Xuống tận nhà dân
Ông Đào Văn Hân (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) gửi đến Zalo của UBND phường Linh Trung tin nhắn: “Tôi đang cần sao y một bộ hồ sơ gồm bằng cử nhân đại học và một số chứng chỉ Anh văn, tin học”. Lập tức, ông Hân nhận được phản hồi: “UBND phường Linh Trung tiếp nhận nội dung. UBND phường sẽ cử nhân viên xuống nhận hồ sơ và giải quyết. Ông vui lòng chờ trong vòng 20 phút sẽ có nhân viên liên hệ và đến tại địa chỉ nhà để hỗ trợ ông. Trân trọng”.
Cứ mỗi yêu cầu của người dân, sau khi gửi tin nhắn phản hồi, cán bộ phường túc trực tại đơn vị tiếp tục gọi điện để hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ theo quy định. Nhận được đầy đủ thông tin, cán bộ phường đến tận nhà dân nhận hồ sơ rồi mang về phường chuyển bộ phận chuyên môn tham mưu, trình lãnh đạo giải quyết. Trong khoảng 15 phút thực hiện các quy trình nội bộ (thẩm định, tham mưu, trình, ký, đóng dấu, ghi sổ…), yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của ông Hân đã có kết quả.
Sau đó, cán bộ phường trở lại nhà dân, gửi kết quả giải quyết kèm thu phí giải quyết hồ sơ. Ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND phường Linh Trung, cho biết, bên cạnh việc khuyến khích người dân làm thủ tục hành chính trực tuyến, phường cũng tổ chức nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua bưu điện. Với nhiều hồ sơ cần xác nhận chữ ký, người làm thủ tục phải ký trước mặt cán bộ phường, vì vậy UBND phường lập tổ phản ứng nhanh đến nhà dân nhận hồ sơ rồi đem về phường giải quyết, sau đó mang kết quả trả cho người dân. “Thông qua 3 biện pháp nêu trên, phường đảm bảo cơ bản thực hiện 100% các loại thủ tục hành chính thuộc phạm vi của phường như những ngày trước khi có dịch, nhưng vẫn tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch bệnh”, ông Trần Quốc Hưng khẳng định.
Là nơi đưa tổ phản ứng nhanh tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại nhà người dân hoạt động từ ngày 11/4, ông Hồ Văn Phước, Chủ tịch UBND phường Trường Thọ, quận Thủ Đức cho hay, thời gian xử lý, trả kết quả tại nhà dân của tổ phản ứng nhanh được thực hiện rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 60 phút. Cách làm này góp phần hạn chế người dân ra ngoài và đến trụ sở UBND phường trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19, song vẫn đảm bảo giải quyết nhu cầu của người dân.
Trong khi đó, ngành bưu điện huy động toàn bộ lực lượng 2.000 bưu tá, nhân viên phối hợp với công chức các phường, xã, thị trấn tới tận nhà chi trả lương hưu, trợ cấp người có công, trợ cấp xã hội đến hơn 210.000 người dân. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Bưu điện TPHCM cho hay, bưu tá, nhân viên làm việc này hoàn toàn miễn phí với tinh thần phục vụ cộng đồng, cùng chung tay TPHCM phòng, chống dịch bệnh.
Vừa chỉnh sửa xong tập hồ sơ, ngẩng lên cũng là lúc hết giờ làm việc buổi chiều, ông Võ Văn Do, Trưởng phòng Nội vụ huyện Nhà Bè, mới nhớ ra mình đang làm việc… ở nhà. Kể từ đầu tháng 4/2020 đến nay, thực hiện giãn cách xã hội, công chức luân phiên nhau làm việc tại nhà, cơ quan ông Võ Văn Do đã thực hiện nghiêm túc. Phòng có 12 người được chia thành 4 nhóm, thay nhau lên cơ quan làm việc. Huyện Nhà Bè cũng tăng cường họp trực tuyến. Với những cuộc họp ít người thì có thể vẫn họp trực tiếp nhưng cũng hạn chế và bố trí ngồi cách nhau tối thiểu 2 mét.
Tại UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, từ ngày 1/4, chỉ còn chưa đầy 15 cán bộ đến trụ sở để làm việc, thay vì hơn 40 cán bộ như trước đây. Danh sách những người làm việc tại trụ sở và làm việc tại nhà được niêm yết công khai. Để đảm bảo tiến độ công việc, mỗi bộ phận đều có nhóm email, Zalo để tương tác, báo cáo và thảo luận công việc. Đánh giá về hiệu quả làm việc tại nhà, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức Mai Huỳnh Thùy Trang cho hay, nhờ tăng cường trao đổi qua email, điện thoại, Zalo… nên guồng quay công việc vẫn luôn đảm bảo, không bị trễ hạn.
Tối chủ nhật (12/4), ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM vẫn bận rộn ký duyệt hồ sơ, giấy tờ. Mỗi ngày, BHXH TPHCM xử lý lượng hồ sơ “khủng” - lên tới 24.000 hồ sơ. Trong tổng số 1.300 công chức, viên chức, người lao động, ngành BHXH duy trì 20% số người luân phiên làm việc tại cơ quan, 80% làm việc tại nhà. Mọi người ở nhà và tăng cường trao đổi trực tuyến với nhau để bàn thảo công việc cả ngày, thậm chí cả buổi tối. Máy tính thường ở chế độ bật, điện thoại mở 24/24. “Bản thân tôi trước đây 2 ngày mới sạc pin điện thoại một lần, bây giờ làm việc ở nhà thì một ngày sạc pin tới 3 lần. Cường độ làm việc liên tục, ngành BHXH đã ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, gần như tất cả thủ tục đều giải quyết trực tuyến nên công chức, viên chức ở nhà vẫn giải quyết tốt công việc, không bị ách tắc bất cứ điều gì”, ông Phan Văn Mến chia sẻ.
Nộp hồ sơ trực tuyến thông qua những kênh nào?
Theo hướng dẫn của UBND TP.HCM, hiện Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã giao thủ trưởng sở, ban, ngành và chủ tịch UBND quận - huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường cho cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và bưu chính công ích.
Cụ thể, theo báo Tuổi Trẻ, cá nhân, tổ chức có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn), Cổng dịch vụ công TP.HCM (https://dvc.hochiminhcity.gov.vn; https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn) cũng như các trang dịch vụ công trực tuyến của sở, ban, ngành, quận, huyện. Khi truy cập các trang này, người dân sẽ đọc thấy hướng dẫn chi tiết 4 bước: đăng ký, đăng nhập, thực hiện và nhận kết quả trực tuyến. Tại đây, người dân cũng có thể tra cứu những loại thủ tục nào được thực hiện trực tuyến tại từng sở, ngành, quận, huyện, phường, xã.
Tất cả các đơn vị phải bố trí nhân sự trực hướng dẫn, trao đổi qua hộp thư điện tử (email), tin nhắn, điện thoại, đường dây nóng công khai trên trang web của từng đơn vị, đảm bảo trả lời các phản ảnh, kiến nghị thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền giải quyết.
Đặc biệt, các đơn vị có trách nhiệm phối hợp với bưu điện giới thiệu rộng rãi đến cá nhân, tổ chức về chính sách ưu đãi cước dịch vụ bưu chính công ích trong mùa dịch bệnh COVID-19. Cụ thể trong giai đoạn này, người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến và đăng ký dịch vụ nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện sẽ được giảm giá cước 20%.
Đáp ứng yêu cầu làm việc tại nhà của cán bộ, công chức, viên chức, Sở TT-TT TPHCM đã đề nghị các sở ngành, UBND quận huyện áp dụng nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác.
Theo đó, việc tiếp nhận, phân công, xử lý và phát hành văn bản điện tử trên phần mềm quản lý văn bản cần được thực hiện nghiêm túc. Cán bộ, công chức, viên chức sẽ sử dụng thư điện tử công vụ để trao đổi công việc, không được sử dụng thư điện tử cá nhân. Sở TT-TT lưu ý, các đơn vị chủ động tổ chức họp trực tuyến thông qua các dịch vụ sẵn có hiện nay như: SureMeet (Lạc Việt), MegaMeeting (Mobifone), Zoom, Skype… Cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị trao đổi thông tin trong quá trình xử lý công việc thông qua thư điện tử công vụ hoặc sử dụng kênh kết nối của thành phố tại địa chỉ http://ketnoi.tphcm.gov.vn. Các giải pháp này không được áp dụng đối với các nội dung liên quan đến bí mật nhà nước.