TP. Hồ Chí Minh hoàn thành việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

11:04 15/08/2020

(HMC) - Báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid -19 cho hay, tính đến ngày 10/8, Thành phố đã giải quyết cho 543.345 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (đạt 100%), với hơn 595 tỉ đồng.

Làm thủ tục cho các đối tượng nhận hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Sucsongtre.vn
Làm thủ tục cho các đối tượng nhận hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Sucsongtre.vn

Trong đó, Thành phố đã chi trả cho người đang hưởng bảo trợ xã hội với số tiền hơn 185 tỷ đồng, hỗ trợ người có công với cách mạng với hơn 48 tỷ đồng và các hộ nghèo, cận nghèo đạt 100% với tổng số tiền trên 85,2 tỷ đồng.

Với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, Thành phố đã giải quyết cho 56.512 đối tượng của 1.927 đơn vị với số tiền trên 58 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thành phố cũng chi trả hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ cho 1046 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và hơn 13 tỷ đồng hỗ trợ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ nghỉ việc không hưởng lương.

Bên cạnh đó, Thành phố đã giải quyết cho 1.347 hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/ năm với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Sở LĐ-TB&XH, doanh thu dưới 100 triệu đồng/ năm cho các hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố thấp hơn nhiều so với doanh thu thực tế nên ít hộ kinh doanh có đủ điều kiện tiếp cận được chính sách hỗ trợ. Do đó, Sở đề xuất đưa ra quy định về mức doanh thu hằng năm của hộ kinh doanh riêng cho từng tỉnh, thành để đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế, xã hội của địa phương.

Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, Thành phố đã giải quyết cho 183.646 trường hợp với số tiền hơn 183 tỷ đồng. Nhóm đối tượng này đa phần là người lao động tự do, chỉ tạm trú trên địa bàn thành phố và có hộ khẩu tại các địa phương khác nên muốn hưởng chính sách hỗ trợ thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tại nơi thường trú.

Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH đề xuất Thành phố bãi bỏ quy định về việc phải có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn tại nơi thường trú và thay thế bằng giấy cam kết của người lao động về việc chưa đề nghị hỗ trợ tại nơi thường trú. Trường hợp quy định về việc xác nhận nêu trên là thủ tục mang tính chất bắt buộc nhằm tránh trục lợi chính sách thì kiến nghị Trung ương cần có hướng dẫn để việc xác nhận được nhanh chóng, tránh phát sinh thêm chi phí cho người lao động.

Khang Minh

Tin cùng chuyên mục