Bác sĩ điều khiển robot mổ nội soi
Mắc ung thư tuyến tiền liệt với khối u lớn, phải phẫu thuật, ông L.V.K. - 70 tuổi, ở tỉnh Đắk Lắk - rất lo lắng. Người nhà cũng sợ ông tuổi cao sức yếu, khó vượt qua. Con trai ông kể: “Tôi tìm hiểu thì biết Bệnh viện (BV) Bình Dân dùng robot mổ nội soi nên đăng ký mổ cho cha”.
Thực hiện ca phẫu thuật cho ông K., bác sĩ (BS) chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Châu - Phó giám đốc BV Bình Dân - vào buồng điều khiển 4 cánh tay robot thế hệ mới Da Vinci. Qua micro, ông phối hợp với 2 BS khác, 2 kỹ thuật viên gây mê, hồi sức, mở 4 lỗ nhỏ, cho 4 cánh tay robot cầm dao mổ, dụng cụ đốt điện, camera... thao tác.
BS Nguyễn Ngọc Châu điều chỉnh tay robot giữ camera 3D đi trước, ghi lại vị trí cần mổ. Xác định xong “điểm đến”, ông nhấn bàn đạp, điều khiển cánh tay robot đưa dụng cụ đốt điện đơn, lưỡng cực vào phối hợp. 4 cánh tay robot linh hoạt di chuyển, “lia” camera, thay nhau cắt lọc, đốt, bóc tách u… Gần 1 tiếng sau, khối u được lấy ra ngoài, BS tiếp tục điều khiển robot nối cổ bàng quang, niệu đạo… hoàn tất ca mổ. Bệnh nhân gần như không cảm nhận đau đớn.
Nhờ vào các tiến bộ trong kỹ thuật điều trị, số lượng bệnh nhân là Việt kiều, người Thụy Sĩ, Pháp, Mỹ… đến BV Bình Dân điều trị ngày càng nhiều. Một bệnh nhân người Mỹ là ông C.J. - 65 tuổi - bị ung thư tuyến tiền liệt 3 năm, đã phẫu thuật tại Mỹ 1 lần. Sau mổ, ông bị tình trạng tiểu gắt, tiểu lắt nhắt. 6 tháng trước, ông có chỉ định phẫu thuật tiếp. Tuy nhiên cơn đau và di chứng từ cuộc mổ đầu tiên khiến ông không muốn điều trị. Con trai của ông C.J. là BS. Khi tìm thông tin về các kỹ thuật điều trị ung thư cho cha, anh biết đến phẫu thuật nội soi robot của BV Bình Dân nên đưa cha đến Việt Nam điều trị.
Ông C.J. được mổ bằng robot thành công, cắt bỏ hoàn toàn khối u và điều trị dứt điểm tình trạng tiểu lắt nhắt. “Tôi rất hạnh phúc khi giải quyết triệt để di chứng này, bởi tôi gặp rất nhiều bất tiện, kể cả khi ngủ. Tôi cũng bất ngờ khi chi phí điều trị chỉ 150 triệu đồng, thay vì hơn 2 tỉ đồng nếu điều trị tại Mỹ” - ông C.J. nói. Con trai ông cho biết đã tìm hiểu các kỹ thuật điều trị tương tự tại Singapore, Thái Lan…, chi phí điều trị ở các nước này là hơn 1 tỉ đồng.
BS Nguyễn Ngọc Châu đánh giá: “Phẫu thuật bằng robot giúp người bệnh ít mất máu, tránh đuối sức sau mổ. 4 vị trí mở để robot đi vào khá nhỏ nên giảm nguy cơ nhiễm trùng, sớm hồi phục sức khỏe”.
Hệ thống phẫu thuật robot là cánh tay nối dài, xoay 360 độ, cho phép ê kíp mổ tiếp cận những vị trí hẹp, nhiều “ngóc ngách” mà phương pháp nội soi thông thường không làm được. Kính nội soi 3D phóng đại lên đến 12 lần giúp BS thực hiện chính xác hơn, tiết kiệm 40% thời gian so với phẫu thuật cổ điển.
Phó giáo sư, tiến sĩ, BS Trần Vĩnh Hưng - Giám đốc BV Bình Dân - thông tin: “Phương pháp phẫu thuật bằng robot ngày càng được người bệnh tin tưởng bởi hiệu quả sau mổ cao, ít rủi ro. Chi phí phẫu thuật chỉ bằng 1/10 so với các nước khác. Đến nay đã có hơn 3.000 trường hợp được phẫu thuật thành công, tập trung vào ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, bướu thận và ung thư bàng quang. Hiện, BV có 26 kíp phẫu thuật robot giàu kinh nghiệm, có khả năng phẫu thuật những ca phức tạp”.
AI lập kế hoạch xạ trị trong 2 phút
Chỉ trong thời gian ngắn triển khai phần mềm Raysearch tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào lập kế hoạch xạ trị, hơn 30 bệnh nhân bị ung thư đầu cổ của BV Ung Bướu TPHCM đã được xạ trị sau khoảng 3 ngày thay vì phải chờ gần nửa tháng như trước.
Sau xạ trị, sức khỏe bệnh nhân tốt hơn, ít mất sức. Chị N.T.K.L. - 38 tuổi, ở tỉnh Khánh Hòa - chia sẻ: “Tôi được chẩn đoán ung thư vòm họng phải xạ trị. Sau khi chụp CT, BS nói tôi đợi vài ngày để vào xạ trị. Tôi nghĩ cũng phải 10-20 ngày như lần trước nên đi về quê, không ngờ chỉ 3 ngày đã được xạ trị, các hạch ở cổ nhỏ lại, đỡ nghẹt mũi, nhức đầu. Xạ trị xong không mệt mỏi, tôi định bắt xe về quê luôn, không phải thuê trọ nghỉ 1 đêm nữa”.
Đây là kết quả của việc ứng dụng AI để lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân chỉ trong 2 phút thay vì 4 tiếng như cách truyền thống. Tiến sĩ, BS Lâm Đức Hoàng - Trưởng khoa Xạ trị đầu cổ, tai mũi họng, hàm mặt của BV - cho hay: “BV là nơi đầu tiên trên cả nước sử dụng kỹ thuật này. Khi có AI, phần mềm sẽ tự động phân tích, trả về kết quả rất nhanh và hầu hết sự tương đồng cao với BS”.
AI cũng hỗ trợ tính toán, lập kế hoạch rất nhiều kỹ thuật như xạ trị 3D, xạ trị điều biến liều, thậm chí xạ trị proton, hạt nặng rất tối ưu. Ngoài ra, AI còn điều chỉnh góc chiếu tia, cường độ, hướng đi của chùm tia bức xạ, đảm bảo “đánh trúng đích”, ít gây ảnh hưởng đến các cơ quan khỏe mạnh lân cận nên sau xạ trị, bệnh nhân đỡ mất sức. “Điều này có ý nghĩa rất lớn khi BV có đến 70% bệnh nhân ung thư cần xạ trị. Cả BS và bệnh nhân đỡ áp lực hơn” - BS Lâm Đức Hoàng nói.
Tiến sĩ, BS Diệp Bảo Tuấn - Giám đốc BV Ung Bướu TPHCM - cho biết thêm, hệ thống lập kế hoạch xạ trị tích hợp AI được xây dựng và lưu trữ dữ liệu bởi các chuyên gia xạ trị hàng đầu thế giới, ứng dụng tại khoảng 1.000 BV, trung tâm ung thư toàn cầu. AI lưu trữ các dữ liệu kế hoạch xạ trị tốt nhất của các chuyên gia xạ trị hàng đầu, sau đó tích hợp, phân tích và áp dụng hợp lý nhất cho từng bệnh nhân. Những dữ liệu này được cập nhật liên tục trong suốt quá trình điều trị, giúp BS dễ dàng theo dõi, phát hiện các thay đổi trong cấu trúc khối u, từ đó phân tích liều lượng xạ trị thực tế bệnh nhân đã nhận, kịp thời điều chỉnh phác đồ, giảm thiểu biến chứng tiềm ẩn, hạn chế sai sót trong chuỗi quy trình xạ trị phức tạp.
Ngoài ra, AI còn có thể liên kết vùng, giúp BS có thể xử lý dữ liệu ở các BV tuyến dưới để hội chẩn, lập kế hoạch xạ trị từ xa cho bệnh nhân. “Điều này rất có lợi khi người bệnh không cần phải đến TPHCM, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc mà vẫn đảm bảo quá trình điều trị ung thư. Khi tiết kiệm được thời gian điều trị, BS có cơ hội khám, hội chẩn, nghiên cứu khoa học… tối ưu hóa phương pháp, tiếp cận kỹ thuật hiện đại hơn trong lĩnh vực ung thư” - BS Diệp Bảo Tuấn nói.
Nhiều năm nay, BV đã liên kết, hợp tác với Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Bỉ, Singapore... trong điều trị và có các nghiên cứu mới, cũng như cập nhật phương pháp điều trị tiên tiến nhất trong lĩnh vực ung thư học. Trong đó, ứng dụng AI lập kế hoạch xạ trị được xem là bước đột phá của BV.
Chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện khu vực Đông Nam Á
Năm 2023, các BS của BV Bình Dân đã được BV Chinese General Hospital and Medical Center của Philippines mời đến để đào tạo, chuyển giao phương pháp phẫu thuật robot điều trị ung thư đường tiêu hóa. Trước các BS Philippines, BS Nguyễn Phú Hữu - Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, BV Bình Dân - đã dùng robot mổ cho người bệnh chỉ mất 2 giờ 30 phút, trong khi phương pháp thông thường phải mất ít nhất 6 tiếng.
Trong tương lai, BV Bình Dân hướng tới xây dựng trung tâm đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật bằng robot cho BS Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. BV tiếp tục đầu tư vào các hệ thống robot phẫu thuật thế hệ mới để mang đến cho người bệnh phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
TPHCM sẽ trở thành điểm đến y tế quốc tế
UBND TPHCM đã phê duyệt đề án Phát triển hệ thống y tế TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Mục tiêu là xây dựng hệ thống y tế hiện đại tiếp cận trình độ công nghệ thế giới; phát triển đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, cũng như các kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu… Từ đó tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút chuyên gia nước ngoài, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ, mở ra cơ hội để TPHCM trở thành điểm đến y tế quốc tế.
|