Với tâm thế trở thành một siêu đô thị sáng tạo, Thành phô Hồ Chí Minh xây dựng chủ đề năm 2021 là “Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư." Thành phố tập trung bổ sung, hoàn chỉnh những chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Việc phải giữ vững vị thế là đầu tàu kinh tế tạo ra những thử thách lớn cho Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là khi khoảng cách so với các địa phương khác đang dần dần bị thu hẹp.
Để đón "dòng chảy chất xám" khi nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, nguồn nhân lực trở về Việt Nam sau dịch COVID-19, cần tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi cho đội ngũ khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Cải thiện môi trường đầu tư
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định trong một thế giới chuyển động không ngừng và mỗi cơ hội được tính bằng giây đối với doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra chủ đề năm 2021 là “Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư." Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy giải quyết tình trạng một số doanh nghiệp còn gặp phiền hà, gặp khó về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đang không ngừng nỗ lực kiến tạo một môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố khẩn trương hoàn chỉnh Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư như một cam kết mạnh mẽ của thành phố đối với doanh nghiệp, doanh nhân.
Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng bổ sung, hoàn chỉnh Chương trình kích cầu đầu tư để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong giai đoạn mới và sẽ trình Hội đồng Nhân dân thành phố trong tháng 7/2021. Do đó, chương trình này khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nhân trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia tích cực hơn trong việc cùng thành phố hoạch định chính sách đầu tư, tái cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh có thế mạnh...
Ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ với kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng cao và từng bước khẳng định thương hiệu, chủ đề năm 2021 không chỉ là một khẩu hiệu. Sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là động lực không thể thiếu đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dù trong hoàn cảnh nào, doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, năng cao nâng suất lao động... mới tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ. Khi doanh nghiệp coi trọng đổi mới sáng tạo, quan tâm đầu tư hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ thì sẽ có nhu cầu tuyển dụng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, từ đó, góp phần lan tỏa ra xã hội, phát triển lực lượng lao động tay nghề cao, giàu chất xám, tri thức.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, chuyển động toàn hệ thống để chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống.
Điển hình, các sở, ngành trên địa bàn sẽ kiện toàn hành lang pháp lý, kỷ luật trong thực thi công vụ; cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp...
Ngoài ra, từng sở, ngành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải hoàn thành mục tiêu cụ thể về đơn giản hóa, đổi mới quy trình xử lý công việc với tinh thần đột phá, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Khai thác tiềm năng mới
Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện Chương trình chuyển đổi số nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, nhất là trong năm 2021 sẽ thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo nhằm thể hiện sự chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính vì vậy, doanh nghiệp, doanh nhân cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngay từ bây giờ, nhất là chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số bởi lẽ chuyển đổi số doanh nghiệp là tiến trình đầy gian lao, thử thách và không ngừng nghĩ để đi đến thành công.
Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý của Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước vấn đề định vị thành phố trong nước, cũng như trong khu vực châu Á và Đông Nam Á. Điều này đặt ra yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh phải có chiến lược phát triển kinh tế dựa trên những thế mạnh như khu vực kinh tế tư nhân, đô thị, tài chính, môi trường sống, môi trường văn hóa-xã hội...
Tuy nhiên, từ khát vọng xây dựng cơ chế chính sách về nguồn lực, thể chế, chiến lược, thực thi là một quá trình hiện thực hóa đầy thách thức đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất là những ràng buộc khắt khe về thể chế, đặc biệt là vấn đề tài chính-ngân sách. Tiếp theo, Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo đáp ứng xu thế phân công lao động, thúc đẩy hợp tác-liên kết vùng để phát huy vai trò trung tâm trong vùng Đông-Tây Nam Bộ.
Theo tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, nhằm giữ vững vị thế đầu tàu trong nước và thu hẹp khoảng cách so với khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh nên khai thác hiệu quả dư địa cải cách cơ chế chính sách. Những động lực bứt phá thiên về số lượng và chiều rộng trước đây đã hết đà, do đó, cần nắm bắt những động cơ mới đang định hình rõ nét, gồm: doanh nghiệp tư nhân, đô thị hóa, trung tâm tài chính, dịch vụ như y tế, giáo dục...
Các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng bước khẳng định vai trò then chốt với tỷ lệ đóng góp khoảng 54%, gấp khoảng 5 lần cả nước (10%). Thành phố Hồ Chí Minh có thế mạnh là trung tâm doanh nghiệp cả nước và tập trung nguồn lực doanh nhân mạnh mẽ.
Một số chuyên gia nhận xét nguồn lực của Thành phố Hồ Chí Minh không đến từ ngân sách mà đến từ bản thân nội tại đặc thù của thành phố. Vì vậy, một trong những giải pháp tạo động lực tăng trưởng mới là tận dụng hiệu quả cơ chế chính sách hiện có và đề xuất cơ chế chính sách mới.
Chiến lược phát triển kinh tế tập trung vào những ngành trọng tâm vì nếu không lựa chọn chính xác thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn hậu COVID-19. Cụ thể, công nghiệp chế tạo không còn giữ vị trí độc tôn mà đã chuyển dịch sang các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ logistics, thương mại, giáo dục, y tế...
Bà Tiêu Yến Trinh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhân tài (Talentnet) cho biết muốn thu hút nhà đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh, cần cho nhà đầu tư thấy những dư địa phát triển như tiềm năng đầu tư nhiều lĩnh vực, mạng lưới cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách...; đồng thời phải đảm bảo cung ứng nhân lực có khả năng cạnh tranh. Chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực cần bám sát và tập trung vào những ngành mũi nhọn, từ đó, xác định những kỹ năng, chuyên môn phục vụ tốt nhất cho những ngành này.
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Vấn đề về cơ chế chính sách trong phối hợp giữa chính quyền địa phương với các trường đại học, định hướng đầu vào-đầu ra phục cho kinh tế là rất quan trọng, cần ở thế chủ động và đi trước. Cơ chế chính sách trong phối hợp đào tạo nguồn nhân lực cũng góp phần nâng cao chất lượng lĩnh vực giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, việc hình thành những đô thị toàn cầu được đánh giá là động lực và chi phối nền kinh tế của mỗi đất nước. Nhưng tại Việt Nam, còn dư địa rất lớn để phát triển, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị có điều kiện để trở thành đô thị toàn cầu nếu khẳng định được lợi thế "đất lành chim đậu" bằng giải pháp cân đối phát triển kinh tế, kiến tạo môi trường sống chất lượng./.
Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)