Bộ Xây dựng lên phương án thi công bệnh viện dã chiến
Theo Vietnam+/TTXVN, sáng 9/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì cuộc họp triển khai chỉ đạo của Chính phủ về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho tình huống khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng gợi ý có thể sử dụng các nhà thi đấu, sân vận động hoặc khu đất trống có diện tích lớn... để xây dựng bệnh viện dã chiến.
Theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan lập thiết kế điển hình, dự toán xây dựng bệnh viện dã chiến có quy mô, hình thức khác nhau (xây dựng mới theo hình thức lắp ghép; lều bạt hay cải tạo các công trình sẵn có như sân vận động, nhà thi đấu, hội trường, cơ sở giáo dục…), đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Bộ Xây dựng được Chính phủ giao xây dựng kế hoạch huy động các đơn vị có uy tín, kinh nghiệm để đảm bảo nhân lực, phương tiện, nguyên vật liệu… nhằm triển khai nhanh chóng ngay khi có yêu cầu; đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng quy định.
Bộ Xây dựng cho biết, trước đó, Bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị nòng cốt là Viện Kiến trúc Quốc gia, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) và cùng một số đơn vị liên quan nghiên cứu, lên phương án xây dựng bệnh viện dã chiến trong tình huống dịch COVID-19 bùng phát.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng yêu cầu các đơn vị đưa ra phương án, giải pháp cụ thể về kỹ thuật, quy mô, tính chất, sự cấp bách và thời gian sử dụng của bệnh viện dã chiến để lập thiết kế điển hình cho xây dựng công trình khẩn cấp. Từ đó, có tiêu chí lựa chọn vị trí, mặt bằng, giải pháp thi công phù hợp, đáp ứng nhanh nhất yêu cầu đặt ra.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng gợi ý có thể sử dụng các nhà thi đấu, sân vận động hoặc khu đất trống có diện tích lớn...
Cùng với đó, Thứ trưởng Lê Quang Hùng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị gồm Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Vụ Kế hoạch tài chính phối hợp với đơn vị tư vấn nhanh chóng rà soát, lập danh sách các nhà sản xuất cung cấp vật liệu, thiết bị-thi công xây dựng có năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm thi công bệnh viện; cung ứng vật liệu xây dựng, vật tư, trang thiết bị có sẵn trên thị trường, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Cục Kinh tế Xây dựng sẽ phối hợp các đơn vị nghiên cứu tổng mức đầu tư, cơ chế đặc thù cho từng đơn vị tham gia thực hiện xây dựng bệnh viện dã chiến để đảm bảo thanh quyết toán một cách nhanh nhất và tiết kiệm vốn ngân sách nhà nước.
Ông Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quốc gia, cho biết đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước về xây dựng bệnh viện dã chiến như Trung Quốc với hai địa điểm tại Vũ Hán, Anh có công trình tại London và Nga Moskva...
Việc xây dựng bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 đòi hỏi phải đáp ứng một số tiêu chí chính như vị trí thuận lợi, tách xa khu dân cư nhưng cũng đảm bảo dễ dàng liên hệ và kết nối với các đầu mối giao thông (đường không, đường bộ), khu vực cung cấp lương thực, thực phẩm.
Bệnh viện dã chiến còn phải có sẵn nguồn cung cấp điện, nước sạch và thoát nước; đáp ứng được quy mô (số giường bệnh) và các thiết bị y tế cần thiết, theo cấp độ phục vụ.
Cùng đó là khi thực hiện phải đáp ứng tốc độ thi công, lắp dựng và đưa vào sử dụng nhanh nhất; đảm bảo độ an toàn về vệ sinh môi trường và sức khỏe cho con người trong việc sử dụng các vật liệu xây dựng; hiệu quả về kinh tế và giá thành xây dựng...
Tại cuộc họp, Viện Kiến trúc Quốc gia, Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam và các đơn vị tư vấn cũng đã đưa ra một số phương án xây dựng cụ thể cho bệnh viện dã chiến tại Việt Nam, quy mô bệnh viện từ 300-500 giường và từ 800-1.000 giường.
2/3 công chức làm việc tại nhà
Tại TP. Hồ Chí Minh, công tác phòng chống dịch tiếp tục quán triệt nghiêm khắc thực hiện.
Ngay cả trong bộ phận hành chính nhà nước cũng đang áp dụng các phương pháp làm việc trực tuyến để tránh tiếp xúc lây lan dịch bệnh.
Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, ngay từ ngày 1-4, các cơ quan công sở tại TP. Hồ Chí Minh đã bố trí 2/3 cán bộ, công chức làm việc tại nhà. Riêng 100% lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan, đơn vị sẽ làm việc tại trụ sở.
Tại quận 12, chiều 31-3, Chủ tịch UBND quận Lê Trương Hải Hiếu đã ký văn bản gửi đơn vị thuộc quận chỉ đạo về vấn đề này. Theo ông Hiếu, các đơn vị này đã phân công không quá 1/3 lượng cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm việc tại cơ quan, còn lại sẽ bố trí làm việc tại nhà. “Nhân sự được bố trí làm việc tại nhà vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về tiến độ công việc theo quy định” - ông Hiếu nói.
Tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn cũng đã sắp xếp nhân sự làm việc ở nhà. Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Chánh Văn phòng UBND huyện Hóc Môn, cho biết trước giờ huyện đã ứng dụng phần mềm Hóc Môn trực tuyến để điều hành công việc nội bộ. Bà Châu thông tin, hiện nay từ cấp lãnh đạo quận, phường tới các phòng ban chuyên môn đều đã sử dụng thành thạo phần mềm. Do đó, khi bố trí nhân sự làm việc tại nhà, hiệu quả công việc vẫn được đảm bảo.
Một số địa phương như quận 3, huyện Cần Giờ đã bố trí cán bộ làm việc tại nhà ngay từ ngày 30-3 (trước thời điểm có Chỉ thị 16). Cụ thể, ngày 26-3, UBND quận 3 đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và 14 phường xây dựng phương án sắp xếp 30% cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà luân phiên cách nhau một tuần. Hay như Quận ủy quận 3 ngày 31-3 cũng có văn bản phân công lãnh đạo và chuyên viên làm việc tại cơ quan để duy trì hoạt động bình thường nhưng không quá 1/3 tổng số cán bộ, công chức, người lao động.
Tại các Sở TN&MT, Xây dựng cũng nhanh chóng triển khai thực hiện theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng. Riêng Sở Xây dựng, ngoài việc bố trí nhân sự làm việc ở nhà, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng, đã ký văn bản gửi UBND 24 quận, huyện và các đơn vị liên quan. Trong đó, với các dự án, công trình không mang tính đặc thù, khẩn cấp thì Sở Xây dựng khuyến nghị chủ đầu tư điều chỉnh giãn tiến độ, tạm ngưng thi công xây dựng, hạn chế thi công ca đêm nếu không có yêu cầu đặc biệt.
Sở Xây dựng cũng yêu cầu tại các công trường xây dựng hạn chế số lượng công nhân tập trung đông, tối đa không quá 20 người/ca. Quá trình làm việc phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định…
Theo báo Tuổi Trẻ, trước đó Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Nội vụ TP đề xuất cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể, các đơn vị thực hiện việc tiếp nhận, phân công, xử lý và phát hành văn bản điện tử trên phần mềm quản lý văn bản; sử dụng thư điện tử công vụ để trao đổi công việc, không được sử dụng thư điện tử cá nhân.
Trong trường hợp cần lưu trữ, chia sẻ tài liệu qua mạng, các đơn vị sử dụng dịch vụ lưu trữ tại địa chỉ: https://luutru.tphcm.gov.vn.
Trong nội bộ cơ quan, các đơn vị, chủ động tổ chức họp trực tuyến thông qua các dịch vụ sẵn có hiện nay như: SureMeet (Lạc Việt), MegaMeeting (Mobifone), Zoom, Skype,…
Trong trường hợp cần tham gia hội nghị trực tuyến của TP, các sở - ngành, UBND các quận huyện sử dụng Hệ thống hội nghị trực tuyến của TP tổ chức họp giữa các đơn vị. Địa chỉ sử dụng hệ thống: www.hoinghitruyenhinh.tphcm.gov.vn .
Cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị trao đổi thông tin trong quá trình xử lý công việc thông qua thư điện tử công vụ hoặc sử dụng kênh kết nối của TP tại địa chỉ http://ketnoi.tphcm.gov.vn.