Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới mục tiêu từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Chính vì vậy, thành phố đang xây dựng đề án "Chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố đến năm 2030," đồng thời tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh đầu tư các công trình văn hóa, thể thao tiêu biểu, mang tầm vóc khu vực, tương xứng vai trò, vị trí của một đô thị đặc biệt.
Chú trọng bảo tồn
Với 320 năm hình thành và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ nhiều tinh hoa di tích, di sản văn hóa đô thị.
Đây chính là lợi thế, tiềm năng để xây dựng và phát triển các di sản, đưa di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu vào phục vụ khai thác du lịch, đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa riêng của thành phố.
Đặt vấn đề về bảo tồn di sản gắn liền với khai thác giá trị văn hóa, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết di sản kiến trúc là một phần bản sắc của đô thị, nếu không có di sản, đô thị gần như không thể phát triển văn hóa, du lịch. Do đó, cần hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.
Trong quá trình phát triển đô thị, nhằm bảo tồn các di sản văn hóa, vai trò quyết định thuộc về chính quyền, nhà đầu tư, vai trò quan trọng là các nhà nghiên cứu và cộng đồng.
Song song đó, việc bảo tồn di sản kiến trúc hoàn toàn có thể đồng hành cùng với quá trình đô thị hóa, nếu như các bên biết hài hòa với nhau. Quan trọng hơn, bảo tồn di sản kiến trúc là trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ trẻ hiện nay, vừa tôn trọng lịch sử, vừa để lại cho thế hệ sau nguồn tài nguyên vô giá.
Tiến sỹ Đinh Văn Hạnh, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cần xây dựng đời sống nghệ thuật phát triển theo phong cách công nghiệp hóa gắn với ngành công nghiệp nghệ thuật của thành phố.
Bên cạnh đó, Thành phố sớm khắc phục tình trạng thiếu nhà hát quy mô, tầm cỡ cho các loại hình nghệ thuật truyền thống lẫn hiện đại; ưu tiên đầu tư trang thiết bị vật chất, kỹ thuật cho các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp đặc thù như ca múa nhạc, sân khấu, xiếc... đạt chất lượng cao phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Quan trọng là những hoạt động này phải được nuôi dưỡng theo một kế hoạch dài hạn nhằm tạo ra hoạt động liên tục, hiện đại hóa trên cơ sở liên kết khả năng khai thác các vốn kho tàng văn hóa truyền thống và phát triển theo cách mới mẻ, không ngừng sáng tạo.
Theo các chuyên gia về văn hóa, xuất phát từ nhu cầu và thực tiễn cuộc sống, ngành văn hóa thành phố cần tiếp tục tăng cường nguồn lực hơn nữa để tận dụng, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Thành phố chú trọng điều chỉnh những mặt còn hạn chế ở hạ tầng kỹ thuật, đồng thời thúc đẩy đầu tư công trình văn hóa, để những công trình ấy trở thành địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, hướng đến quảng bá du lịch, nét văn hóa đặc trưng của thành phố nói riêng, toàn miền Nam nói chung.
Trở thành trung tâm văn hóa hàng đầu cả nước
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu của Chiến lược nhằm phát triển Thành phố trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực, có thị trường mỹ thuật, sân khấu-điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn, trung tâm văn hóa giải trí phát triển mạnh đứng đầu cả nước.
Bên cạnh đó, Thành phố nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; đổi mới cơ chế quản lý văn hóa phù hợp với quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế quản lý phục vụ phát triển xã hội hóa.
Thành phố tập trung đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của 11 nhóm công tác trọng tâm sau: công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; hệ thống thiết chế văn hóa; bảo tàng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại; không gian văn hóa công cộng; nhiếp ảnh, mỹ thuật, triển lãm, tượng đài và tranh hoành tráng; điện ảnh; quản lý dịch vụ văn hóa; hoạt động quảng cáo; công tác tuyên truyền cổ động trực quan và thông tin lưu động; hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Hơn 2.000 người cao tuổi trên thành phố đồng diễn dưỡng sinh tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố đã xác định những chỉ tiêu cụ thể về nhóm các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh-triển lãm, quảng cáo và văn hóa; chú trọng, xúc tiến thực hiện một số công trình trọng điểm như dự án Nhà hát giao hưởng-nhạc vũ kịch 1.700 chỗ ngồi tại Thủ Thiêm (Quận 2), xây dựng rạp xiếc và biểu diễn nghệ thuật đa năng Phú Thọ 2.000 chỗ ngồi tại Quận 11; hình thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Lê Tú Lệ, Thành phố cần tìm ra điểm nhấn nhằm thu hút khách du lịch; tăng cường đầu tư, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân để bảo tồn các di sản tự nhiên, lịch sử, di sản kiến trúc.
Theo bà Lê Tú Lệ, Thành phố cần tiếp tục đổi mới hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật, nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và định hướng thẩm mỹ cho công chúng; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho mọi năng lực sáng tạo có cơ hội phát huy, khích lệ những tìm tòi, tôn trọng các ý kiến khác nhau về lý luận, phê bình văn học nghệ thuật vì lợi ích chung và sự phát triển lành mạnh của văn học nghệ thuật.
Thành phố nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn học nghệ thuật, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật; xác định rõ mục tiêu cụ thể, tạo cơ hội cho ngành văn hóa, nghệ thuật xứng tầm với vị thế là đầu tàu của cả nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ngành văn hóa thành phố đang khuyến khích phát triển văn hóa theo hướng hỗ trợ cộng đồng dân cư tham gia quản lý du lịch nhằm tăng lợi ích kinh tế.
Điều này giúp người dân địa phương phát huy truyền thống văn hóa, nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất, tinh thần, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị, di sản lịch sử-văn hóa trong bối cảnh mới./.
Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)