Theo đó, chiến dịch tiêm chủng đợt 4 (từ ngày 21/6 đến 29/6) có tổng số 938.462 người đến tiêm theo danh sách phân bố, trong đó có 109.465 người hoãn tiêm, 828.997 người được tiêm, đạt tỷ lệ 102,9% so với chỉ tiêu được giao (806.000 liều).
Các nhóm đối tượng tiêm vắc xin phòng COVID-19 lần này gồm lực lượng tuyến đầu chống dịch (người làm việc tại cơ sở y tế, ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp); lực lượng quân đội, công an, hải quan; Người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, cảng, vận tài, cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, vệ sinh môi trường, bưu chính viễn thông, xăng dầu, hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho các cơ sở y tế; Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; Người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người yếu thế và các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch: công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm...
Trong chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất này, TPHCM đã huy động 176 đơn vị gồm 58 bệnh viện công lập từ tuyến trung ương đến quận huyện, 59 bệnh viện ngoài công lập, 24 trung tâm y tế, 35 phòng khám đa khoa tư nhân được huy động cử lực lượng nhân viên y tế để thiết lập 1.109 đội tiêm. Một đội tiêm bao gồm 05 nhân sự chuyên môn khám sàng lọc, tiêm vắc xin, theo dõi, xử trí phản ứmg sau tiêm. Trung bình mỗi ngày huy động hơn 5.300 nhân viên y tế tham gia các đội tiêm.
Đồng thời, tổ chức 96 địa điểm tiêm trong cộng đồng tại Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện và hơn 300 địa điểm tiêm mỗi ngày trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung. Địa điểm tổ chức tiêm chủng đảm bảo điều kiện bố trí quy trình tiêm chủng cho 3-4 dây chuyền tiêm theo đúng quy định, đảm bảo các yêu cầu về giãn cách và an toàn phòng chống dịch khác; được vệ sinh khử khuẩn hàng ngày sau mỗi buổi tiêm.
Để xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng, Sở Y tế đã bố trí 21 đội hồi sức cấp cứu và 88 xe cấp cứu được huy động tham gia. Các đội này phụ trách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm tại mỗi điểm tiêm, thuốc, trang thiết bị y tế và phương tiện xử trí cấp cứu. Ngoài ra, tại mỗi quận huyện, khu công nghiệp được bố trí từ 02 - 03 xe cấp cứu có đội cấp cứu chuyên nghiệp để hỗ trợ xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm và vận chuyển người bị tai biến nặng về bệnh viện.
Về công tác vận chuyển và bảo quản vắc xin, Sở Y tế cho biết các trung tâm y tế tự bố trí xe vận chuyển để tiếp nhận vắc xin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) và phân phối vắc xin đến các điểm tiêm cộng đồng. Các đơn vị khu công nghiệp, khu chế xuất hỗ trợ 18-20 xe mỗi ngày vận chuyển vắc xin đến điểm tiêm trong khu công nghiệp. Ngoài ra Công ty Vận tải SACO hỗ trợ 02 xe tham gia công tác vận chuyển vắc xin.
HCDC và các trung tâm y tế sử dụng kho lạnh/thiết bị dây chuyền lạnh sẵn có đảm bảo điều kiện bảo quản vắc xin. Ngoài ra, Sở Y tế đã mua sắm bổ sung 400 phích vắc xin, huy động thêm 324 phích vắc xin và 99 hòm lạnh từ 16 tỉnh phía Nam để sử dụng cho các điểm tiêm.
Báo cáo cho biết, những ngày đầu triển khai, do thực hiện tiêm một số lượng lớn vắc xin trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị gấp rút, chưa kịp hoàn thiện nên việc tổ chức còn một số khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, theo dõi giám sát và hỗ trợ của lãnh đạo TP và sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các lực lượng, đợt tiêm chủng đợt 4 đã hoàn thành đúng kế hoạch.
Sở Y tế cũng ghi nhận sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị tham gia cung ứng hậu cần cho lực lượng tham gia chiến dịch tiêm chủng, đảm bảo sức khỏe để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Những nỗ lực của nhân viên y tế các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa tư nhân và các cơ sở y tế khác trên địa bàn Thành phố tham gia thực hiện tiêm chủng an toàn, đúng quy định chuyên môn của Bộ Y tế và sự tham gia tích cực của các đội vận chuyển cấp cứu và nỗ lực cấp cứu của các bệnh viện trong việc xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm, đảm bảo an toàn cho người được tiêm.