận 4 với báo Tuổi Trẻ.

Giữa cái nắng trưa, hai tình nguyện viên Ngọc Ánh và Ngọc Tú chia nhau mỗi người xách theo chục phần cơm nóng hổi trong chiếc giỏ to, họ len lỏi vào những con hẻm nằm sâu phía sau khu chợ Xóm Chiếu. Cánh cửa của căn nhà cũ mèm được đẩy ra, cô Tống Thị Ngọc, khoảng 70 tuổi, nhận lấy phần cơm và không quên nói lời cảm ơn.

Các tình nguyện viên lại tiếp tục đến trao phần cơm cho cô Kim Phước, sống nhờ vào mái hiên của một gia đình trong con hẻm nhỏ, với thứ tài sản duy nhất là chiếc ghế xếp tạm bợ…

Trong khi đó, 30 bạn tình nguyện viên của Quận đoàn 2 chia nhau phụ trách các khâu rửa rau, nấu ăn và chia hàng ngàn phần cơm mang đến các khu nhà trọ.

Với nhóm thiện nguyện Hoa Hồng, thay vì chuỗi bếp cơm 0 đồng mời người bán vé số, nhặt ve chai…đến dùng tại chỗ như trước đây thì những ngày này, các tình nguyện viên chia cơm ra các hộp để người cần ghé lấy mang đi. Còn những ai khó khăn trong việc đi lại thì các bạn mang đến tận nơi.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục