TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh nhiều dự án hạ tầng quan trọng

17:13 19/05/2020

TP. Hồ Chí Minh đang tập trung nhiều giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, trong đó công tác giải ngân vốn đầu tư công là một mấu chốt quan trọng để thúc đẩy kinh tế.

TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh nhiều dự án hạ tầng quan trọng
Công nhân thi công căng cáp trên phần cầu chính dự án cầu Thủ Thiêm 2. (Ảnh: TTXVN)

Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 có tổng vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng, có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 1.465m sẽ hợp long và thông xe kỹ thuật cuối năm nay. Cây cầu này nối quận 1 và quận 2 của Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện cầu đang được thi công gấp rút phần cầu chính, dự kiến sẽ hợp long và thông xe kỹ thuật cuối năm 2020.

Theo TTXVN/Vietnam+, Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng, do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm nhà đầu tư theo hình thức BT.

Cầu có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 1.465m; trong đó, phần cầu dài 885,7m được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiến trúc cầu Rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm, là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, cầu Thủ Thiêm 2 được xem là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn.

Theo thiết kế, cầu dẫn phía quận 1 bao gồm nhánh chính dài 437m, có 4 làn xe đi thẳng vượt qua nút giao Nguyễn Hữu Cảnh-Lê Thánh Tôn, kết nối với nút giao Lê Duẩn-Tôn Đức Thắng. Nhánh N1 dài 195m, bắt đầu từ Công trường Mê Linh chạy dọc đường Tôn Đức Thắng cập theo sông Sài Gòn kết nối vào cầu chính đi qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm; nhánh N2 dài 192m, từ quận 2 qua quận 1, đáp xuống đường Tôn Đức Thắng trước nút giao Nguyễn Hữu Cảnh-Lê Thánh Tôn. Trong khi đó, đường dẫn phía quận 2 dài 140m, kết nối vào Đại lộ vòng cung trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đối với phần cầu chính, Nhà đầu tư cho biết hiện đã thi công hoàn thành cọc khoan nhồi, mố trụ cầu; hoàn thành kết cấu dầm bê tông đổ trên đà giáo từ mố S5 đến trụ tháp S2. Cùng đó, đơn vị thi công đã hoàn thành 12/34 đốt trụ tháp S2; lắp đặt 5/17 đốt dầm thép và căng 12/56 bó cáp. Dự kiến cầu chính sẽ hợp long và thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay.

Hiện nay, phần đường dẫn phía quận 1 cũng đã hoàn thành thảm bê tông nhựa, tổ chức giao thông đoạn từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Trung Ngạn. Phần cầu dẫn nhánh chính từ mố AS1 đến trục AS11 đã hoàn thành cọc khoan nhồi, mố trụ cầu; hoàn thành kết cấu dầm bê tông đổ trên đà giáo nhịp AS5 đến AS9 và đang thi công đồng thời nhịp AS3 đến AS5 và nhịp AS9 đến AS10. Trong khi đó, hiện nhánh N1 và N2 chưa thể thi công do vướng giải phóng mặt bằng.

Đối với công trường phía quận 2, hiện phần đường dẫn đã hoàn thành thảm bêtông nhựa lớp 1, lát đá vỉa hè; các hạng mục hoàn thiện sẽ thi công đồng bộ với cầu chính.

Trước đó, trong tháng Tư vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông báo điều chỉnh phân luồng giao thông trên đường Tôn Đức Thắng phục vụ thi công dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (nhịp dầm băng nút giao Tôn Đức Thắng-Nguyễn Hữu Cảnh-Lê Thánh Tôn) từ ngày 25/4 vừa qua đến ngày 20/7 tới.

Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ cho biết, Thủ tướng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với những nội dung chủ yếu:

Mục tiêu dự án nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Nhà ga T3 là hạng mục rất quan trọng để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm - Ảnh: QUANG ĐỊNH/Tuổi Trẻ
Nhà ga T3 là hạng mục rất quan trọng để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm - Ảnh: QUANG ĐỊNH/Tuổi Trẻ

Về quy mô, ngoài nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất đạt tiêu chuẩn quốc tế, công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, dự án còn thực hiện mở rộng sân đỗ máy bay, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ như hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mặt, nước thải.

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tiến độ thực hiện dự án là 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Thủ tướng giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án và các nội dung thẩm định hồ sơ dự án tại văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư theo quy định của pháp luật; bảo đảm ACV có đủ điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về việc đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn của ACV. Tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, sử dụng nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy định của pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc xác định ranh giới khu vực sử dụng riêng cho hoạt động dân dụng và khu vực sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân sự do dân dụng quản lý theo quy định.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn ACV triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư dự án theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo mục tiêu, tiến độ, hiệu quả đầu tư của dự án và an toàn trong quá trình thi công xây dựng, vận hành khai thác công trình.

Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND TP.HCM, ACV và các cơ quan liên quan thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất từ đất quốc phòng sang đất giao thông, trình Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục bàn giao đất thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Đình Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục