Chuẩn bị tiếp tục cho học sinh nghỉ học
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM chiều 15/4, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu, đề xuất phương án để TP ban hành quyết định kéo dài thời gian học sinh nghỉ học trên địa bàn thành phố. Thông tin được đăng tải trên báo Pháp Luật TP.
Lý giải về động thái này, Phó Chủ tịch UNDM TP Lê Thanh Liêm cho biết trước đây TP đã kéo dài thời gian cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 19/4. Tuy nhiên, chỉ đạo mới của Thủ tướng kéo dài thời gian cách ly xã hội ở TP.Hồ Chí Minh đến hết ngày 22/4. Do đó, TP yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng nghiên cứu đề xuất thời gian tiếp tục cho học sinh nghỉ học.
Ngoài ra, ông Liêm cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Bộ tiêu chí an toàn trường học trong dịch COVID-19 theo chỉ đạo trước đó của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Sở sẽ lấy ý kiến của các trường, sau đó báo cáo để UBND TP ban hành Bộ tiêu chí trước ngày 30/4.
Bộ Y tế ủng hộ TP. Hồ Chí Minh thực hiện ‘quy trình kép' loại trừ COVID-19
Từ các trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố âm tính, sau đó dương tính hoặc dương tính sau 14 ngày cách ly, TP.Hồ Chí Minh chủ động thực hiện một “quy trình kép” để sàng lọc triệt để nguồn bệnh.
Theo giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh, bệnh nhân ngoài việc cách ly tại nhà 14 ngày sau khi xuất viện hoặc cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế, các trường hợp do TP.HCM quản lý còn được làm xét nghiệm ngày thứ 5 và ngày thứ 14 trước khi "giải phóng" nhằm loại trừ các trường hợp vẫn có thể dương tính trở lại. Và việc làm này đã được TP áp dụng thực hiện trong thời gian qua.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bày tỏ: "Tôi hoàn toàn hoan nghênh việc làm này. Tuy vậy, cần tính đến việc nếu xét nghiệm thêm cho tất cả các bệnh nhân là vấn đề không dễ, bởi chỉ có thể thực hiện được với các cơ sở có tiềm năng như TP. Hồ Chí Minh. Còn việc khuyến cáo thực hiện chung cho cả nước ở thời điểm này tôi thấy chưa cần thiết".
Ủng hộ việc TP.Hồ Chí Minh thận trọng trong việc thiết lập "quy trình kép" phòng ngừa sự phát tán COVID-19, ông Sơn nói hiện nay vấn đề quan trọng đối với tất cả các xét nghiệm để sàng lọc, xác định ca nhiễm COVID-19 đều phải sử dụng xét nghiệm bằng hệ thống máy RT-PCR (xét nghiệm tìm kháng nguyên).
Riêng xét nghiệm sàng lọc sử dụng test kháng thể chưa được khuyến cáo. "Xu hướng tương lai Bộ Y tế sẽ khuyến cáo vấn đề sử dụng các test kháng thể để xác định đáp ứng đối với cả người bệnh đã bị nhiễm COVID-19. Nếu có được kháng thể này thì có thể hoàn toàn yên tâm người bệnh có thể ra cộng đồng mà không lây nhiễm", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phân tích.
Tăng tần suất bay chặng Hà Nội-TP.Hồ Chí Minh
Thông tin từ Vietnamplus, theo quyết định của Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 16/4, Vietjet tăng tần suất khai thác các chuyến bay khứ hồi chở khách giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lên 2 chuyến mỗi ngày, 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày với chặng bay giữa Hà Nội và Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Ngoài ra, mỗi ngày hãng hàng không còn khai thác khoảng 10 chuyến bay chuyên chở hàng hóa. Bên cạnh hàng hóa thông thường, các chuyến bay còn thực hiện nhiệm vụ chuyên chở miễn phí vật tư, trang thiết bị y tế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Cũng từ ngày 16/4, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đồng loạt tăng tần suất khai thác đường bay giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh theo sự điều hành, cấp phép của Cục Hàng không Việt Nam.
Các chuyến bay hạ cánh tại TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện giãn cách tối thiểu 90 phút.
Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến/ngày thay cho 1 chuyến/ngày như trước đây. Bên cạnh đó, các đường bay giữa Đà Nẵng và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được hãng duy trì khai thác 1 chuyến/ngày.
Hãng hàng không Jetstar Pacific cũng tăng tần suất đường bay giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lên 1 chuyến/ngày thay cho 4 chuyến/tuần như trước.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh tàu bay, Các hãng hàng không thực hiện nghiêm ngặt công tác phun khử trùng và vệ sinh trang thiết bị ngay sau mỗi chuyến bay hạ cánh. Toàn bộ đội tàu bay khai thác trong ngày sẽ được phun khử trùng một lần nữa và ủ thuốc qua đêm vào cuối ngày.
Bên cạnh đó, duy trì triển khai và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch như kiểm tra sức khỏe hành khách tại sân bay, yêu cầu khai báo sức khỏe trực tuyến trước chuyến bay, từ chối vận chuyển hành khách có dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19 và bố trí chỗ ngồi giãn cách trên máy bay theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam.
Cách ly xã hội đến hết 22/4, dân đi lại các bến phà ra sao?
Cũng trên báo Tuổi Trẻ, Sở Giao thông vận tải TP cho biết, trong thời gian tiếp tục thực hiện cách ly xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, từ 0 giờ ngày 16/4 đến hết ngày 22/4, hoạt động của bến phà, bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách như sau:
Phà Cát Lái (nối quận 2 với Đồng Nai) duy trì hoạt động, người dân và các phương tiện không bị cấm lưu thông sẽ qua phà trong các khung giờ từ 5 giờ đến 9giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ. Thời gian còn lại phà chỉ phục vụ xe vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm, xe công vụ, xe cấp cứu, xe phục vụ chống dịch...Trong đó, các phương tiện cấm đi lại qua phà gồm xe khách, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch và xe tải có tổng tải trọng từ 8 tấn trở lên.
Đối với phà Bình Khánh vẫn hoạt động để phục vụ công nhân, người lao động tại huyện Cần Giờ làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đồng thời phục vụ thường xuyên cho xe chở người đi cách ly tập trung tại huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, hành khách trên phà chấp hành đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m, phà không được phép chở quá 50% sức chứa.
Đối với các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách phải tiếp tục dừng hoạt động vận tải hành khách.
Riêng tuyến đò từ Cần Thạnh - Cù Lao Phú Lợi (xã Thạnh An) và tuyến Cù Lao Phú Lợi - Thiềng Liềng vẫn hoạt động bình thường, bắt buộc chấp hành các quy định về chống dịch COVID-19.
Sở Giao thông vận tải TP yêu cầu các đơn vị liên quan, các khu chế xuất, khu công nghiệp lập tức thông báo cho người dân, công nhân được nắm rõ hoạt động của các bến phà, các phương tiện, tránh gây khó khăn trong quá trình đi lại của người dân.
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chi 20 tỉ đồng hỗ trợ sinh viên
Báo Người Lao Động đưa tin: Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) vừa quyết định thông qua các chính sách hỗ trợ sinh viên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng mức gói hỗ trợ là 20 tỉ đồng.
Các chính sách hỗ trợ sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh gồm: Hỗ trợ 5% học phí các học phần online trong học kỳ đầu 2020; hỗ trợ học tập trực tuyến: chi phí kết nối Internet 100.000 đồng/sinh viên và chuyển phát giáo trình phục vụ học online; hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng dịch Covid-19... Tùy từng trường hợp cụ thể, sinh viên sẽ nhận được các mức hỗ trợ tối đa đến 50% mức học bổng toàn phần (tính trên 15 tín chỉ).
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều trường ĐH như Bách khoa Hà Nội, Công nghiệp thực phẩm TP HCM, Công nghiệp TP HCM, Mở TP HCM, Sư phạm kỹ thuật TP HCM, Nguyễn Tất Thành, Hoa Sen, Quốc tế Hồng Bàng... cũng có các chính sách hỗ trợ sinh viên.