Thành phố Hồ Chí Minh cần ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đối với các tuyến đường giao thông trục chính kết nối các khu vực cửa khẩu cảng biển của Thành phố.
Nội dung trên vừa được Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về sớm triển khai các dự án trọng điểm cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn Thành phố.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, qua rà soát tính cấp thiết đầu tư trong danh mục các dự án theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2030, có sáu dự án trọng điểm là các tuyến đường giao thông trục chính phục vụ vận tải kết nối các khu vực cửa khẩu cảng biển cần ưu tiên, với tổng vốn khoảng 27.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, được chia thành ba nhóm.
Cụ thể, nhóm đang triển khai thi công có dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (thành phố Thủ Đức), đã hoàn thành các công trình thuộc giai đoạn một. Chủ đầu tư đang triển khai các công trình thuộc giai đoạn hoàn thiện theo quy hoạch, nhưng chưa thể tiếp tục do việc bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện (dự án bồi thường giải phóng mặt bằng được tách thành dự án độc lập, tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư).
Nhóm đề xuất chủ trương đầu tư có hai dự án khép kín vành đai 2 Thành phố (đoạn một, đoạn hai), hiện đã được Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép lập, trình hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư; trong đó, đoạn một từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao Bình Thái) có tổng mức đầu tư 9.047 tỷ đồng; đoạn hai từ ngã tư Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng với tổng mức đầu tư 5.569 tỷ đồng.
Đối với nhóm đề xuất mới có ba dự án gồm xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc-Nam (đoạn Nguyễn Văn Linh-cầu Bà Chiêm) với tổng mức đầu tư 7.013 tỷ đồng; dự án xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía Đông (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy), tổng mức đầu tư 1.219 tỷ đồng; dự án xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía Đông (nút giao Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh-Vành đai 2), tổng mức đầu tư 1.018 tỷ đồng.
(Ảnh minh họa. Tiến Lực/TTXVN)
Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên cân đối bố trí vốn đối với các dự án trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông Vận tải lập đề xuất chủ trương đầu tư công đối với các nhóm dự án đề xuất mới.
Trong trường hợp khả năng cân đối kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 khó khăn, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá và báo cáo đề xuất quyết định ngưng hoặc giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa được quyết định đầu tư, chưa mang tính cấp bách để xem xét ưu tiên nguồn lực tập trung triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách trên.
Cuối năm 2020, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết về thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Thành phố, với mục đích tạo nguồn thu cho ngân sách để hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu cảng biển.
Sở Giao thông Vận tải đang triển khai các nội dung, công việc cần thiết để tổ chức thu phí theo thời gian quy định, bắt đầu từ 1/7/2021./.
Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)