TP. HCM chỉ phát triển dự án nhà ở nơi đã hoàn thiện đồng bộ hạ tầng

08:21 27/06/2020

Do tốc độ phát triển nhà ở dân tự xây rất lớn, nhu cầu sử dụng hạ tầng cao nhưng tốc độ cải tạo, nâng cấp hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ phát triển nhà ở.

TP. HCM chỉ phát triển dự án nhà ở nơi đã hoàn thiện đồng bộ hạ tầng
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh vừa xây dựng và trình Ủy ban Nhân dân Thành phố đề án “Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021-2030."

Đáng chú ý, đề án đã đề cập đến nhiều giải pháp phát triển nhà ở trong bối cảnh Thành phố đang đứng trước áp lực đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu nhà ở bức thiết, tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các khu vực trung tâm, việc xây dựng các dự án nhà ở cao tầng tại các quận nội thành phát triển.

Theo đề án, hiện nay trên địa bàn Thành phố có khoảng 1,92 triệu căn nhà trong đó nhà ở riêng lẻ chiếm hơn 88% còn lại là căn hộ chung cư. Thành phố vẫn còn 13.770 căn nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ. Mật độ nhà ở trung bình trên toàn Thành phố là 913 căn/km2, thấp nhất tại huyện Cần Giờ là 29 căn/km2, cao nhất tại quận 4 với 10.894 căn/km2.

Diện tích bình quân về nhà ở của Thành phố đạt 20,1m2/người. Trên địa bàn Thành phố vẫn còn một lượng công trình nhà ở có tuổi thợ trên 30 năm, nhất là chung cư cũ. Giai đoạn 2016-2019 có hơn 98.000 căn nhà ở thương mại, tập trung chủ yếu ở nội thành hiện hữu và nội thành phát triển. Trong khi đó nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2019 có 23 dự án hoàn thành với tổng số 12.828 căn.

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở hiện nay là thiếu nguồn cung loại hình nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê. Việc cải tạo xây dựng mới nhà ở thay thế chung cư cũ (hiện chỉ mới hoàn tất di dời được 6/15 chung cư cấp D, cấp nguy hiểm, chỉ mới cải tạo và sửa chữa 116/474 cung cư cũ xây dựng trước năm 1975) di dời nhà trên và ven kênh rạch vẫn còn nhiều hạn chế (dự tính đến năm 2020 chỉ bồi thường, di dời được 7.231 căn, đạt 36,2% so với chỉ tiêu đề ra).

Hạ tầng kỹ thuật nhà ở nhiều khu vực chưa được cải tạo, nâng cấp tương xứng dẫn tới quá tải về hạ tầng chung. Do tốc độ phát triển nhà ở dân tự xây rất lớn, nhu cầu sử dụng hạ tầng cao nhưng tốc độ cải tạo, nâng cấp hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ phát triển nhà ở.

Trong khi đó, quá trình quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở còn tồn tại nhiều bất cập. Trung bình 5 năm dân số Thành phố tăng 1 triệu người (hiện Thành phố có khoảng 13 triệu người đang sinh sống, làm việc thường xuyên). Tỷ trọng của dân số cơ học tăng thêm tại khu vực nội thành phát triển là 54,5% và ngoại thành là 42%.

Dự báo từ năm đến năm 2030 Thành phố cần khoảng 150 triệu m2 sàn nhà ở (tương đương khoảng 830.000 căn nhà). Để đáp ứng được nhu cầu đó, về diện tích, đến năm 2030 Thành phố sẽ cần tới 946ha để xây dựng chung cư và 850ha để xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Trước tình hình đó, việc hoạch định chính sách phát triển nhà ở lâu dài, ổn định mang tính chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Thành phố.

Theo Sở Xây dựng, quan điểm của Thành phố là chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại, tăng tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới.

Thành phố khuyến khích cơ chế và chính sách mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, nhà nước sẽ bố trí vốn phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua. Tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê đối với phân khúc nhà ở giá rẻ để giải quyết nhu cầu nhà ở khá lớn của các đối tượng có thu nhập thấp, nhất là các hộ gia đình sống trên và ven kênh rạch cần di dời, tái định cư hoặc các hộ gia đình trong các chung cư cũ, hư hỏng nặng.

Thành phố sẽ phát triển dự án nhà ở phải đảm bảo đồng bộ và thống nhất với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phát triển nhà ở cao tầng gắn với hệ thống giao thông ngầm, đường sắt trên cao tại khu vực trung tâm, khu vực nội thành hiện hữu. Thành phố chú trọng phát triển nhà ở dựa trên cơ sở chỉnh trang, cải tạo khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới thay thế chung cư cũ, di dời nhà trên và ven kênh rạch được lồng ghép vào các chương trình trọng điểm của Thành phố.

Phát triển nhà ở lan toả theo hệ thống giao thông đô thị, các các tuyến đường chính kết nối các đô thị vệ tinh, đường vành đai liên kết vùng, hệ thống đường sắt trên cao, gắn liền với quy hoạch kinh tế xã hội của Thành phố, khu vực, vùng miền. Phát triển hạ tầng đường hành lang ven kênh rạch, ngăn ngừa tái diễn tình trạng nhà trên và ven kênh rạch.

Về định hướng phát triển nhà ở theo khu vực, đối với khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, 3), Thành phố ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch (dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng…) cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975. Hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng bảo đảm và phù hợp.

Đối với khu vực 11 quận nội thành hiện hữu (quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh) sẽ tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng diện đại, hoàn thiện các dự án dở dang, ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975, di dời nhà trên và ven kênh rạch.

Riêng các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở tại những khu vực có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội tương đứng đảm bảo và phù hợp.

Riêng sáu quận nội thành phát triển gồm quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như tuyến metro số 1, các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

Trong khi đó, năm huyện ngoài thành (huyện Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè) sẽ ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn; phát triên khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh…/.

TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục