Đảm bảo 100% học sinh được kiểm tra sức khỏe
Trừ học sinh mầm non, tất cả bậc học còn lại phải đảm bảo 100% học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên đeo khẩu trang trong trường, kiểm soát chặt ngay từ cổng trường. Đảm bảo tất cả mọi người đều phải được đo nhiệt độ khi vào trường.
Chiều 27/4, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT 24 quận/huyện, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm, giáo dục kỹ năng sống và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn thực hiện Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và công tác đảm bảo an toàn, chuẩn bị cho học sinh đi học lại.
Theo đó, tất cả các cơ sở giáo dục phải hoàn thành việc tự đánh giá, được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương thẩm tra, xác nhận và đủ điều kiện an toàn trước khi tổ chức hoạt động. Những đơn vị có nhiều chi nhánh, cơ sở phải thực hiện việc đánh giá đối với từng cơ sở. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục thực hiện chủ động, dựa trên cơ sở thực tiễn đơn vị mình, xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm đạt chỉ số an toàn cao nhất, đảm bảo an toàn cho học sinh. Việc tổ chức đánh giá phải đảm bảo nguyên tắc nghiêm túc, khách quan và khoa học.
Các cơ sở giáo dục chủ động tự rà soát, đánh giá nghiêm túc, khách quan, báo cáo về Phòng GD-ĐT quận, huyện trước 12 giờ ngày 29/4/2020. Sau đó, Phòng GD-ĐT các quận, huyện tổng hợp, báo cáo về Sở GD-ĐT trước 14 giờ ngày 29/4/2020.
Ngoài ra, Phòng GD-ĐT các quận, huyện phối hợp với y tế địa phương hướng dẫn, tổng hợp kết quả tự đánh giá và tổ chức phúc tra kết quả đánh giá các cơ sở giáo dục trên địa bàn, báo cáo về Ban Chỉ đạo quận, huyện và Sở GD-ĐT trước 17 giờ ngày 2/5/2020.
Trong đó, đối với tiêu chí số lượng học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên tập trung tối đa trong một thời điểm tại cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở đánh giá là thời điểm nhà trường tập trung số lượng học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên đông nhất trong một buổi học. Nếu trường có số lượng học sinh đông, cần thực hiện các giải pháp lệch ca, lệch giờ, giảm số lớp học trong một buổi…
Đối với tiêu chí mật độ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên tập trung trong phòng học, phòng làm việc, cách tính mật độ là tỷ lệ diện tích phòng trên tổng số học sinh (hoặc giáo viên, nhân viên) trong phòng (tính trung bình). Các trường có thể tách lớp để thực hiện giảm, giãn số học sinh trong phòng học; bố trí vị trí ngồi học tất cả học sinh hướng về phía bảng, bục giảng, không quay mặt vào nhau, tạm thời không tổ chức học và thảo luận theo nhóm.
Với tiêu chí khoảng cách học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên ngoài phòng học, phòng làm việc, phạm vi ngoài phòng học, phòng làm việc được kể đến gồm: khu vực cổng trường, khu tập luyện thể dục thể thao, bãi xe, căn tin, sân trường, hành lang... Cơ sở giáo dục phải bố trí lực lượng giáo viên, nhân viên trực ở các khu vực để quản lý, nhắc nhở học sinh, đảm bảo giãn cách tối thiểu 1 mét, không tập trung đông người, hạn chế tối đa học sinh di chuyển vào đầu giờ học, giờ đang học, giờ chơi và giờ tan học.
Ngoài ra, TP cũng quy định trường học bố trí đầy đủ vòi nước, xà phòng ở những nơi thuận tiện, nhắc nhở học sinh thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ra, vào lớp. Mỗi phòng học cần trang bị dung dịch, nước sát khuẩn để học sinh sử dụng trong trường hợp không được rửa tay bằng xà phòng, bố trí đầy đủ nước uống cho giáo viên và học sinh, không sử dụng các dụng cụ uống nước chung.
Trừ học sinh mầm non, tất cả bậc học còn lại phải đảm bảo 100% học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên đeo khẩu trang trong trường, kiểm soát chặt ngay từ cổng trường. Đảm bảo tất cả mọi người đều phải được đo nhiệt độ khi vào trường. Đối với học sinh, thực hiện việc đo nhiệt độ đầu mỗi buổi học theo đơn vị lớp.
Trong ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, thủ trưởng đơn vị không tổ chức các hoạt động học tập, chỉ tổ chức kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn hướng dẫn cho học sinh các biện pháp tự phòng ngừa và triển khai giờ học, kế hoạch học tập và phòng, chống dịch bệnh của nhà trường để học sinh an tâm đi học và đảm bảo an toàn khi đi học.
Nếu học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Khi ghi nhận các trường hợp có thân nhiệt cao trong trường, phải xử lý theo đúng quy trình theo hướng dẫn của ngành y tế.
Lên phương án lập vách ngăn trong suốt giữa các bàn học
Nếu xếp chỗ ngồi cho học sinh theo quy định cách nhau 2m thì phải xếp mỗi em ngồi 1 bàn. Như vậy, mỗi phòng học chỉ có thể có 24 học sinh. Vì vậy ngành giáo dục TP đang tính giải pháp làm vách ngăn giữa các học sinh.
Theo báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đặc thù của TP là sĩ số học sinh/lớp rất cao. Nhiều trường tiểu học, THCS, THPT có sĩ số hơn 50 học sinh/lớp. Như vậy, khi học sinh đi học lại, việc sắp xếp chỗ ngồi cho các em theo đúng quy định của Bộ Y tế (cách nhau 2m) là không khả thi.
Một cán bộ Sở GD-ĐT TP phân tích: "Phòng học của đa số các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP thường có 24 bàn. Nếu xếp chỗ ngồi cho học sinh theo quy định cách nhau 2m thì phải xếp mỗi em ngồi 1 bàn. Tính ra, mỗi phòng học chỉ có thể có 24 học sinh.
Một lớp 55 - 56 học sinh phải ra học tại 3 phòng học thì không thể có đủ phòng và giáo viên giảng dạy. Nhất là trong bối cảnh các trường phổ thông phải xếp lớp theo đặc thù sau thời gian học trực tuyến: lớp có học sinh đã học trực tuyến và tiếp thu bài tốt, lớp có học sinh đã học trực tuyến nhưng tiếp thu bài chưa tốt, lớp có học sinh chưa tham gia học trực tuyến".
Vì những lý do trên, Sở GD-ĐT TP đang tính đến giải pháp khuyến khích các trường làm vách ngăn giữa các bàn để tránh sự tiếp xúc của học sinh với học sinh.
Tại nhiều trường học ở TP. Hồ Chí Minh, các thầy cô giáo ngoài chuẩn bị các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì họ còn trang trí, tô điểm lại khuôn viên trường để đón học sinh.
Theo báo Thanh Niên, Những bức hình sinh động là khung cảnh đại dương, tòa lâu đài, những cơn mưa… đã biến những chiếc ghế đá cũ trên sân Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai như vừa được thay áo mới trước ngày đón học sinh quay trở lại trường.
“Ghế đá sân trường là một trong những nơi gắn liền với học sinh trong những giờ ra chơi, nghỉ ngơi. Vì lâu năm nên chúng đã cũ, có chiếc còn bị rạn nứt xấu xí. Mong muốn tạo cho các em không gian sinh động, vui tươi khi trở lại trường chúng tôi đã nhờ các cô trang trí, vẽ lại”, Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.